Ghana: Nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới năm 2019

Lê Duy| 17/07/2019 04:00

Với tốc độ tăng trưởng GDP gần 9%, Ghana sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2019, bỏ xa nhiều quốc gia châu Phi khác, theo nghiên cứu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

GDP của Ghana sẽ tăng 8,8% trong năm 2019 - gấp đôi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi nói chung, và vượt xa tốc độ tăng trưởng bình quân của thế giới.

GDP của Ghana sẽ tăng 8,8% trong năm 2019 - gấp đôi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi nói chung và vượt xa tốc độ tăng trưởng bình quân của thế giới

Trước đó, Ghana cũng đứng thứ 6 trong Top 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,6% vào năm 2018. Năm nay, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF, quốc gia châu Phi này sẽ bứt tốc mạnh mẽ hơn nữa để chiếm ngôi đầu. 

Đây là kết quả đáng chú ý, khi cách đây chỉ ba thập kỷ, quốc gia này vẫn chìm trong khủng hoảng và nghèo đói triền miên, thậm chí đứng trên bờ vực sụp đổ nền kinh tế. Dẫu vậy, Ghana ở thời điểm hiện tại đã có cuộc lội ngược dòng ấn tượng, nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú, nền chính trị ổn định và các chính sách hỗ trợ kinh tế hiệu quả từ chính phủ.

Dù được biết đến từ lâu như một trong những nhà sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, song tốc độ tăng trưởng hiện tại của Ghana lại được hậu thuẫn bởi một hàng hóa khác: dầu mỏ. Việc chính phủ mở rộng sản xuất dầu thô và sự tăng giá của mặt hàng này đã giúp nền kinh tế Ghana này đứng đầu bảng xếp hạng tăng trưởng GDP toàn cầu. 

Link bài viết

Ông Adu Owusu Sarkodie - một chuyên gia kinh tế, giảng viên thuộc Đại học Ghana - tin rằng, động lực tăng trưởng chính của quốc gia này nằm ở ngành dầu mỏ. “Chúng tôi đã phát hiện ra các mỏ dầu mới. Nhiều công ty đã và đang triển khai hoạt động, trong khi số khác đang tăng cường hoạt động của mình”.

Tuy nhiên, dầu mỏ không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy nền kinh tế Ghana. “Các lĩnh vực phi dầu mỏ, nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ cũng đang phát triển. Hiện tất cả đều đang tăng trưởng tích cực” - ông Sarkodie nói.

Theo đó, ngành nông nghiệp Ghana đã nhận được cú huých lớn trong hai năm qua, nhờ sự tập trung mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách vào lĩnh vực thực phẩm và mục tiêu tạo công ăn việc làm; đơn cử như việc 200.000 nông dân được cấp hạt giống và phân bón cải tiến. 

Được biết, nông nghiệp vẫn là xương sống của quốc gia châu Phi này. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Owusu Afriyie Akoto, chương trình cấp hạt giống cải tiến đã giúp mang đến một vụ mùa thắng lợi trên cả nước. “Chúng tôi đang mong đợi một vụ mùa bội thu, nhờ vào những tác động mà chương trình tuyệt vời này đã mang đến cho ngành nông nghiệp, ngay cả khi nó còn trong giai đoạn sơ khai”, ông Akoto nói. Bên cạnh đó, Ghana đồng thời là một trong những nhà xuất khẩu vàng lớn nhất thế giới, và dĩ nhiên, ca cao vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò sản phẩm quan trọng.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy tăng trưởng. Tình hình chính trị ổn định, đi cùng các sáng kiến ​​hiệu quả của chính phủ trong định hình nền kinh tế và việc giới thiệu một hệ thống thuế ưu đãi hơn đang bắt đầu mang lại nhiều quả ngọt cho nền kinh tế Ghana, IMF cho biết.

Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất từng trải qua thời gian lúng túng cũng nhận được hỗ trợ đắc lực từ các chính sách nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và ngăn chặn sự phụ thuộc quá mức vào thị trường hàng hóa.

Dầu vậy, GDP bình quân đầu người của Ghana vẫn chỉ xấp xỉ một nửa so với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, bất chấp sự bứt tốc của nền kinh tế, theo IMF. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp cũng nhỉnh hơn một chút so với khu vực cận Sahara của châu Phi.

Và với việc các quốc gia Tây Phi khác như Mauritania hay Senegal đang tìm cách tận dụng triệt để các mỏ dầu và khí tự nhiên vừa được phát hiện, mọi cặp mắt sẽ đổ dồn về Ghana để xem quốc gia này làm thế nào chuyển cú huých từ dầu mỏ sang tăng trưởng bền vững.

Trong danh sách các quốc gia châu Phi phát triển kinh tế nhanh nhất, Ghana được theo sát bởi người láng giềng Bờ Biển Ngà, và Ethiopia, với tăng trưởng GDP lần lượt ở mức 7,5% và 7,7%. Đáng chú ý, trong khi tốc độ tăng trưởng từ 2018 đến 2020 của hai quốc gia này được dự báo sẽ duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng của Ghana được cho là sẽ giảm trở lại vào năm 2020.

“Tôi nghĩ điều này (tăng trưởng GDP năm 2019) sẽ chỉ diễn ra một lần duy nhất. Chúng tôi không kỳ vọng tốc độ tăng trưởng như thế sẽ được duy trì trong trung hạn. Và khi bạn nhìn vào GDP bình quân đầu người, con số đó vẫn nhỏ hơn những gì mà các quốc gia như Trung Quốc đã đạt được trong quá khứ”, ông Papa N'Diaye - Giám đốc Phòng Nghiên cứu Khu vực tại Ban châu Phi thuộc IMF cho biết. Ông N'Diaye nhận định, tăng trưởng kinh tế của Ghana dự kiến ​​sẽ chậm dần lại trước khi rơi xuống còn 4,5% đến 5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ghana: Nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới năm 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO