Kỷ nguyên tiền rẻ chỉ mới bắt đầu

Khả Hân| 13/09/2020 05:06

Không loại trừ khả năng thời gian tới, thị trường có thể chứng kiến thêm nhiều ngân hàng trung ương (NHTƯ) các nước lại giảm lãi suất, nếu như còn dư địa để điều chỉnh giảm, còn không, họ sẽ tiếp tục bơm tiền rẻ thông qua các gói kích thích và hỗ trợ nền kinh tế.

FED mở đường

Cuộc họp chính sách vào cuối tháng 8 vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chứng kiến một sự thay đổi chính sách quan trọng, theo đó cơ quan này sẽ từ bỏ thông lệ đã thực hiện suốt 30 năm qua: nâng lãi suất trước để ngăn ngừa lạm phát lên cao hơn. Hệ quả của chiến lược này có thể còn rất lâu trước khi FED cân nhắc nâng lãi suất trở lại.

Từ trước đến nay, FED có quan điểm khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh cùng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, lạm phát có thể sớm bùng phát, đe dọa sự bất ổn. Do đó, từ năm 2012, cơ quan này đã chủ trương nâng lãi suất ngay khi lạm phát chạm mức 2%. Kết quả là từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2018, FED đã có đến 9 lần nâng lãi suất cơ bản USD, với tổng mức tăng 2,25%, khi nền kinh tế Mỹ trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh và lạm phát nhiều lần chạm mục tiêu đề ra.

bai-1-tien-te-1-5867-1599720958.jpg

Nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu trở lại, FED bắt đầu đảo chiều chính sách, với 5 lần giảm lãi suất trong thời gian hơn một năm, xóa sạch thành quả mức tăng kéo dài trong ba năm trước đó, đưa lãi suất về mức thấp kỷ lục ở 0%. Đặc biệt, chỉ qua hai lần điều chỉnh trong nửa đầu tháng 3 năm nay, nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, FED đã phải giảm đến 1,5% lãi suất cơ bản.

Và giữa lúc mà giới chuyên gia kinh tế toàn cầu còn mải "đoán già đoán non" không biết khi nào NHTƯ lớn nhất thế giới này mới có dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, thì sự điều chỉnh chiến lược vừa qua của FED đã xác nhận điều đó sẽ còn rất lâu nữa. Vì kể từ giờ trở đi, FED chấp nhận có thể để lạm phát vượt mốc 2% và cũng sẽ không nâng lãi suất trước chỉ vì dự báo lạm phát sẽ tăng.

Thay vào đó, họ sẽ chờ cho đến khi có bằng chứng cho thấy lạm phát đã ở mục tiêu 2%, đồng thời mục tiêu này sẽ được tính theo bình quân cho cả một giai đoạn. Cụ thể, nếu lạm phát ở dưới ngưỡng 2% trong những đợt kinh tế suy yếu, FED sẽ để lạm phát tăng hơn 2% khi nền kinh tế khỏe mạnh, miễn sao khi tính bình quân, lạm phát của một giai đoạn sẽ là 2%.

Các NHTƯ khác khó "ngồi yên"

Theo giới phân tích, với cách tiếp cận mới như trên khi đánh giá về lạm phát, sẽ tạo điều kiện cho FED có thể giữ lãi suất ở mức 0% trong vòng 5 năm tới, đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế có cơ hội thoái khỏi suy thoái và phục hồi trở lại, trong bối cảnh  không thể giảm lãi suất thấp hơn nữa, trong khi môi trường lãi suất âm không phải là lựa chọn phù hợp của FED.

Sự thay đổi chính sách của FED dĩ nhiên sẽ tác động đến các NHTƯ trên toàn cầu, khi từ trước đến nay không ít quốc gia nhìn vào động thái của FED để có hành động phù hợp. Do đó, không loại trừ khả năng thời gian tới, thị trường có thể chứng kiến thêm nhiều NHTƯ lại giảm lãi suất, nếu như còn dư địa để điều chỉnh giảm, còn không sẽ tiếp tục bơm tiền rẻ thông qua các gói kích thích và hỗ trợ nền kinh tế.

231231221-6463-1599720958.jpg

Lãi suất âm cũng là một lựa chọn được cân nhắc, khi thực tế thời gian qua đã có một số NHTƯ thực thi chính sách này. Có thể kể đến như Nhật Bản duy trì lãi suất âm 0,1%, Thụy Sĩ âm 0,75%. Cùng với FED, một số NHTƯ khác cũng đang để lãi suất ở mức thấp kỷ lục, như NHTƯ châu Âu (ECB), Thụy Điển, Na Uy là 0%, Anh 0,1%, Úc, New Zealand và Czech 0,25%, Đan Mạch 0,05%, Hàn Quốc 0,5%, Israel 0,1%... và rất có thể họ sẽ áp dụng chính sách lãi suất âm khi dư địa điều chỉnh lãi suất còn rất hạn hẹp.

Dù là theo lựa chọn nào, tiền rẻ sẽ tiếp tục được bơm ra tràn ngập các nền kinh tế là điều khó tránh khỏi trong tương lai gần. Trong tình hình kinh tế vẫn trì trệ do giãn cách xã hội, hạn chế thương mại, cả cung và cầu khó có thể sớm phục hồi do đại dịch, dòng tiền rẻ tất yếu sẽ chạy đến những nơi có khả năng hấp thụ nhanh nhất, trong đó tài sản tài chính, hàng hóa và chứng khoán là những lựa chọn khó tránh khỏi.

Giá vàng cũng như các loại hàng hóa, nông sản khác đã tăng vọt trong những tháng qua là minh chứng cho điều đó, cùng với diễn biến nhiều thị trường chứng khoán tiếp tục leo cao bất chấp lợi nhuận èo uột của các doanh nghiệp niêm yết, thậm chí sụt giảm kinh doanh cao nhất trong nhiều năm qua. 

Đơn cử như tại Mỹ, nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng cực độ của FED, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã liên tiếp lập kỷ lục mới trong tháng 8 vừa qua, mặc dù nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thể lấy lại những gì đã mất trong thời gian qua.

Với kỷ nguyên tiền rẻ chỉ vừa mới bắt đầu, nhà đầu tư đang nhanh chân chạy vào những tài sản có thể hình thành bong bóng sớm nhất và lớn nhất cũng là điều dễ hiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỷ nguyên tiền rẻ chỉ mới bắt đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO