Tư nhân đầu tư hạ tầng: Sân chơi rộng, người chơi phải mạnh

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 23/05/2015 03:17

NĐT tư nhân đổ vốn hàng chục ngàn tỷ tham gia xây dựng hạ tầng: Cầu, cảng, sân bay, đường cao tốc... Sân chơi còn rộng, nhưng NĐT phải có nhiều kinh nghiệm, tài chính mạnh và xác định, kiểm soát rủi ro mới có thể nắm phần thắng.

Tư nhân đầu tư hạ tầng: Sân chơi rộng, người chơi phải mạnh

Khu vực tư nhân đang ồ ạt tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thông qua mua lại cổ phần nhà nước trong các dự án trọng điểm, nhượng quyền khai thác công trình, hoặc đầu tư dự án mới.

Đọc E-paper

Từ đường, nhà ga đến cảng

Hiện tượng doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia lĩnh vực hạ tầng (điện, đường, nước, cảng...) trước nay không hiếm. Điển hình như trường hợp nhà đầu tư (NĐT) Hàn Quốc, GS E&C đầu tư dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đại lộ Phạm Văn Đồng. Chính dự án BT đổi đất lấy hạ tầng này đã một thời tốn bao giấy mực của giới truyền thông, từ chuyện đền bù giải tỏa, cho đến giá trị 5 khu đất mà GS E&C được đổi lại.

Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng từng đi tiên phong trong hình thức nhượng quyền thu phí tại Trạm thu phí Kinh Dương Vương (cửa ngỏ phía Tây TP.HCM), Trạm thu phí xa lộ Hà Nội và là NĐT của nhiều dự án BT, BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hạ tầng giao thông tại TP.HCM (mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn 2,...). Tuy nhiên, thời điểm trước năm 2012, DN nhà nước vẫn làm chủ "sân chơi" đầu tư hạ tầng.

Song, từ cuối năm 2014, hàng loạt tên tuổi lớn đã đề xuất mua lại hoặc trực tiếp đầu tư nhiều dự án "khủng", trong đó có Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Sau khi đưa khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc vào hoạt động hồi tháng 11/2014, mới đây, vào ngày 29/4, thông qua đơn vị thành viên là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch, Vingroup tiếp tục tạo cú hích tại đảo Phú Quốc với việc khởi công Cảng Hành khách Quốc tế Phú Quốc (quy mô 179,3ha tại thị trấn Dương Đông).

Theo đó, NĐT sẽ thực hiện và trực tiếp quản lý, điều hành dự án phần vốn BOT, với giá trị là 493 tỷ đồng, tương đương với 30% tổng vốn đầu tư (gồm bến tàu, cầu dẫn, các hạng mục phụ trợ...). Một trong những mục đích của công trình là tiếp nhận tàu khách quốc tế trọng tải đến 225.000GT, sức chở 5.000 - 6.000 hành khách, nhằm kích thích kinh tế, du lịch của Phú Quốc phát triển.

Trong khi Vingroup đầu tư cảng hành khách, quý I/2015, "bầu Hiển" (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T) đã đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải (Bộ GTVT) mua lại Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc. Và mới đây, "ông bầu" của đội bóng đá Hà Nội T&T đã bày tỏ nguyện vọng mua ga đường sắt Hà Nội.

Trước đó không lâu, Vingroup cũng từng đề xuất mua 3 nhà ga đường sắt: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn cùng Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng. Còn Sun Group lại muốn mua lại quyền khai thác một vài đoàn tàu có lưu lượng khách du lịch lớn như Hà Nội - Lào Cai, Sài Gòn - Đà Nẵng...

Nhiều cơ hội, lắm rủi ro

Có thể nói, chưa bao giờ lĩnh vực hạ tầng lại có sức hút lớn với khu vực tư nhân như thời gian gần đây. Nhiều dự án trọng điểm được khởi động lại sau nhiều năm mỏi mắt chờ NĐT. Trong đó, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (là một phần của tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ) khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay chỉ mới đưa vào sử dụng phân đoạn TP.HCM - Trung Lương.

Tuy nhiên, năm 2015 sẽ là khởi đầu mới cho dự án khi liên danh các NĐT gồm: Công ty Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - CII B&R trúng thầu dự án theo hình thức BOT với giá trị lên đến gần 15.000 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành năm 2018 và thời gian thu phí hoàn vốn trong vòng 20 năm).

Bên cạnh tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, một trong những công trình trọng điểm khởi động từ năm 2009 nhưng gần đây mới được thực hiện là 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm khi Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh trở thành NĐT mới của dự án BT có giá trị 12.000 tỷ đồng này.

Đổi lại, TP.HCM sẽ giao một số lô đất và khu phức hợp bến du thuyền trong khu để NĐT khai thác. Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng sẽ là khu vực mà CII sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện trục đường bắc - nam thông qua hình thức BT.

Đánh giá cơ hội đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng của khối DN tư nhân, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII, cho rằng, tiềm năng còn rất lớn. Nếu so với một số nước trong khu vực, mức độ đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là đường sá, cầu cảng của Việt Nam chỉ mới trong giai đoạn đầu. Dư địa lớn nhưng không phải khoản đầu tư nào cũng khả thi.

"Vấn đề là DN phải chọn đúng dự án, hình thức đầu tư phù hợp, đánh giá được những rủi ro có thể gặp phải và kiểm soát được rủi ro... Không có gì là dễ vì đa phần các dự án hạ tầng hiện nay có quy mô vốn khá lớn", ông Bình nói.

Đại diện CII nêu dẫn chứng, đầu tư BOT dự án đường cao tốc trước hết là an toàn vì sẽ không có tuyến cao tốc thứ 2 (trên cùng chặng) để cạnh tranh, thu hút lưu lượng xe, ảnh hưởng đến thu phí.

Song, do chi phí đầu tư cao và thời gian hoàn vốn kéo dài từ 15 - 20 năm nên "cuộc chơi" này chủ yếu dành cho NĐT có kinh nghiệm, kiểm soát hiệu quả chi phí, có tiềm lực tài chính vững vàng, khả năng huy động vốn tốt.

Riêng với các dự án BT, do phải đối diện hai bài toán khó là rủi ro khi huy động vốn để xây dựng công trình và rủi ro không vận hành được các quỹ đất sau đó nên DN phải hết sức cân nhắc về nội lực.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Coteccons (DN đang đầu tư và thi công dự án BOT quốc lộ 1A, đoạn tránh TP. Phủ Lý, Hà Nam với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng cùng hai đối tác khác là Fecon và Cienco 1), nhìn nhận, nhiều dự án hạ tầng hiện nay khá hấp dẫn, cơ hội M&A dự án, cổ phần tại các DN nhà nước (quản lý những công trình trọng điểm) đang rộng cửa với NĐT nhưng kinh nghiệm quản lý, khai thác công trình sau khi đi vào sử dụng là yếu tố đáng để NĐT tham chiếu.

Đồng thời, với phương thức mua lại cổ phần nhà nước tại các dự án thì yếu tố "quyền biểu quyết" đến mức độ nào cũng không kém phần quan trọng với NĐT.

>CII có kế hoạch mua thêm dự án hạ tầng giao thông
>Chất lượng hạ tầng VN xếp thứ 119 thế giới
>Nếu lãi suất thấp, đầu tư hạ tầng Việt Nam sẽ tăng 8,1%?
> Đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT đang bế tắc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tư nhân đầu tư hạ tầng: Sân chơi rộng, người chơi phải mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO