Dữ liệu người dùng: Cuộc chiến mới giữa các cường quốc

Khả Hân| 01/11/2020 02:40

Những biện pháp trả đũa, hạn chế lẫn nhau diễn ra trên mặt trận công nghệ giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, không nằm ngoài nỗi lo ngại về an ninh dữ liệu người dùng. Đây có lẽ sẽ là cuộc chiến trong giai đoạn kế tiếp, khi ai nắm được dữ liệu lớn có thể trở thành người thống trị trong trật tự thế giới mới.

Cuộc chiến mới của các cường quốc

Khi công ty công nghệ tài chính Ant Group của tỷ phú Jack Ma đang chuẩn bị cho đợt niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) lớn nhất trong lịch sử, thì chính quyền Mỹ mới đây bất ngờ tuyên bố sẽ xem xét khả năng áp lệnh hạn chế lên Ant Group cũng như Tencent Holdings, do lo ngại các nền tảng thanh toán điện tử này đe dọa an ninh quốc gia.

Lý do là giới chức Mỹ lo ngại các Fintech của Trung Quốc sẽ thống trị thanh toán toàn cầu, từ đó nắm trong tay lượng dữ liệu người dùng lớn. Nếu Mỹ áp đặt lệnh hạn chế lên Ant Group, đây sẽ là động thái leo thang lớn tiếp theo trong căng thẳng chính trị - kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, Mỹ đã giáng đòn vào nhiều hãng công nghệ thành công của Trung Quốc, như Huawei Technologies và ByteDance - công ty mẹ TikTok.

bai-1-Du-lieu-nguoi-dung-5879-1603686003

Dù vậy, các quan chức Mỹ cũng thừa nhận họ sẽ rất khó siết các nền tảng như Ant Group, cho đến khi tìm ra một cơ chế và cách tiếp cận mang tính pháp lý. Cũng không loại trừ khả năng Mỹ đang muốn phá hỏng đợt IPO của Ant Group sắp tới, vốn chọn niêm yết trên sàn Thượng Hải và Hồng Kông và đang được kỳ vọng là IPO lớn nhất thế giới, khi có thể huy động về 35 tỷ USD và định giá Ant Group tại 250 tỷ USD, gấp đôi Citigroup.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cuộc chiến dữ liệu người dùng giữa các quốc gia đang ngày càng nóng lên. Việc Mỹ gần đây tìm cách cấm cửa Tiktok cũng không nằm ngoài lý do lo ngại an ninh dữ liệu người dùng của công dân Mỹ.

Không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, Ấn Độ từ cuối tháng 6/2020 đến nay cũng đã cấm 224 ứng dụng của Trung Quốc, giữa bối cảnh căng thẳng leo thang của hai nước. Trong khi giới phân tích cho rằng động thái này nhằm đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi Ấn Độ và sử dụng dân số 1,3 tỷ người để giúp các thương hiệu điện thoại di động địa phương của Ấn Độ phát triển thành một Huawei khác, nhưng không thể phủ nhận nỗi lo ngại của chính phủ Ấn Độ về nguy cơ dữ liệu người dùng tại nước này bị thu thập trái phép.

Tôn giáo dữ liệu

Trong tác phẩm nổi tiếng Lược sử tương lai của giáo sư sử học Yuval Harari, ông dự đoán dữ liệu sẽ trở thành chủ nghĩa mới và cũng là tôn giáo mới trong tương lai, khi sự tôn sùng dữ liệu và các thuật toán sẽ trở nên phổ biến và định hướng quyết định của mỗi cá nhân. Theo đó, ai nắm được lượng dữ liệu lớn và các thuật toán xử lý sẽ là người thống trị trong trật tự thế giới mới, khi với lượng dữ liệu thu thập được và các thuật toán phân tích sẽ giúp các hệ thống bên ngoài “hiểu bạn - những tình cảm, cảm xúc, lựa chọn, ham muốn của bạn - tốt hơn cả chính bạn hiểu mình”.

Đơn cử như gã khổng lồ thương mại trực tuyến Amazon từ lâu đã tin vào các thuật toán và dữ liệu lớn hơn các nhà biên tập sành sỏi trong việc gợi ý sách cho độc giả. Và ngày nay chúng ta lướt Facebook, xem YouTube, dùng iPhone nhiều hơn nói chuyện, đọc sách hay thảo luận chính trị. Và thông qua những thông tin chúng ta đưa lên mạng xã hội, thói quen tìm kiếm, dữ liệu cho phép các ứng dụng truy cập, chúng ta đã cho các hệ thống khả năng quyết định và lựa chọn thay cho bản thân mỗi người. 

21321321-4567-1603686003.jpg

Một ví dụ cụ thể là công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica của Anh đã dùng thời trang để phân tích tâm lý và tính cách người dùng Internet, xây dựng lộ trình điều khiển một nhóm đối tượng mục tiêu trong các cuộc truyền thông chính trị mà kết quả nổi bật là góp phần quan trọng đến thành công cho ứng viên Donald Trump trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Với việc thu thập dữ liệu người dùng, từ đó nắm bắt tâm lý, đánh giá nhân cách; lập các thuật toán và chương trình nhằm từ từ tác động làm thay đổi nhận thức và điều chỉnh hành vi của một nhóm người... là một vũ khí mới mà nhiều tổ chức đang nhắm đến, từ góc độ chính phủ lẫn các tổ chức tư nhân. Thông tin cá nhân của chúng ta đang được vũ khí hóa để chống lại chúng ta, khi dữ liệu con người đang bị đánh cắp và khai thác vô tội vạ như một món hàng béo bở trên thị trường

Trong khi giới doanh nghiệp sử dụng dữ liệu thu thập từ mạng xã hội và nhiều dịch vụ miễn phí để tiếp cận thị trường mới, cải thiện dịch vụ khách hàng và trong một số trường hợp, tạo ra nguồn doanh thu mới bằng cách bán thông tin đó, thì các chính phủ sử dụng dữ liệu cho các mục tiêu quản lý, giám sát và có thể là các chương trình gián điệp xuyên quốc gia. 

Chính vì lẽ đó, dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng, là trung tâm của thế giới kỹ thuật số và chúng ta đang ngày càng trở thành nền kinh tế thông tin. Nó được xem là loại tiền tệ mà nền kinh tế thế giới dựa vào. Dữ liệu càng thiết yếu hơn khi nhiều công nghệ thế hệ kế tiếp, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy và IOT rất cần nó. 

Theo hãng dữ liệu International Data Corporation (IDC) và hãng lưu trữ Seagate, Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều dữ liệu hơn Mỹ đến năm 2025 khi nước này đẩy mạnh nhiều công nghệ mới, chẳng hạn như Internet vạn vật (IoT). Có lẽ cuộc chiến dữ liệu sẽ là cuộc chiến tiếp theo của các cường quốc mới. 

Trong khi giới doanh nghiệp sử dụng dữ liệu thu thập từ mạng xã hội và nhiều dịch vụ miễn phí để tiếp cận thị trường mới, cải thiện dịch vụ khách hàng và trong một số trường hợp, tạo ra nguồn doanh thu mới bằng cách bán thông tin đó, thì các chính phủ sử dụng dữ liệu cho các mục tiêu quản lý, giám sát và có thể là các chương trình gián điệp xuyên quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dữ liệu người dùng: Cuộc chiến mới giữa các cường quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO