Hậu quả kinh tế từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và ví tiền của nhiều người dân trên thế giới, và hậu quả này thậm chí sẽ còn được cảm nhận rõ hơn nếu Nga tấn công Ukraine.
Người dân xếp hàng bên ngoài Đại sứ quán Tajik ở Moscow (Nga). Kinh tế Nga cũng bị tổn thương vì phụ thuộc vào lao động nước ngoài vốn khan hiếm vì đại dịch. Ảnh: Bloomberg |
Sau đại dịch, tình hình kinh tế thế giới hiện đang hết sức bất ổn. Covid-19 đã làm chuỗi cung ứng toàn cầu lung lay, vận tải hàng hóa gặp nhiều trở ngại, chi phí vận tải tăng vọt. Nỗi lo sợ lạm phát đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu, Mỹ đang nâng dần lãi suất cơ bản. Trong khi đó, giá dầu thô quốc tế vẫn tiếp tục tăng vọt.
Và nền kinh tế toàn cầu giờ đang sắp sửa đối mặt với một thử thách mới – cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Kể cả trước khi Tổng thống Nga Putin công nhận 2 vùng ly khai của Ukraine hôm 21/2/2022, việc Mỹ đe dọa trừng phạt và khả năng Nga trả đũa cũng đã khiến chứng khoán toàn cầu chao đảo, đẩy giá khí đốt lên cao.
Vai trò của Ukraine và Nga
Ukraine là nguồn cung ngũ cốc chính, chiếm 15% sản lượng ngũ cốc toàn thế giới, thậm chí còn được xem là nhà máy sản xuất bánh mì của châu Âu, trong khi Nga là nước cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới.
Cùng với Ukraine, Nga đóng góp gần 25% tổng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Một số nước phụ thuộc khá lớn vào 2 quốc gia này như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ (nhập khẩu tới 70% lúa mì từ Nga và Ukraine) và Lebanon.
Do đó, bất ổn Ukraine, cộng thêm thời tiết bất thường, đã dấy lên lo ngại thiếu thốn lương thực và khiến giá ngũ cốc như bột mì, ngô tăng vọt. Ngoài ra, giá nhôm cũng chạm đỉnh cao nhất trong 14 năm. Chỉ số giá nguyên vật liệu Bloomberg ghi nhận cao kỷ lục. Trước tình hình trên, thị trường vốn và ngoại hối cũng không tránh khỏi bị tác động.
Thị trường chứng khoán các nước lớn như Mỹ và châu Âu, đang phản ứng hết sức nhạy cảm trước bất cứ sự thay đổi nào dù là nhỏ nhất từ Ukraine.
Đồng thời, Nga là nguồn cung năng lượng chính của châu Âu và các thuộc nước lục địa già phụ thuộc gần như tuyệt đối vào nguồn cung từ nước này, khi khoảng 40% khí thiên nhiên và 25% dầu mỏ của châu Âu là lấy từ Nga. "Nga không đóng vai trò quá quan trọng với kinh tế toàn cầu, trừ dầu mỏ và khí đốt. Về cơ bản, họ là một trạm xăng khổng lồ", Jason Furma – nhà kinh tế học từng là cố vấn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama nói.
Nga là nguồn cung năng lượng chính của châu Âu và các nước thuộc lục địa già phụ thuộc gần như tuyệt đối vào nguồn cung từ nước này. |
Những cú sốc kinh tế
Là siêu cường về năng lượng, Nga sản xuất 9,7 triệu thùng dầu/ngày vào năm ngoái. Ngân hàng JPMorgan cảnh báo, nếu bất kỳ dòng chảy dầu nào của Nga bị gián đoạn do khủng hoảng, giá dầu có thể "dễ dàng" vọt lên 120 USD/thùng. Trường hợp xuất khẩu dầu của Nga bị giảm một nửa, giá dầu thô sẽ lên 150 USD/thùng.
Dĩ nhiên, trạm xăng đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến những người phụ thuộc vào nó. Tổn thất kinh tế vì vậy sẽ không đồng đều. Nước này chịu tác động nặng nề, trong khi nước kia hầu như không bị ảnh hưởng. Với các nước châu Âu phụ thuộc nhiều, tác động từ việc giá khí đốt và xăng dầu, vốn đang ở mức cao, sẽ tiếp tục tăng vọt.
Nếu Nga thực sự tấn công Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm sẽ rơi vào vòng xoáy tăng giá không hồi kết, châm ngòi cho nỗi lo lạm phát và khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Sự kết hợp này sẽ đe dọa tăng trưởng và đầu tư tại nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Mùa đông khắc nghiệt tại châu Âu đang đến gần. Và dĩ nhiên, "những người nghèo dành phần lớn thu nhập cho thức ăn và sưởi ấm" sẽ gánh hậu quả nặng nhất, Ian Goldin - Giáo sư Toàn cầu hóa và Phát triển tại Đại học Oxford cho biết.
Bên cạnh đó, theo nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas của Tập đoàn kiểm toán RSM, cuộc khủng hoảng sẽ khiến lạm phát tăng cao lịch sử. Lạm phát đã ở mức báo động vì đại dịch và khủng hoảng Nga - Ukraine có thể làm cho nó thậm chí còn tồi tệ hơn. Theo Brusuelas, giá dầu tăng thì lạm phát sẽ tăng theo, vì kéo theo đó là hàng loạt chi phí sẽ đội lên theo (năng lượng, điện, di chuyển, sản xuất, hàng hóa…).
Áp lực lạm phát có thể sẽ lớn hơn đối với người dân châu Âu, do họ ở gần địa điểm xảy ra khủng hoảng và phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Một điều khác cũng rất dễ nhận thấy là "bất ổn chính trị và biến động sẽ gây sức ép lên hoạt động kinh tế". Hơn nữa, trong kịch bản Nga tấn công Ukraine, thị trường sẽ nhiễu loạn với làn sóng bán tháo cổ phiếu, khi các nhà đầu tư đối mặt với khả năng xảy ra cú sốc dầu mỏ, lạm phát cao hơn và một chế độ trừng phạt khó hiểu. Do đó, một cuộc tấn công vào Ukraine sẽ có tác động kép – làm chậm lại hoạt động kinh tế và khiến giá cả tăng vọt.