Nga công nhận 2 vùng ly khai Ukraine: Hệ quả và phản ứng từ Mỹ - Trung

Bảo Quân| 22/02/2022 06:30

Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/2/2022 đã công nhận độc lập với 2 vùng ly khai ở miền Đông Ukraine, đẩy căng thẳng những ngày qua ở khu vực Donbas lên mức cao nhất. Ngay lập tức, cả Mỹ và Trung Quốc đều có phản ứng.

Khu vực Donbass từ lâu đã là điểm nóng trong căng thẳng biên giới giữa Nga và Ukraine. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã công nhận độc lập của vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại miền đông Ukraine.

"Tôi cho rằng việc ngay lập tức công nhận độc lập và chủ quyền của 'Cộng hòa Nhân dân Donetsk' và 'Cộng hòa Nhân dân Luhansk' là cần thiết, và đáng lẽ đã phải làm từ lâu", Tổng thống Nga nói.

Tổng thống Vladimir Putin tại Sochi, Nga hồi tháng 12/2021. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Vladimir Putin tại Sochi, Nga hồi tháng 12/2021. Ảnh: Reuters.

Kết quả của việc công nhận 2 nhà nước ly khai

Sau khi công nhận độc lập của hai nhà nước ly khai, ông Putin cho biết sẽ tiến tới ký các thỏa thuận hợp tác với những lãnh đạo khu vực này. Tổng thống Nga cũng tự tin người dân sẽ ủng hộ quyết định này của ông, bất chấp cảnh báo của phương Tây rằng bước đi này là trái với luật pháp quốc tế, phá vỡ thỏa thuận Minsk cũng như dập tắt nỗ lực đàm phán hòa bình.

Đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố không coi Donbass là một phần của Ukraine. Hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, đã tách khỏi kiểm soát của chính phủ Ukraine vào năm 2014 và tự tuyên bố là "cộng hòa nhân dân" độc lập, dù không được công nhận. Kể từ đó, những cuộc giao tranh bùng phát trong khu vực này đã khiến hơn 14.000 người thiệt mạng. Nga phủ nhận tham gia vào xung đột, nhưng ủng hộ phe ly khai theo nhiều cách như hỗ trợ quân sự bí mật, hỗ trợ tài chính, cung cấp vaccine Covid-19 và cấp ít nhất 800.000 hộ chiếu.

Thế nên, phát biểu của ông Putin có thể mở đường hơn nữa cho Moskva trong việc công khai gửi lực lượng quân sự vào các khu vực ly khai, với lập luận rằng đang can thiệp như một đồng minh để bảo vệ khu vực. Alexander Borodai - một thành viên của quốc hội Nga và cựu lãnh đạo chính trị Donetsk, tháng trước nói phe ly khai sau đó sẽ tìm đến Nga để giúp họ giành quyền kiểm soát các khu vực của Donetsk và Luhansk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Nếu kịch bản này xảy ra, nó có thể dẫn đến xung đột quân đội giữa Nga và Ukraine.

Tuyên bố công nhận của Nga được cho là "giết chết" thỏa thuận Minsk, vốn được Nga, Ukraine, Pháp và Đức thúc đẩy vào năm 2015, để kết thúc cuộc xung đột khi đó đã kéo dài 10 tháng ở miền đông Ukraine. Thỏa thuận kêu gọi mức độ tự trị lớn cho 2 khu vực ly khai ở Ukraine. Dù chưa được các bên thực hiện đầy đủ, đến nay thỏa thuận này vẫn được xem là con đường tốt nhất giúp thoát khủng hoảng Ukraine.

Vị trí hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine mà Nga vừa công nhận độc lập. Đồ họa: New York Times. Việt hóa: Phương Linh.

Bán đảo Crimea và vùng Donbass. Đồ họa: Washington Post.

Phản ứng của Mỹ và Trung Quốc

Sau tuyên bố của ông Putin, ngay trong đêm 21/2, Mỹ đã sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao từ Ukraine sang Ba Lan. "Vì lý do an ninh, toàn bộ nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc ở Lviv, đã được đưa sang Ba Lan ngủ qua đêm", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

"Ngày hôm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ có động thái nhằm đảm bảo an toàn và an ninh cho công dân, gồm cả nhân viên ngoại giao", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.

Hiện, các nhân viên ngoại giao Mỹ vẫn ở khách sạn sát biên giới Ba Lan - Ukraine và có thể trở lại làm việc ở Lviv sớm nhất vào ngày 22/2, nếu tình hình ổn định hơn, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết. Trong trường hợp chưa thể quay lại Lviv, nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ làm việc từ xa ở Ba Lan. Mỹ khẳng định động thái này không làm thay đổi sự hỗ trợ của Mỹ với chính phủ Ukraine.

Bên cạnh đó, Mỹ thông báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Nga. "Chúng tôi có kế hoạch công bố các lệnh trừng phạt mới với Nga vào ngày mai để đáp lại các quyết định và hành động của Moskva hôm nay. Chúng tôi đang phối hợp với các đồng minh và đối tác về thông báo đó", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đêm 21/2 (sáng 22/2 giờ Hà Nội) cho hay.

Trong khi đó, nhiều nước như Anh, Đức và Úc đã đóng cửa đại sứ quán ở Kiev, đưa các nhà ngoại giao sang làm việc tại văn phòng ở Lviv. Nhật Bản – đồng minh thân cận của Mỹ, cũng lên tiếng, cho rằng quyết định của Nga là "vi phạm luật pháp quốc tế" và "không thể chấp nhận được" cũng như bày tỏ quan điểm đặc biệt lo ngại việc Nga giành được quyền xây dựng căn cứ quân sự ở Donetsk và Luhansk.

Về phía Trung Quốc, ngay sau khi Nga công nhận Donetsk và Luhansk độc lập khỏi Ukraine, đại sứ Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tất cả bên có liên quan kiềm chế căng thẳng, tránh bất kỳ hành động nào có thể gây xung đột. "Tất cả các bên liên quan cần kiềm chế và tránh gây thêm căng thẳng. Chúng tôi hoan nghênh và khuyến khích mọi nỗ lực cho một giải pháp ngoại giao", Zhang Jun – Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, nêu quan điểm của Bắc Kinh.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Kiev ngày 22/2 cũng cảnh báo công dân và doanh nghiệp nước này ở Ukraine "không nên mạo hiểm đi tới các khu vực đang xảy ra bất ổn". Trung Quốc hiện vẫn chưa ra quyết định kêu gọi công dân rời Ukraine, dù Tổng thống Nga đã ra lệnh đưa quân đội tới Donetsk và Luhansk để gìn giữ hòa bình – động thái khiến phương Tây lo ngại có thể khơi mào chiến tranh.

Đại sứ Trung Quốc (bên phải) và Đại sứ Nga (bên trái) ở Liên Hợp Quốc chào hỏi nhau (ảnh: Reuters)

Đại sứ Trung Quốc (phải) và Đại sứ Nga (trái) ở Liên Hợp Quốc chào hỏi nhau. Ảnh: Reuters

Lập trường của Nga

"Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu quá trình biến đổi trơ trẽn nhằm đưa lãnh thổ Ukraine trở thành nơi diễn ra các hoạt động quân sự", Tổng thống Nga phát biểu trên truyền hình hôm 21/2, kèm thông báo công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk.

Từ lâu, Moskva đã xem Ukraine là vùng đệm của NATO, liên minh được thành lập năm 1949 để chống lại Liên Xô. Theo TASS, ông Putin cho biết việc Ukraine gia nhập NATO sẽ biến nước này thành bệ phóng để NATO tấn công Nga. Điện Kremlin cho biết, hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân đội của Ukraine đã liên kết với NATO, và khối quân sự này bắt đầu gây ảnh hưởng lên Kiev. Điều này có nghĩa lực lượng vũ trang và đơn vị riêng biệt của Ukraine có thể được chỉ huy trực tiếp từ trụ sở NATO.

Cho rằng, xu hướng mở rộng về phía Đông châu Âu có thể phạm vào các lằn ranh đỏ của mình, ông Putin nói NATO đã phớt lờ những lo ngại an ninh của Nga và sẽ tiếp tục việc này, khẳng định Moscow sẽ không bao giờ đầu hàng. 

"NATO những năm qua đã mở rộng về phía đông, lắp đặt hạ tầng quân sự và vũ khí gần biên giới Nga, phớt lờ hoàn toàn lo ngại và cảnh báo của chúng ta. Họ sẽ tiếp tục hành xử như vậy trong tương lai. Chúng ta chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ đồng ý điều đó", ông Putin tuyên bố.

Đồng thời, Putin cũng nhiều lần khẳng định một trong những điều kiện tháo ngòi nổ căng thẳng Ukraine là phương Tây phải đảm bảo chắc chắn Kiev không bao giờ trở thành thành viên liên minh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Điện Kremlin hôm 21/2. Ảnh: AFP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Điện Kremlin hôm 21/2. Ảnh: AFP.

"Tôi vẫn nghĩ mục tiêu chính của Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine là thách thức NATO và để xem liệu liên minh có chùn bước hay không. Nhưng nếu ông ấy quyết định hành động, nhiều khả năng ông ấy sẽ đưa quân kiểm soát khu vực duyên hải phía đông Ukraine (giáp biển Azov) để tạo cầu nối đến bán đảo Crimea và cửa ngõ ra Biển Đen", tướng về hưu Martin Dempsey - cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói.

Trước khi ký sắc lệnh công nhận hai vùng ly khai, Putin từng nói toàn bộ Ukraine là "quốc gia do Nga tạo ra". Những động thái gần đây của Nga khiến không ít người lo ngại kịch bản Nga sẽ tiến hành cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine. Đây là kịch bản đáng lo ngại nhất, nhưng cũng bị đánh giá là ít có khả năng xảy ra nhất, khi Nga tính toán đến những chi phí về tài chính, kinh tế và nhân lực của cuộc chiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nga công nhận 2 vùng ly khai Ukraine: Hệ quả và phản ứng từ Mỹ - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO