Chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi thế nào sau đại dịch?

Bảo Quân| 11/05/2020 07:25

Không chỉ phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu, Covid-19 còn khiến thương mại hằng tuần ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu liên tiếp suy giảm.

Chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi thế nào sau đại dịch?

Xây dựng các chuỗi cung ứng thông minh và nhanh nhẹn chính là chìa khóa để phát triển mạng lưới thương mại và đầu tư toàn cầu đủ sức vượt qua những 'cơn bão' khác giống như Coivd-19 có thể xuất hiện trong tương lai.

Trong những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu với tốc độ cùng quy mô chưa từng có. Nhiều công ty đa quốc gia trước tiên đã phải đối mặt với cú sốc cung, rồi liền sau đó là cú sốc cầu, trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia yêu cầu người dân phải ở nhà. 

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, kéo theo lệnh phong toả, hạn chế đi lại tại khắp các quốc gia, từ Chính phủ, doanh nghiệp cho đến người tiêu dùng đều gặp khó khăn trong việc sở hữu các sản phẩm và vật liệu cơ bản. Covid-19 không chỉ phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng hiện đại, mà còn đặt ra một nhu cầu cấp thiết hơn cả trong việc thiết kế, xây dựng một chuỗi cung ứng thông minh hơn, mạnh mẽ hơn và đa dạng hơn sau khủng hoảng.

Những con số biết nói

Dữ liệu gần đây từ Tradeshift - một nền tảng toàn cầu giúp hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng, đã cho thấy mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với hoạt động thương mại và sức mua. Theo đó, dữ liệu cho thấy những tác động từ cú sốc cung ban đầu có thể tiếp tục kéo dài trong vài tháng tới.

Tại Trung Quốc, từ giữa tháng 2/2020, số lượng giao dịch thương mại trong nước và quốc tế đã giảm 56% mỗi tuần. Mỹ, Vương quốc Anh và châu Âu xếp sau với mức giảm ban đầu là 26% vào đầu tháng 4, và tiếp tục giảm 17% vào cuối tháng 4. Hơn nữa, hoạt động thương mại ở tất cả khu vực áp lệnh phong tỏa đều gần như 'đóng băng'. Theo Tradeshift, tổng số lượng giao dịch hằng tuần trên nền tảng này kể từ ngày 9/3/2020 đã giảm bình quân 9,8%, so với trước khi có lệnh phong tỏa. Số lượng hóa đơn và đơn đặt hàng cũng sụt giảm đáng kể từ cuối tháng 3/2020.

Giao dịch thương mại bình quân trên toàn cầu

Giao dịch thương mại bình quân trên toàn cầu - % tăng giảm so với mức ở trước thời điểm có lệnh phong toả. Nguồn: Tradeshift

Đồng thời, hai tác dụng phụ gây ra bởi đà sụt giảm nói trên đối với thương mại toàn cầu cũng đã xuất hiện. Một là mất nhiều thời gian hơn để thanh toán hóa đơn, trái ngược với xu hướng thanh toán nhanh trước đây. Theo dữ liệu của Tradeshift, các doanh nghiệp mất trung bình 36,7 ngày để thanh toán hóa đơn vào năm 2019, hơn con số năm 2018 là 36,8 ngày. Tuy nhiên, trong quý đầu tiên của năm 2020, thời hạn thanh toán trung bình đã tăng 1,7%, lên 37,4 ngày.

Hai là, việc thiếu đơn đặt hàng trong toàn chuỗi cung ứng đang gây ra một làn sóng khác với các đơn hàng mới chậm lại và lượng hóa đơn giảm sút. Được biết, khối lượng đặt hàng trung bình hằng tuần trên nền tảng Tradeshift đã giảm 15,9% kể từ ngày 9/3; trong khi số lượng hóa đơn giảm 16,7% trong cùng thời gian.

Vẫn chưa hết khó khăn

Cho đến nay, các doanh nghiệp vẫn nhận được tiền từ các đơn đặt hàng trước thời điểm có lệnh phong tỏa, nhưng chúng cũng đang dần cạn kiệt. Những tháng tới có thể sẽ trở thành thời điểm rất khó khăn cho các nhà cung cấp trên toàn cầu. Bất chấp những nỗ lực gần đây để mở cửa lại các nhà máy và gỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục 'thấm đòn' gây ra bởi Covid-19. Dù các nhà máy có thể mở cửa trở lại, nhưng người tiêu dùng lại không thể mua sắm.

Được biết, hoạt động thương mại của Trung Quốc đã tăng nhanh trong thời gian ngắn, sau khi các nhà máy mở cửa trở lại; song hoạt động đó hiện đang bắt đầu đình trệ, thậm chí sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng tại Vũ Hán. Tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc ở Trung Quốc đã tăng lên khi nhiều công ty nối lại hoạt động sản xuất, nhưng bức tranh kinh tế trong nước nhìn chung vẫn bị thay đổi mạnh mẽ.

Để vận hành trơn tru, chuỗi cung ứng của thế giới sẽ cần nhiều mắt xích khác, chứ không thể chỉ dựa vào Trung Quốc

Để vận hành trơn tru, chuỗi cung ứng của thế giới sẽ cần nhiều mắt xích khác, chứ không thể chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ấy là chưa kể đến việc nhiều đối tác thương mại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện vẫn đang trong tình trạng 'bế quan, toả cảng'. Đơn đặt hàng từ Mỹ và các đối tác thương mại quan trọng khác trên đà suy giảm, kết hợp với việc xuất khẩu chiếm đến 1/5 GDP của Trung Quốc, sẽ là yếu tố khiến 'công xưởng của thế giới' khó lòng có thể tự mình phục hồi nền kinh tế.

Đồng thời, với việc phần lớn nền kinh tế trên thế giới vẫn đang áp lệnh phong toả, sự lạc quan về đà phục hồi theo hình chữ "V" của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu giảm sút.

Theo khảo sát Pulse CFO vào tháng 4 năm nay của PwC, dòng tiền hiện là mối quan tâm chính, với 77% chính sách của các CFO liên quan đến hạn chế chi tiêu. 56% số người được khảo sát nghĩ rằng họ có thể quay lại trạng thái 'kinh doanh như bình thường' trong 3 tháng, giảm so với mức 90% trong một cuộc khảo sát diễn ra vào giữa tháng 3.

Mặc dù chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã có những biện pháp phản ứng với tốc độ khá ấn tượng nhằm bơm thanh khoản vào hệ thống để ứng phó với đại dịch, nhưng hiệu quả của các biện pháp này đang dần mờ nhạt. Trước số lượng ngày càng tăng của các công ty đa quốc gia, diễn biến thực tế của cuộc khủng hoảng đã cho thấy sự lựa chọn ngày càng khó khăn giữa năng lực tự lưu trữ và khả năng thanh toán của các nhà cung cấp.

Các doanh nghiệp vừa sẽ có đủ lượng tiền mặt dự trữ để duy trì khả năng thanh toán trong 27 ngày. Nhưng nếu dòng tiền cạn dần, nó có thể sẽ gây thiệt hại cho các chuỗi cung ứng, kéo dài đáng kể thời gian phục hồi. Các công ty như Unilever đã đồng ý thanh toán cho các nhà cung cấp trước đó. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào cũng có thể thực hiện được biện pháp như vậy. Do đó, các thoả thuận cấp vốn sẽ cần phải thay đổi, để có thể giúp các nhà cung cấp nhỏ tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn lưu động.

Link bài viết

Định hình lại tương lai

Covid-19 đã phơi bày nhiều lỗ hổng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp, vốn được xây dựng trên nguyên tắc sản xuất tinh gọn. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực y tế, khi sự tranh giành dụng cụ bảo hộ là minh chứng cho những rủi ro trong việc lưu trữ hàng hoá và sự phụ thuộc vào duy chỉ một nguồn cung, vốn xuất phát từ mong muốn cắt giảm chi phí bằng mọi giá. 

Thêm vào đó, tác động từ việc đóng cửa của Trung Quốc và sự thống trị của quốc gia này trong nhiều lĩnh vực sản xuất chủ chốt càng làm nổi bật hơn vấn đề với chuỗi cung ứng hiện đại. Khi các nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa, các nhà sản xuất đã phải hết sức chật vật mới có thể xoay xở nguồn cung, do sự thiếu linh hoạt trong lực lượng cung ứng. 

Thế nên, các công ty đa quốc gia trong tương lai nhiều khả năng sẽ cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc. Các trung tâm sản xuất như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ theo đó có thể sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi này.

Song song với đó sẽ là tiến trình phi tập trung hoá năng lực sản xuất, với việc các công ty tìm cách đưa dây chuyền sản xuất 'về nhà'. Xu hướng này sẽ phát triển cùng với tự động hóa và các dây chuyền sản xuất hàng loạt nhỏ lẻ nhưng linh hoạt, giúp cắt giảm chi phí đến mức một số quốc gia hiện đã bắt đầu chuyển các phần trong chuỗi cung ứng về nước.

Công nghệ được kỳ vọng sẽ trở thành trợ thủ đắc lực trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng thông minh, linh hoạt

Công nghệ được kỳ vọng sẽ trở thành trợ thủ đắc lực trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng thông minh, linh hoạt, giúp ứng phó với những sự cố giống Covid-19 có thể xuất hiện trong tương lai.

Đồng thời, tiến trình thay đổi sang một mô hình mới cho chuỗi cung ứng sẽ được củng cố bởi việc nhanh chóng số hóa giấy tờ buôn bán - yếu tố đi kèm không thể thiếu của hoạt động thương mại toàn cầu. Mặc dù đã có những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ, mối quan hệ giữa người mua và nhà cung cấp vẫn chủ yếu dựa trên giấy tờ.

Do đó, số hóa mối quan hệ giữa người mua và nhà cung cấp là yếu tố cơ bản để có thể xây dựng một chuỗi cung ứng vững chắc, cũng như giúp việc xác định và hợp tác với các nhà cung cấp mới tốn ít thời gian hơn. Với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và Internet Vạn Vật, chuỗi cung ứng có thể nhanh chóng được chuyển sang các nhà cung cấp thay thế khi các nhà cung cấp thường xuyên phải đối mặt với sự gián đoạn.

Có thể nói, cuộc khủng hoảng hiện tại là cơ hội để thiết lập lại một hệ thống vốn vẫn đang dựa vào các quy trình đã lỗi thời. Theo đó, việc xây dựng các chuỗi cung ứng thông minh và nhanh nhẹn chính là chìa khóa để phát triển mạng lưới thương mại và đầu tư toàn cầu đủ sức vượt qua những 'cơn bão' có thể xuất hiện trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi thế nào sau đại dịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO