Thị trường taxi và bài toán cạnh tranh lành mạnh

17/10/2017 00:06

Tính ưu việt và tiện ích của công nghệ mới cần được phát huy để đổi mới thị trường nhưng những quy định thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp cũng cần được gỡ bỏ để hỗ trợ cạnh tranh lành mạnh.

Thị trường taxi và bài toán cạnh tranh lành mạnh

Các ứng dụng công nghệ gọi xe Uber, Grab tiếp tục là "cơn ác mộng" với các hãng taxi truyền thống nội địa, khi nhiều tháng qua từ Vinasun, Mai Linh cho đến Mỹ Đình, Vạn Xuân, Sao Thủ Đô... giăng biểu ngữ phản đối taxi công nghệ với hàng loạt yêu cầu "đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh", "50.000 xe thí điểm theo QĐ 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?"; "Đi taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia", "Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"...

Các hiệp hội taxi của Hà Nội và TP.HCM nhiều lần kiến nghị dừng chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT). Họ đề nghị đánh giá lại kế hoạch thí điểm khi số lượng xe Uber và Grab hiện đã vượt 50.000 chiếc, khiến những bất công về điều kiện kinh doanh giữa 2 mô hình này khoảng cách càng lớn. Họ cũng cho rằng 2 hãng taxi công nghệ ước tính chuyển ra khỏi Việt Nam bình quân hàng ngày khoảng 10 tỷ đồng gây thất thu thuế. Tuy nhiên, các hãng taxi công nghệ cho rằng những thông tin trên là "sai lệch và thiếu căn cứ".

Link bài viết

Các điều kiện kinh doanh áp dụng cho taxi truyền thống đang bất bình đẳng với Grab và Uber là nội dung mà các hãng taxi lên tiếng. Trong khi chậm chạp thay đổi và non yếu về công nghệ thì taxi truyền thống cũng chịu nhiều bất lợi về các quy định khác: nhiều tuyến phố cấm taxi giờ cao điểm; phí đường bộ cao hơn các xe lưu hành thông thường; thời hạn đăng kiểm 6 tháng ở lần thứ 2 trong khi xe cá nhân 2,5 năm lần đầu và từ lần hai là 18 tháng; niên hạn sử dụng xe cũng bị thiệt hơn 4 năm; phải kê khai giá cước và phải được sự chấp thuận của Sở Tài chính địa phương.

Các hãng taxi truyền thống kê khai thuế doanh nghiệp vận tải nhưng Uber hay Grab kê khai thuế dịch vụ doanh nghiệp công nghệ thông tin. Bộ Tài chính từng bác đề xuất của taxi truyền thống được nộp thuế như Grab hay Uber và cho biết sẽ rà soát các dấu hiệu rủi ro về gian lận thuế.

Cần nhìn nhận phản ứng của các doanh nghiệp taxi truyền thống dưới góc độ các điều kiện kinh doanh đang được áp dụng là bất bình đẳng so với Uber và Grab. Mô hình Uber/Grab tại Việt Nam không còn đơn thuần là nền tảng tận dụng sự nhàn rỗi của các chủ phương tiện mà nhiều tài xế mua sắm xe để hành nghề taxi chuyên nghiệp, cần được quản lý theo quy chuẩn hoạt động taxi. Việc tăng hay giảm giá cước doanh nghiệp tự quyết định, vai trò quản lý của ngành vận tải là tạo ra một hành lang công bằng cho tất cả mô hình thay vì nhân danh bảo vệ người tiêu dùng.

Với 15 tỷ USD vốn đầu tư, Uber có mặt tại hơn 630 thành phố trên toàn cầu với giá trị vốn hóa lên đến 69 tỷ USD. Uber đi đến đâu cũng khiến các hãng taxi truyền thống địa phương thu hẹp đến đấy nhưng cũng thúc đẩy thị trường dịch vụ hành khách theo hướng hiện đại và văn minh hơn. Uber cũng là nhân tố thúc đẩy các ứng dụng gọi xe mới ra đời, các ứng dụng địa phương tìm cách vươn lên cạnh tranh với chính Uber và cả taxi truyền thống. Ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Nga... Uber như một thương hiệu cho nhà đầu tư tài chính, bán khoản thua lỗ lại cho các công ty nội địa, rút khỏi thị trường nhưng vẫn nắm giữ khoản cổ phần khá lớn.

Nhiều thị trường đang cấm cửa mô hình như Uber và Grab, tuy nhiên nguồn tài chính khổng lồ của thế giới vẫn đang đổ vào các mô hình kinh doanh này. Nếu không có Uber, Grab thì thị trường cũng sẽ có những ứng dụng khác ra đời và thế chân vì xu thế cho thấy người dùng ít quay lại taxi truyền thống khi một loại hình tiêu dùng mới đã hình thành. Tại thị trường Đông Nam Á, Grab được đổ tiền để cạnh tranh với Uber và khẳng định vị trí của họ, ứng dụng Grab đã nhanh chóng có một vị trí lớn tại Việt Nam.

Uber và Grab "được lòng" người dùng, yếu tố quan trọng làm cho taxi truyền thống dễ dàng bị "thất sủng". Việc tác động lên chính phủ như cách mà các hãng taxi truyền thống đang làm khá phản cảm nhưng ở nhiều thị trường khác nó cũng diễn ra tương tự. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn dịch vụ vì họ quan tâm tới chất lượng phục vụ và giá cả cạnh tranh, thậm chí đa số còn không quan tâm đến việc bảo hiểm cho chính mình.

Tuy nhiên ở góc độ quản lý, cho dù mô hình nào thì cũng phải hoạt động trên "sân chơi" công bằng với sự điều tiết của chính sách.
Chỉ bằng tư duy công nghệ mới, doanh nghiệp mới thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, tiết giảm chi phí. Cũng chỉ bằng tư duy công nghệ mới thì các nhà quản lý mới có thể kiểm soát công minh các sự vụ liên quan đến taxi như thời điểm hiện tại hoặc các mô hình kinh doanh tương tự trong tương lai.

Các hãng taxi truyền thống vẫn đang loay hoay ứng phó với các mô hình mới, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng đầu tư ứng dụng đặt xe trên nền tảng di động để khắc phục sự tụt hậu. Các quy định cần phải thay đổi để tạo một sân chơi công bằng. Khi đó, tự thân các doanh nghiệp phải thay đổi, nếu không sẽ bị đào thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường taxi và bài toán cạnh tranh lành mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO