Bài 1: Evergrande trượt tới bờ vực, vì sao Trung Quốc chỉ âm thầm giải cứu?

Bảo Quân| 30/09/2021 04:41

Là biểu tượng của phép lạ kinh tế Trung Quốc, song Evergrande cùng hố nợ khổng lồ đang trở thành thách thức lớn trên mặt trận tài chính, xã hội và chính trị đối với Bắc Kinh.

Bài 1: Evergrande trượt tới bờ vực, vì sao Trung Quốc chỉ âm thầm giải cứu?

Những người mua nhà đau khổ của Evergrande le lói hi vọng được cứu. Ảnh: AFP

Theo BBC, Evergrande - tập đoàn địa ốc lớn thứ hai Trung Quốc và đang là tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới, hiện ôm "bom nợ" 305 tỷ USD. Đáng chú ý, đằng sau khoản nợ của tập đoàn là các khoản vay đóng gói thành sản phẩm quản lý tài sản (WMP). Người cho vay được Evergrande hứa hẹn lợi suất đến 12%, và cả những món quà đắt tiền như túi Gucci. Tuy nhiên, vô số người giờ đang "ngồi trên đống lửa", sợ rằng sẽ không bao giờ có thể thể nhận lại số tiền đã đầu tư.

Một số nhà đầu tư cho rằng, việc Evergrande sụp đổ có thể mang đến rủi ro đối với hệ thống tài chính Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng thậm chí lan sang toàn bộ lĩnh vực bất động sản nước này, đồng thời gây ảnh hưởng đến các thị trường khác trên thế giới. 

Jean-François Dufour - Giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, cho rằng con số 305 tỷ USD chỉ là mức thẩm định, và "chúng ta không có con số chính xác về mức nợ của tập đoàn này". "Tuy nhiên con số đó đủ cho thấy sự việc đang nghiêm trọng đến mức nào đối với tập đoàn địa ốc này", Dufour nói. Theo vị giám đốc, thực tế Evergrande đã không thể tiếp tục tồn tại và hoạt động theo lối mòn từ 25 năm nay.

Link bài viết

Bắc Kinh vẫn "bình tĩnh"

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào bảo đảm rằng sẽ có kế hoạch giải cứu tập đoàn khỏi quả bom nợ đang treo trên đầu. Mặt khác, giới chức Trung Quốc yêu cầu Evergrande tránh vỡ nợ, đồng thời cảnh báo chính quyền địa phương sẵn sàng đón "bão" trong trường hợp tập đoàn sụp đổ.

WSJ dẫn lời các quan chức thân quen cho biết, Bắc Kinh đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị cho khả năng sụp đổ của Evergrande. Đây là tín hiệu cho sự miễn cưỡng trong việc cứu trợ doanh nghiệp này. WSJ cho biết, Bắc Kinh đã ra lệnh "sẵn sàng cho cơn bão có thể xảy ra" và chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước chỉ vào cuộc xử lý hậu quả vào phút chót nếu Evergrande không xử lý được vấn đề một cách trật tự.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm ngăn chặn tình trạng bất ổn và giảm thiểu hiệu ứng xấu lan rộng với người mua nhà và nền kinh tế. Nhà chức trách cũng đã phát tín hiệu không bảo lãnh DN bất động sản này.

Một dự án đang xây dựng của Evergrande tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Một dự án đang xây dựng của Evergrande tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hơn nữa, vì Trung Quốc từng kiểm soát rất tốt các cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ, nên nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng đặt cược cho các công ty lớn dù có triển vọng trả nợ kém. Thế nên, bằng cách không đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ nào về việc sẽ giải cứu Evergrande, Bắc Kinh đang muốn buộc cả nhà đầu tư lẫn các DN ngừng chuyển tiền cho những công ty rủi ro, mắc nợ nhiều. 

Các chuyên gia dự đoán, Bắc Kinh sẽ can thiệp khi nào nhận thấy nguy cơ đổ vỡ hệ thống, và chỉ can thiệp có chừng mực để cứu hệ thống chứ không phải là cứu công ty. Nếu can thiệp, các biện pháp có thể là: Chính phủ bơm tiền dưới dạng mua cổ phần của Evergrande; lệnh cho công ty nhà nước và/hay tư nhân khác mua cổ phần; buộc các trái chủ và cổ đông phải chấp nhận mất một phần; bơm tiền vào thị trường để ổn định; buộc công ty bán tài sản giá rẻ để trả nợ.

Link bài viết

Những biện pháp âm thầm

Trên thực tế, Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) đã liên tiếp bơm tiền vào thị trường để xoa dịu những lo ngại về khủng hoảng cũng như đảm bảo khủng hoảng không vượt khỏi tầm kiểm soát hoặc khiến nền kinh tế trật bánh.

Theo thống kê từ BloombergPBoC đã bơm tổng cộng 750 tỷ CNY vào hệ thống ngân hàng; với đợt mới nhất là 100 tỷ CNY (15,5 tỷ USD) hôm 28/9/2021.Cùng ngày, PBoC cũng đưa ra cam kết sẽ "bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trên thị trường bất động sản".

Đây cũng được xem là tín hiệu nhằm trấn an tâm lý lo lắng của thị trường trong bối cảnh nền kinh tế đất nước tỷ dân có dấu hiệu chững lại và sự lo ngại đối với Evergrande ngày một tăng, dù không đề cập trực tiếp đến vụ việc của tập đoàn bất động sản này. 

"Khủng hoảng nợ của Evergrande sẽ đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, nó không dẫn đến rủi ro toàn hệ thống. Bởi rõ ràng là chính phủ sẽ can thiệp nếu cần thiết", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở tại Mỹ) bình luận. 

Cần biết rằng, với số nợ tương đương 2% GDP Trung Quốc và bất động sản là lĩnh vực chiếm 20% GDP nước này trong vài chục năm qua, nguy cơ từ Evergrande là quá lớn để Bắc Kinh khoanh tay đứng nhìn. "Đến khi gã khổng lồ bất động sản cạn kiệt lựa chọn, Bắc Kinh có thể bắt đầu hành động", ông Moya dự đoán.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tiếp bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính kể từ ngày 17/9/2021

PBoC liên tiếp bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính kể từ ngày 17/9/2021

Thêm nữa, ông Dufour cho rằng, trong mọi tình huống, kịch bản Evergrande phá sản theo định nghĩa ở phương Tây là điều không thể xảy ra, khi chính quyền Trung Quốc vốn có tiếng là thường can thiệp vào các hoạt động kinh tế. Nếu công ty này phá sản thì thoả thuận ngầm giữa chính phủ với người dân Trung Quốc sẽ bị chao đảo.

"Thoả thuận đó dựa trên nguyên tắc cơ bản là người dân trao quyền để đối lấy ấm no, để được bảo đảm thoát khỏi cảnh đói nghèo. Evergrande khánh tận, hàng triệu người sẽ trắng tay. Thành thử, tôi cho rằng Bắc Kinh hoàn toàn không thể để cho Evergrande sụp đổ", ông Dufour nói.

Cùng với đó, 2022 là năm diễn ra đại hội đảng toàn quốc thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên chính phủ sẽ không thể để vụ vỡ nợ lớn như vậy xảy ra trong thời điểm này.

Link bài viết

Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách "tái cơ cấu nợ một cách có trật tự để tối đa hóa giá trị tài sản của mình". Quá trình tái cấu trúc vừa duy trì các hoạt động phát triển bất động sản cốt lõi vừa bán các tài sản không phải cốt lõi để giảm thiểu thiệt hại cho các chủ nợ. Chính phủ Bắc Kinh muốn tránh một gói cứu trợ thẳng thừng vì điều này có thể làm lu mờ thông điệp "thịnh vượng chung".

Trong một diễn biến khác, chính quyền Thâm Quyến đã bắt đầu điều tra công ty quản lý tài sản Evergrande Wealth của Evergrande - động thái mới nhất từ nhà chức trách trong việc ngăn chặn rủi ro leo thang từ cuộc khủng hoảng. Trong thư gửi các nhà đầu tư, Cục Quản lý Tài chính Thâm Quyến cho biết đã thu thập ý kiến của người dân về Evergrande Wealth và mở một cuộc điều tra về các vấn đề liên quan đến công ty này cũng như giục Evergrande trả nợ cho nhà đầu tư.

Mới đây, một số DN thuộc sở hữu của chính phủ cũng đã thực hiện thẩm định một số tài sản của Evergrande ở thành phố Quảng Châu. Cụ thể, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Thành phố Quảng Châu dự kiến mua lại sân vận động bóng đá Quảng Châu của Evergrande và các dự án khu dân cư xung quanh.

Vanke - công ty do nhà điều hành tàu điện ngầm Thâm Quyến thuộc sở hữu nhà nước, cũng được yêu cầu mua tài sản từ Evergrande. Một số doanh nghiệp khác như Jinmao, China Resources Land, China Jinmao Holdings cũng được chỉ định mua lại tài sản của Evergrande.

Vũ khí của Trung Quốc

Ngoài ra, một trong những lý do để các quan chức Trung Quốc đến nay vẫn bình tĩnh là vì tin rằng, với các công cụ đủ mạnh đang nắm trong tay, họ sẽ có thể kiểm soát được tình hình và ngăn chặn khủng hoảng. Đầu tiên, mức độ kiểm soát hệ thống ngân hàng của Bắc Kinhvượt xa các quy định ngân hàng ở phương Tây.

Các bên cho vay là công ty thuộc sở hữu nhà nước và những ngân hàng này ưu tiên chính sách kinh tế của chính phủ hơn cả lợi nhuận của họ. Thay vì yêu cầu trả nợ, các ngân hàng Trung Quốc đàm phán những thỏa thuận riêng với Evergrande trong nhiều tháng.

Chủ tịch Evergrande Xu Jiayin. Ảnh: Reuter, đồ hoạ bởi FT

Chủ tịch Evergrande Xu Jiayin. Ảnh: Reuters

Việc kiểm soát tốt hệ thống ngân hàng cũng giúp chính phủ tiếp cận được nguồn tiền khổng lồ từ các khoản tiền gửi của đất nước, tạo ra một tấm đệm tài chính đủ dày.

Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ việc chuyển tiền qua biên giới. Các nhà đầu tư nội địa và thế giới không thể đột ngột tìm lối thoát nếu họ lo lắng - yếu tố từng giúp Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và 1998.

Đồng thời, các tòa án tại nước này phải được sự chấp thuận của các lãnh đạo cao nhất mới có thể đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc buộc Evergrande phá sản và tái cấu trúc. Do đó, giới chức có thể tránh một đợt bán tháo gấp rút như Lehman Brothers vào năm 2008, nên sẽ không có cú sốc đối với giá đất, căn hộ và các tài sản thế chấp khác của Evergrande.

Thứ hai, ảnh hưởng của nhà nước với các công ty lớn còn có thể trợ giúp quá trình tái cơ cấu Evergrande. Trong quá khứ, chính phủ đã từng bình tĩnh giám sát việc tái cơ cấu Anbang và HNA - hai đế chế nợ nần chồng chất, hay buộc thu hẹp quy mô của Dalian Wanda. Bên cạnh đó, một số công ty xây dựng và bất động sản quốc doanh lớn nhất Trung Quốc có thể tham gia hoàn thành khoảng 800 khu phức hợp dang dở của Evergrande và thanh toán cho nhà thầu. 

Tóm lại, về vụ Evergrande, có thể dự đoán hành động của Bắc Kinh là can thiệp âm thầm để vụ vỡ nợ diễn ra từ từ, nhằm không gây khủng hoảng cho nền kinh tế. Giai đoạn hành động này ít nhất sẽ kéo dài đến hết năm sau vì lý do chính trị. Thế nên, nếu có phá sản, Evergrande cũng sẽ không phá sản ít nhất cho đến năm 2023. Và, nếu vụ vỡ nợ có diễn ra, Evergrande chắc chắn sẽ không phải là một Lehman Brothers thứ hai.

Bài 2: Nguy cơ vỡ nợ của Evergrande có ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: Evergrande trượt tới bờ vực, vì sao Trung Quốc chỉ âm thầm giải cứu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO