Vốn đáp ứng khoảng 20%, sao không kẹt đường, kẹt cảng

An Huy| 28/04/2021 05:07

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất bố trí 27.500 tỷ đồng (vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025) làm 6 tuyến đường kết nối các khu vực cửa khẩu cảng biển của Thành phố. Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng TP.HCM cho rằng, tình trạng giao thông khu vực cảng biển ở Thành phố đang hết sức cấp bách, cần phải ưu tiên vốn để làm đường, gỡ nút thắt.

Ông Trường cho rằng, hiện nay trục đường đoạn từ xa lộ Hà Nội đi theo đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống hay Nguyễn Thị Định xuống cảng Cát Lái ngày nào cũng kẹt xe. Trước đây, Sở GTVT cũng từng đề xuất Thành phố bố trí vốn mở rộng, đầu tư những nút giao ở đây rồi, nhưng năm nay vấn đề trở nên bức xúc nhất. Do đó, việc đề xuất lần này là hoàn toàn hợp lý và mang tính cấp thiết để giảm nhẹ ùn tắc giao thông. Nếu có nguồn vốn này, cộng thêm với nguồn thu phí hạ tầng cảng biển mà Thành phố dự kiến áp dụng từ ngày 1/7/2021 tới đây, hạ tầng giao thông quanh cảng biển sẽ được khắc phục, từ đó nâng công suất tiếp nhận hàng hóa, nhất là tại cảng Cát Lái.

Cách nay hàng chục năm, theo ông Trường, khi làm quy hoạch, chúng ta chỉ chấp nhận lượng xe lưu thông khoảng 12.000 xe/ngày đêm ở khu vực quanh cảng Cát Lái. Nhưng hiện nay khối lượng xe lưu thông là hơn 22.000 - 24.000 xe/ngày đêm, tức là tăng gấp đôi thì không thể nào mà bảo đảm được chất lượng, đặc biệt là những đoạn từ nút giao An Phú (ngã ba Cát Lái cũ) cho đến nút giao Mỹ Thủy thì ngày nào cũng ùn, kẹt xe nghiêm trọng. Vì thế, việc kiến nghị sớm triển khai các dự án trọng điểm và dự án cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn thành phố Thủ Đức là cần thiết.

Bai-2-1-vo-cang-CATLAI-4896-1619582698.j

Đánh giá về hiệu quả đầu tư công vào hạ tầng giao thông tại TP.HCM trong 5 năm qua, Phó chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng TP.HCM cho rằng Thành phố đã làm được nhiều công trình giao thông, các nút giao và các tuyến đường. Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu thì nhiêu đó vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển của Thành phố. Việc các công trình hạ tầng giao thông của Thành phố ì ạch là có các lý do sau.

Thứ nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng. Nhiều công trình hiện vẫn bị ách tắc khâu này. Ví dụ như đoạn từ ngã tư Bình Thái cho đến Gò Dưa, nối với đường Phạm Văn Đồng (dự án đường Vành đai 2) đã 6-7 năm nay rồi mà còn vài hộ dân chưa giao mặt bằng. Đến nay dự án vẫn nằm ì ra đó.

Thứ hai là nguồn vốn cho hạ tầng giao thông khá hạn hẹp. Trong 5 năm qua, các dự án giao thông của TP.HCM cần ít nhất 200.000 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ thu xếp được khoảng 20% (tức khoảng 40.000-50.000 tỷ đồng).

Thứ ba là khâu thi công. Có dự án đã có mặt bằng rồi, có kinh phí rồi nhưng khi thi công vẫn cứ vướng cái này vướng cái kia. Như đoạn Võ Văn Kiệt nối dài đến đường Tân Tạo - Chợ Đệm, nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương có 2km thôi mà 5 năm rồi không làm được.

Tất cả những điều này "tụ lại" và trở thành hạn chế, không phát huy được hiệu quả xây dựng công trình.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo địa phương nào có cách quản lý hay thì nên giao. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nếu chúng ta chưa có chính sách thì hãy cho địa phương làm thí điểm. Theo các chuyên gia, cái gì cũng phải theo chính sách, chờ chính sách thì không những TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ không phát triển nhanh được.

Ví dụ như tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ chẳng hạn, cũng bị vướng rất nhiều thủ tục mà cho đến cuối năm nay vẫn chưa thông xe được. Rồi các ách tắc từ TP.HCM đi Vũng Tàu, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành, Dầu Giây đề xuất mở rộng cũng không làm nổi. “Tôi kiến nghị TP.HCM cùng với các tỉnh phải có "chuyển biến mới" về nhận thức lẫn cách làm. Phải mạnh dạn làm thí điểm, qua thực tế sẽ rút kinh nghiệm, từ đó ban hành chính sách cũng không muộn, nếu không thì hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ vẫn phát triển không đồng bộ, rất chậm”, ông Trường nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn đáp ứng khoảng 20%, sao không kẹt đường, kẹt cảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO