Chuyện làm ăn

Kinh tế “đầu bạc”: Xu hướng của tương lai?

Khả Hân 14/03/2024 - 14:20

Không chỉ thị trường lao động buộc phải chuyển dịch theo hướng các ngành nghề phải mở rộng cánh cửa việc làm cho người lao động lớn tuổi mà doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn cho thế hệ “đầu bạc”.

Thế hệ “đầu bạc” lại “lên ngôi”

Trong cuốn sách “2030: Những xu hướng lớn sẽ định hình thế giới tương lai” của Mauro F. Guillén đã phác họa tổng quan về thế giới trong giai đoạn tới thông qua 7 vấn đề lớn: Số trẻ sơ sinh giảm, thế hệ dân số mới, tầng lớp trung lưu mới, nhiều phụ nữ giàu có hơn, phong cách sống thành thị, công nghệ đột phá, nền kinh tế chia sẻ và đồng tiền điện tử.

gioi-thieu-viec-lam-o-ben-xe-1-1.jpg

Một trong những dự báo đáng chú ý của Mauro F. Guillén là trong thập niên tới, số trẻ sơ sinh sẽ ít đi do hiện tượng giảm sinh toàn cầu. Thay vào đó, thế hệ “đầu bạc” có thêm cơ hội tiến vào thị trường việc làm, trở thành nhóm khách hàng được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Cụ thể, trong chương 2 tác phẩm “2030: Những xu hướng lớn sẽ định hình thế giới tương lai”: “Công dân “đầu bạc’ sẽ là thế hệ “xanh” mới”, tác giả đã chỉ ra một thực tế về các thế hệ chia theo độ tuổi, cho thấy giờ đây người tiêu dùng lớn tuổi mới là lực lượng định hình lại bối cảnh kinh doanh.

Điều này cũng đồng thời thay đổi chiến lược truyền thông hiện thời, cũng như dự đoán sự bùng nổ của dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ tại nhà, hỗ trợ sinh hoạt và các ngành tương tự khác. Một số lĩnh vực mới nổi như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano… cũng hữu ích hơn cho lượng dân số trên 60 tuổi. Khi tỷ lệ trẻ sơ sinh giảm, thế hệ Millennials già đi và công dân “đầu bạc” tăng lên, thị trường lao động dành cho những người lớn tuổi sẽ gia tăng.

Xu hướng già hóa dân số đang là bài toàn hóc búa mà nhiều quốc gia đã và đang bắt đầu phải đối mặt. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2020, số lượng người trên 60 tuổi đã vượt qua số trẻ em dưới 5 tuổi. Dự báo đến năm 2030, cứ 6 người trên thế giới sẽ có 1 người thuộc độ tuổi trên 60, cho thấy cấu trúc dân số đang thay đổi nhanh nhất trong nhiều thập niên trở lại đây.

Thực trạng già hóa dân số trên toàn cầu đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phải có những thay đổi mạnh mẽ, với các khu vực kinh tế “đầu bạc” sẽ ngày càng mở rộng và phát triển. Không chỉ thị trường lao động buộc phải chuyển dịch theo hướng các ngành nghề phải mở rộng cánh cửa việc làm cho người lao động lớn tuổi mà doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn cho thế hệ “đầu bạc”.

Theo một số dự báo, chi tiêu của người cao tuổi dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong thập niên tới. Theo đó, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như giải trí, giao thông, thực phẩm, an ninh, y tế, nhà ở, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật số... sẽ chịu tác động lớn nhất, nhưng đồng thời các ngành này cũng đứng trước cơ hội lớn nhất để mở rộng phân khúc khách hàng và tiện ích phục vụ cuộc sống của người cao tuổi.

Động lực đối với nền kinh tế

Nhiều quốc gia đã bắt đầu có chiến lược chuyển dịch nền kinh tế, tìm kiếm động lực phát triển ở thế hệ “đầu bạc”. Đơn cử như Trung Quốc - đất nước duy nhất trên thế giới có dân số già trên 100 triệu người, những năm qua đã triển khai nhiều giải pháp khai thác tiềm năng ở thị trường “đầu bạc” này. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là tỷ lệ sinh thấp. Dân số trên 60 tuổi ở nước này đã tăng từ 126 triệu năm 2000 lên 249 triệu vào năm 2018 và hơn 280 triệu vào năm 2022. Tỷ lệ người cao tuổi cũng tăng từ 10,2% năm 2000 lên 17,9% năm 2018 và tiếp tục tăng lên 19,8% vào năm 2022. Quy mô người cao tuổi của nước này dự kiến sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2054.

Sự phát triển của internet đã mở ra tiềm năng tiêu dùng to lớn của nhóm dân số cao tuổi ở Trung Quốc, nhất là khi thói quen tiết kiệm thời kỳ trước đây đã giúp họ có của cải và giờ họ còn có thêm cả thời gian. Việc sẵn sàng chi tiêu của nhóm dân số già ở Trung Quốc được cho là xuất phát từ hai nguyên nhân: Họ bắt đầu muốn chăm sóc bản thân và họ cũng nhận được sự hỗ trợ của con cái.

Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ ra sức tạo ra sản phẩm khoa học - công nghệ cao và mô hình dịch vụ chất lượng cao, để người cao tuổi được hưởng thành quả phát triển, an hưởng tuổi già hạnh phúc.

Trung Quốc sẽ mở rộng và phát triển dịch vụ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dịch vụ ăn uống dưỡng lão, hỗ trợ người cao tuổi đến tận nhà, dịch vụ tiện lợi dành cho người dân trong khu cộng đồng, sức khoẻ người cao tuổi, văn hoá, thể thao người cao tuổi và dưỡng lão ở nông thôn. Hiện nay, quy mô “kinh tế đầu bạc” của Trung Quốc khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 6% GDP cả nước. Đến năm 2035, quy mô “kinh tế tóc bạc” của Trung Quốc sẽ lên tới khoảng 30.000 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 10% GDP cả nước.

Các nền kinh tế phát triển đang đối mặt với già hóa dân số như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước EU, thế hệ “đầu bạc” đang là động lực quan trọng trong nền kinh tế, ở cả đầu vào thị trường lao động lẫn đầu ra cho tiêu dùng. Nhóm người tiêu dùng cao tuổi có nhiều lợi thế: Tài chính tương đối vững vàng, ít nhu cầu vay mượn và cũng ít gặp rủi ro thất nghiệp hơn các nhóm tiêu dùng khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế “đầu bạc”: Xu hướng của tương lai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO