Hiệp định RCEP có hiệu lực từ hôm nay

HT| 01/01/2022 00:00

Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, tiến tới loại bỏ 92% thuế hàng hóa được giao dịch giữa các bên ký kết đã phê chuẩn hiệp định, trong đó có Việt Nam.

Hiệp định RCEP có hiệu lực từ hôm nay

Có 10 quốc gia đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là Úc, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, New Zealand, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hiệp định RCEP có 15 quốc gia, trong đó Indonesia, Malaysia và Philippines, dự kiến ​​sẽ sớm được phê chuẩn. Việc phê chuẩn của Myanmar đang chờ các thành viên khác chấp nhận. Với Hàn Quốc, hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2022, 60 ngày sau khi văn kiện phê chuẩn được lưu chiểu.

RCEP là FTA lớn nhất thế giới khi đóng góp 30% GDP toàn cầu. Theo cam kết chung, RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.

Theo lộ trình cam kết, các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa từ 30-100% số dòng thuế ngay khi hiệp định này có hiệu lực. Còn tỷ lệ xóa bỏ thuế quan Việt Nam dành cho ASEAN là 90,3%; Úc và New Zealand 89,6%; Nhật Bản và Hàn Quốc 86,7% và Trung Quốc là 85,6%.

RCEP cũng được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia. Hiệp định này cũng sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Theo Bộ Công Thương, nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển và phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Mang tính gắn kết chặt chẽ với các FTA khác nên hiệp định RCEP này mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, giúp Việt Nam kết nối tốt hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, ngoài môi trường thông thoáng, RCEP cũng đặt ra các quy tắc chặt chẽ và thách thức cho doanh nghiệp khi là khu vực sản xuất, xuất nhập khẩu chiếm một nửa kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có mối quan hệ thương mại, đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên trong khối RCEP và phần lớn là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc phụ tùng phục vụ sản xuất của Việt Nam. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

RCEP được ký kết vào tháng 11/2020 sau 8 năm đàm phán. Đây là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, tạo ra thị trường chiếm gần 30% dân số thế giới (khoảng 2,2 tỷ người) và chiếm gần 30% GDP toàn cầu. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, khi RCEP có hiệu lực có thể làm tăng thu nhập toàn cầu lên 186 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 và thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiệp định RCEP có hiệu lực từ hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO