2 lý do khiến phương Tây "nhát tay" trong trừng phạt Nga

Doanh Doanh| 29/06/2022 08:40

Trước sự hối thúc của Ukraine và tình hình chiến sự tiếp tục kéo dài, phương Tây dù muốn tăng trừng phạt Nga song vẫn "nhát tay" khi phải đối mặt với 2 rào cản lớn.

2 lý do khiến phương Tây

Kế hoạch tăng lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây có thể kéo theo một cuộc khủng hoảng lớn về lương thực và đẩy lạm phát lên cao, đe doạ làm tê liệt nền kinh tế.

Trong lúc Mỹ cùng châu Âu đang lên kế hoạch áp các vòng trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga, nhiều người ngày càng lo ngại rằng hệ lụy của chúng sẽ khiến nạn đói toàn cầu cũng như tình trạng trạng lạm phát trở nên trầm trọng hơn và không dễ dàng đảo ngược.

Khủng hoảng lương thực thêm trầm trọng

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, tại Yemen, giá bánh mì đã tăng 35% chỉ vài ngày sau đó. Các nhà máy xay bột mì ở Lebanon gần đây phải ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu, khiến các tiệm bánh phải đóng cửa. Còn tại Kenya, dầu ăn trở nên vô cùng khan hiếm.

Trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao và việc ngũ cốc xuất khẩu bị hạn chế ở Nga cùng Ukraine, nguy cơ mất an ninh lương thực tại các nước đang phát triển ngày càng lớn, đe doạ một số nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), gần 50% dân số các nước thu nhập thấp đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực - điều thường dẫn đến bất ổn xã hội. 

"Nguy cơ suy dinh dưỡng và nạn đói đang gia tăng ở một số khu vực", Chủ tịch WB David Malpass đầu tháng 6/2022 cảnh báo. Người dân ở các nước nghèo thường chi phần lớn ngân sách mỗi ngày cho thực phẩm, và các chi phí đó đang tăng. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), giá thực phẩm tháng 5 đã tăng gần 30% so với 1 năm trước, do giá ngũ cốc và thịt tăng cao.

Tình trạng thiếu lương thực trên thế giới càng trở nên trầm trọng do giá xăng dầu lên mức cao kỷ lục, khiến chi phí sản xuất và vận chuyển bị đội lên. "Nếu không có phân bón, tình trạng thiếu hụt sẽ lan rộng từ ngô và lúa mì sang tất cả cây trồng chính, trong đó có cả lúa gạo, gây ảnh hưởng khủng khiếp tới hàng tỷ người ở châu Á và Nam Mỹ", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh.

Link bài viết

Bên cạnh đó, việc thời hạn và phạm vi của các lệnh trừng phạt từ phương Tây với Nga không rõ ràng đã buộc nhiều quốc gia phải áp lệnh cấm xuất khẩu để tích trữ hàng hóa, đề phòng cho các kịch bản xấu hơn. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, khoảng 20 nước đang áp dụng một số hình thức kiểm soát xuất khẩu để hạn chế tác động của giá lương thực cao.

Theo Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe, phương Tây đang điều chỉnh các biện pháp trừng phạt Nga nhằm giảm ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực toàn cầu. Bộ Tài chính Mỹ cũng ban hành một số miễn trừ trừng phạt hoặc giấy phép chung nhằm duy trì thông suốt hoạt động xuất khẩu nông sản.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào tháng 4 qua nói Mỹ đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt mới, nhưng vẫn lưu tâm đến vấn đề nguồn cung lương thực toàn cầu. "Ngay cả khi tiếp tục tăng sức ép trừng phạt cùng các biện pháp kinh tế khác chống lại Nga, chúng tôi vẫn nhấn mạnh cam kết cho phép thực hiện các hoạt động nhân đạo và hoạt động thiết yếu khác mang lại lợi ích với người dân thế giới, đảm bảo mặt hàng nông sản và thực phẩm cơ bản luôn sẵn có", bà nói.

Việc các cam kết như vậy có khả thi hay không vẫn còn là dấu hỏi, song hiện thực là tác động từ những lệnh trừng phạt phương Tây nhắm vào Nga đang thể hiện rõ ở châu Phi. Tại hội nghị của Liên minh châu Âu (EU) cuối tháng 5, Chủ tịch Liên minh châu Phi Macky Sall cảnh báo việc cắt các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT "đang cản trở đáng kể khả năng mua thực phẩm và phân bón" của họ.

Một em bé 6 tháng tuổi suy dinh dưỡng ở Nam Sudan bởi hạn hán và nạn đói hoành hành trong khu vực, phải ăn sữa qua ống xông.

Một em bé 6 tháng tuổi suy dinh dưỡng ở Nam Sudan bởi hạn hán và nạn đói hoành hành trong khu vực, phải ăn sữa qua ống xông.

Theo Tjada D'Oyen McKenna - người đứng đầu nhóm cứu trợ nhân đạo Mercy Corps, hậu quả từ các lệnh trừng phạt kết hợp lạm phát và bão giá đang khiến tình hình của các cộng đồng dễ tổn thương nhất tồi tệ hơn. Tại Yemen, Mercy Corps đã phải cắt muối và đậu khỏi các gói cứu trợ cho những hộ gia đình nghèo nhất, do nguồn cung khan hiếm và giá cao.

"Mọi người đang quan sát cách Ukraine được phương Tây chào đón, hỗ trợ như thế nào, đồng thời nhận ra sự khác biệt trong thái độ đối xử với các nước nghèo ở Trung Đông và châu Phi ra sao. Hàng chục năm tiến bộ trong đấu tranh chống đói nghèo đã bị xóa sạch", McKenn nói

Lạm phát tăng phi mã

Mặt khác, dù phương Tây đang tính đến các biện pháp để tăng áp lực với dầu mỏ Nga, nhưng nhiệm vụ này không dễ dàng khi lạm phát tăng phi mã. Trên thực tế, Nga vẫn thu lợi từ xuất khẩu năng lượng như cũ, trong khi lạm phát đang tăng trên toàn cầu, gây sức ép lên các lãnh đạo phương Tây.

Dù lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã nỗ lực thảo luận để đạt đồng thuận về các bước đi tiếp theo để tăng sức ép với Nga, song khi đề cập đến dầu mỏ, họ có rất ít lựa chọn khả thi. Một số biện pháp đang được xem xét, song tất cả đều có mặt trái và một số thậm chí còn có thể đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa, nguy cơ làm suy yếu ủng hộ của công chúng đối với quyết tâm trừng phạt Nga.

Link bài viết

Dù xuất khẩu dầu của Nga sang châu Âu đã giảm xuống 3,3 triệu thùng/ngày trong tháng 5, giảm 170.000 thùng/ngày so với tháng trước, nhưng lượng mua lớn từ châu Á đã giúp Nga bù đắp phần lớn thiệt hại đó.

Nga đang bán dầu thô Urals ở mức rẻ hơn khoảng 35 USD so với chuẩn toàn cầu của dầu Brent, song do giá dầu tăng mạnh trong năm nay, Moskva vẫn thu về lợi nhuận khổng lồ.

Để tăng sức ép hơn cho Trung Quốc, Ấn Độ và các nước vẫn nhập dầu Nga, châu Âu có ý định ban hành lệnh cấm bảo hiểm với các tàu chở dầu thô từ Nga. Nếu ông lớn ngành bảo hiểm Lloyd của Anh tham gia kế hoạch này, nó sẽ giáng một đòn mạnh vào hệ thống vận chuyển nhiên liệu toàn cầu.

Dù vậy, Mỹ lo ngại biện pháp này sẽ khiến giá cả tiếp tục tăng. Trong khi đó, theo một giám đốc ngành dầu khí Ấn Độ, 4 tàu dầu xuất bến vào tháng 7 sẽ được thu xếp mua bảo hiểm của Ấn Độ và tái bảo hiểm thông qua một bên trung gian ở Hồng Kông. Ấn Độ cũng đang thảo luận về biện pháp lâu dài, trong đó nước này có thể đứng ra đảm bảo về bảo hiểm cho tàu biển nhằm duy trì nguồn cung dầu thô từ Nga.

Mỹ, với hậu thuẫn của châu Âu, cũng có thể ban hành biện pháp trừng phạt thứ cấp nhắm vào nước thứ ba tiếp tục làm ăn với Nga, như đã làm với Iran và Venezuela. Chính phủ Mỹ không loại trừ khả năng áp dụng biện pháp này. Nhưng động thái như vậy sẽ tạo ra nhiều xáo trộn đến mức giới chuyên gia cho rằng rất khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh các lãnh đạo phương Tây đang chịu áp lực nặng nề khi đối mặt với giá xăng dầu tăng nhanh chưa từng có, làm trầm trọng tình trạng lạm phát kỷ lục.

Công nhân theo dõi một giàn khoan tại mỏ dầu Prirazlomnoye bên ngoài thành phố Nefteyugansk, Nga năm 2016. Ảnh: Reuters

Công nhân theo dõi một giàn khoan tại mỏ dầu Prirazlomnoye bên ngoài thành phố Nefteyugansk, Nga năm 2016. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cho thấy chống lạm phát là ưu tiên của ông trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ, khi cử tri Mỹ ngày càng bất mãn vì giá xăng tăng và có thể khiến đảng Dân chủ hứng hậu quả. Tổng thống Pháp Macron cũng cam kết giải quyết khủng hoảng vật giá leo thang. Riêng Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đẩy mạnh hợp tác với khu vực tư nhân nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề lạm phát.

Các chính phủ ở phương Tây cũng có thể cố gắng giảm bớt khó khăn bằng cách thúc đẩy nguồn cung hoặc để giá xăng dầu tăng cao đến mức làm giảm nhu cầu. Nhưng đây không phải một phép tính đơn giản, bình luận viên kỳ cựu Julia Horowitz từ CNN đánh giá. 

Theo Horowitz, trong trường hợp suy thoái toàn cầu diễn ra một phần do giá nhiên liệu quá cao, nhu cầu năng lượng sẽ giảm và giá dầu có thể bắt đầu đi xuống. "Nhưng kịch bản đó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế và việc làm, đặc biệt là với các gia đình có thu nhập thấp", bà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2 lý do khiến phương Tây "nhát tay" trong trừng phạt Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO