Xe tải: Cơ hội đang vuột khỏi tay doanh nghiệp Việt

23/01/2015 00:22

Từ khi Bộ Giao thông Vận tải đẩy mạnh chương trình giám sát tải trọng xe vận tải hàng hóa đường bộ (4/2014), lượng nhập xe tải các loại (chủ yếu là xe Trung Quốc) đã tăng vọt.

Xe tải: Cơ hội đang vuột khỏi tay doanh nghiệp Việt

Mấy ngày qua, chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội cáu kỉnh đi tìm nguồn mua xe tải tự đổ cỡ lớn. Ông cáu là bởi, với dòng xe doanh nghiệp này đang tìm mua chỉ có hàng của Trung Quốc và Hàn Quốc. Hàng Hàn Quốc thì đắt, dù có tốt, còn hàng Trung Quốc thì sẵn có, nhưng giá cả thì “múa” liên tục, chênh nhau tới cả trăm triệu đồng.

Một nhân viên bán hàng của Tập đoàn Hoàng Huy - doanh nghiệp tại Hải Phòng chuyên lắp ráp, kinh doanh nhãn xe Đông Phong của Trung Quốc - thẳng thừng từ chối báo giá cho khách hỏi mua xe qua điện thoại. “Tốt nhất bên anh qua nhà máy xem xe để biết giá” - vị này nói.

Sự từ chối này là có lý do, vì giá xe Trung Quốc trong mấy tháng vừa qua liên tục biến động. Nhưng không hẳn vì thiếu xe, mà vì giá xe xuất xứ từ quốc gia này xây dựng chủ yếu trên cơ sở giá các phụ tùng lắp cùng là cao cấp, hay là đơn giản. Và ngay trong một dòng xe, thì “hàng” năm trước đã khác năm sau, do thế mà người chọn xe phải rất kinh nghiệm, xuống tận nơi quan sát các thành phần của xe thì người bán mới… nói giá.

Thượng vàng hạ cám

Từ khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đẩy mạnh chương trình giám sát tải trọng xe vận tải hàng hóa đường bộ (4/2014), lượng nhập xe tải các loại (chủ yếu là xe Trung Quốc) đã tăng vọt.

Nhu cầu hàng vẫn thế, nhưng do không “được” chở quá tải nữa mà nhu cầu xe vận tải tăng vọt. Dọc các tuyến quốc lộ số 1, số 5, số 2,… xe Trung Quốc bày bán tràn ngập, nhưng không phải ai cũng mua được xe vừa ý.

Một lái xe lâu năm cho biết, xe đời 2013 được trang bị đầy đủ theo tiêu chuẩn có thể cao hơn 70 – 100 triệu đồng so với xe đã được rút bớt chiều dày thùng xe, giảm nhíp, bỏ điều hòa…

Giá xe cũng khác nhau giữa các đời năm sản xuất, dù chất lượng là không có gì khác biệt lớn, vẫn động cơ đó, khung gầm đó….

Về cơ bản, người sử dụng tại Việt Nam không đánh giá cao chất lượng xe ôtô vận tải xuất xứ từ Trung Quốc. “Nếu như xe Hyundai – hãng sản xuất của Hàn Quốc đứng đầu thế giới về chất lượng ôtô chạy động cơ diezen hiện nay – có chất lượng là 10, thì xe Trung Quốc chất lượng chỉ được 5” – một lái xe nói.

Tuy nhiên, xe Trung Quốc đang nổi lên như một nhà sản xuất có tính cạnh tranh, với ba đặc điểm vượt trội so với xe Hàn Quốc. Đó là nhiều hơn, rẻ hơn, phụ tùng sẵn hơn và không bị… nhái, đặc biệt là xe Trung Quốc “ăn” ít dầu hơn xe Hàn Quốc. Cùng cự ly khoảng 400 km, xe Trung Quốc có thể tiết kiệm được hàng trăm nghìn tiền nhiên liệu so với xe Hàn Quốc.

Điều đó giải thích vì sao chỉ trong năm 2014, lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng rất mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 13.805 ôtô nguyên chiếc các loại (chủ yếu là các loại xe tải, xe công trình) từ Trung Quốc, với trị giá gần 538 triệu USD.

Số nhập khẩu này cao gấp 3,3 lần về giá trị và 3,2 lần về số lượng nhập khẩu ôtô cũng từ Trung Quốc trong năm 2013 (4.266 chiếc với kim ngạch gần 165 triệu USD).

Tuy nhiên, với kết quả này, trong phân khúc thị trường ôtô tải, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam. Hiện, nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc chiếm gần 34% tổng giá trị kim ngạch, chiếm gần 20% tổng số lượng ô tô nhập khẩu cả nước (cả nước nhập 71.045 ô tô nguyên chiếc các loại ô tô, trị giá trên 1,57 tỷ USD trong năm 2014).

Ai sẽ nắm cơ hội?

Tuy nhiên, số liệu trên chưa phản ảnh hết “tầm vóc” của ô tô Trung Quốc với công nghiệp ô tô của Việt Nam. Từ nhiều năm nay, ngoại trừ số ít liên doanh ôtô có lắp ráp xe tải hạng nhẹ, phần lớn số các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam đều lựa chọn công nghệ Trung Quốc, động cơ, thiết bị phụ tùng Trung Quốc để sản xuất ô tô tải bán tại thị trường Việt Nam.

Ngay số liệu và tính toán tỷ lệ ô tô cũng không phản ảnh rõ ràng về tỷ lệ nắm giữ thị phần của ô tô nhập khẩu Trung Quốc.

Nếu chỉ xét riêng trong lĩnh vực xe tải các loại, ô tô Trung Quốc có thể đã nắm trên 50% thị phần ôtô tải nhập khẩu của Việt Nam, đó là chưa tính ảnh hưởng cực lớn của Trung Quốc trong các thị trường linh kiện, phụ tùng như săm lốp, khung gầm, cầu, rơmooc… nhập khẩu.

Giám đốc một doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ tại Hải Phòng cho biết, hiện gần như tất cả các loại romooc chở container và sơmi xe trọng tải lớn đều nhập khẩu từ Trung Quốc.

Gần như tất cả các loại linh kiện đầu kéo xe Mỹ, xe Hàn Quốc… đều có linh kiện chính hãng, linh kiện “dởm” từ Trung Quốc… “Nếu không có linh kiện Trung Quốc, hàng nghìn xe vận tải container tại Hải Phòng và khu vực phía Bắc khó mà hoạt động được” – vị này nói.

Đó có thể là nhận xét quá lời, nhưng phần nào thể hiện đúng ảnh hưởng của ô tô và linh kiện ô tô từ Trung Quốc với hoạt động giao thông vận tải tại Việt Nam.

Tất cả những thực tế ấy diễn ra trong sự thờ ơ của vài chục liên doanh FDI chủ yếu sản xuất xe du lịch, và trong sự bất lực của vài chục doanh nghiệp sản xuất ô tô tải trong nước.

Trong khi lượng nhập khẩu ô tô và linh kiện Trung Quốc ngày càng lớn, nhu cầu sử dụng ô tô tải trong nước đang tăng, thì đáng ngạc nhiên cũng có doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước – chẳng hạn như hãng Xuân Kiên – ngày càng chìm sâu trong khó khăn vì thiếu vốn, thiếu thị trường và thiếu luôn cả sự đột phá trong cạnh tranh với xe nhập khẩu cùng loại, cùng phân khúc.

Cho đến nay, chưa có nhiều ý kiến nói tới sự thắng thế của xe ô tô tải nhập khẩu, với đủ loại chất lượng từ Trung Quốc và các quốc gia khác so với xe sản xuất trong nước.

Thực ra, cũng cần công bằng để nhận xét, sau hơn 20 năm phát triển, ngay các hãng sản xuất xe ô tô tải trong nước vẫn chưa tự chủ sản xuất được động cơ và cầu trục xe. Thế nên, việc tăng nhập khẩu chỉ là bước phát triển tất yếu của thực tế ấy, khi nhu cầu xe tăng cao mà nguồn cung trong nước chỉ có hạn, lại không nhiều khác biệt.

Bởi vậy, cơ hội mà Bộ GTVT tạo ra với ngành vận tải đường bộ – vốn gánh phần lớn trách nhiệm luân chuyển hàng hóa và hành khách tại Việt Nam – rất có thể rơi vào tay các hãng xe ngoại, và chủ yếu là Trung Quốc.

Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM:

Hiện nay nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở TP.HCM mua xe tải - chủ yếu là xe đầu kéo Trung Quốc gắn với sơmi rơmoóc - để tăng sức chở đến 38 tấn hàng hóa, nhằm thay cho loại xe tải thông thường chỉ chở 11-14 tấn không có hiệu quả về kinh tế. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là xe Trung Quốc có nhược điểm hệ thống điện tử chập chờn và các phụ kiện như đèn, các phụ tùng nhựa có thời gian sử dụng ngắn, chất lượng động cơ chỉ bằng 70-80% so với xe Nhật, Hàn Quốc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xe tải: Cơ hội đang vuột khỏi tay doanh nghiệp Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO