Căng thẳng Nga - phương Tây và “cuộc chiến” kinh tế

Khả Hân| 02/03/2022 05:15

Nguy cơ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, cũng như căng thẳng giữa các nước phương Tây với Nga đang ngày càng leo thang đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Tuy nhiên, "cuộc chiến kinh tế” giữa những nước này cũng quyết liệt không kém.

Căng thẳng Nga - phương Tây và “cuộc chiến” kinh tế

Chiêu bài của Nga

Chưa cần động binh, chỉ mới là "lời qua tiếng lại" giữa hai bên nhưng đã đẩy giá dầu tăng vọt và ngày càng tiến gần mốc 100 USD/thùng dầu thô. Dự báo của giới quan sát cho thấy trong trường hợp Nga tiến quân vào Ukraine, thị trường "vàng đen" chắc chắn sẽ đạt mức 120 USD/thùng. Nhiều người tin rằng những chiêu bài, chiến thuật hay chính sách leo thang căng thẳng gần đây của Nga nhằm mục đích đẩy giá dầu, vừa tăng thêm ngân sách vừa gây thêm khó khăn cho nền kinh tế các nước phương Tây và Mỹ. 

Trong vòng một năm trở lại đây, giá dầu Brent đã tăng 48% và giá dầu WTI tăng 53%, khiến áp lực lạm phát gia tăng khắp nơi. Tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 7,5%, mức tăng mạnh nhất trong 40 năm qua. Nếu giá dầu tăng thêm khoảng 20% từ mức hiện nay, lên khoảng 110 USD/thùng, CPI của Mỹ sẽ tăng thêm 2,8 điểm phần trăm trong 12 tháng tới, đưa lạm phát vượt ngưỡng 10%.

Khi đó, không chỉ các chính sách kích thích kinh tế có thể bị kìm lại, mà chính sách tiền tệ thắt chặt với lãi suất buộc phải tăng nhanh hơn cũng sẽ gây sức ép lên thị trường trái phiếu, khiến áp lực nợ quốc gia của Mỹ gia tăng. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải tăng lãi suất vào tháng 3 này gần như là chắc chắn, trong khi các tổ chức dự báo cơ quan này sẽ có đến 7 lần tăng lãi suất trong năm nay.

Cần biết rằng, Nga đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, nên xung đột giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine đặt ra mối lo lớn về nguy cơ gián đoạn dòng chảy năng lượng. Nga sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 10% nhu cầu toàn cầu. Nga còn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của các nước trong khối này. Do đó, Nga có thể sử dụng năng lượng làm "vũ khí” trả đũa phương Tây, dù Moscow đến nay vẫn phủ nhận một toan tính như vậy. 

Nga còn là nhà xuất khẩu hàng đầu các loại hàng hóa khác như nhôm, cobalt, đồng, nickel, thép, palladium, bạch kim, phân bón, lúa mì... Ba nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu khác là Ukraine, Kazakhstan và Romania vốn gửi các loại hàng hóa này ra nước ngoài từ các cảng trên biển Bắc sẽ bị gián đoạn nếu có chiến tranh hay cấm vận.

Đòn trừng phạt của Mỹ và EU

Ngay sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận hai vùng ly khai Donetsk (DPR) và Lugansk (LNR) ở miền Đông Ukraine là nhà nước độc lập, ngày 22/2/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Nga đã bắt đầu "cuộc xâm lấn" Ukraine, đồng thời đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với hai ngân hàng và nợ công của nước này.

Cụ thể, các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào ngân hàng Nga VEB, ngân hàng quân đội PSD, chặn đứng các giao dịch bằng đồng USD của các ngân hàng này. Ông Biden cũng thông báo Mỹ sẽ triển khai trừng phạt toàn diện với nợ công của Nga bằng cách cắt đứt nguồn tài trợ của phương Tây dành cho Chính phủ Nga, khiến nước này không thể giao dịch trái phiếu trên thị trường Mỹ hoặc thị trường châu Âu.

Từ nhiều tháng nay, trái phiếu của Nga và Ukraine đã sụt giảm so với trái phiếu của các quốc gia khác, bởi nhà đầu tư tránh rủi ro khi căng thẳng giữa Washington cùng các đồng minh với Nga gia tăng. Do đó, trái phiếu của cả hai sẽ phải hứng chịu thêm thiệt hại nếu chiến sự nổ ra. Tiền tệ của cả Nga và Ukraine cũng đã chịu tổn thất từ trước khi đồng hryvnia của Ukraine rớt xuống đáy trong bảng xếp hạng tiền tệ cho các thị trường mới nổi, còn đồng rup của Nga đứng ở vị trí thứ năm từ dưới lên.

Mới đây nhất, đồng rup của Nga tiếp tục trượt giá nghiêm trọng và chứng khoán rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua sau quyết định của Tổng thống Putin công nhận quyền độc lập của Donetsk và Lugansk.

Mỹ cũng có thể loại bỏ Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) như đe dọa từ nhiều năm qua, tuy nhiên kế hoạch này có thể vấp phải sự phản đối của một số thành viên EU, khi mà  Nga là một trong ba quốc gia dẫn đầu thế giới về vận hành SWIFT. Từ nhiều năm nay, Nga đã có giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán trên, có tên là hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) như một biện pháp dự phòng.

Gần đây, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã kết nối các hệ thống nhắn tin tài chính để thay thế mạng lưới chuyển tiền quốc tế SWIFT do Mỹ kiểm soát. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Căng thẳng Nga - phương Tây và “cuộc chiến” kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO