Thị trường mỹ phẩm: Không có chỗ cho doanh nghiệp nội

THANH NGÂN| 01/04/2017 06:47

Với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 30%/năm và có đến 60% dân số là người trẻ quan tâm đến sắc đẹp, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp ngành mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân.

Thị trường mỹ phẩm: Không có chỗ cho doanh nghiệp nội

Thế nhưng, điều đáng buồn là "sân chơi" này không có chỗ cho doanh nghiệp nội.

Mảnh đất màu mỡ

Theo bà Lý Nguyễn Lan Phương - TGĐ Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn, thị trường mỹ phẩm Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng với tổng doanh thu năm 2015 là 26.000 tỷ đồng, và có mức tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm liên tục. Tầng lớp trung lưu có nhu cầu làm đẹp cao đang phát triển mạnh và dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên đến 33 triệu người vào năm 2020.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, khiến cho mức thuế nhập khẩu loại hàng hóa này được kéo xuống mức từ 0 - 5%.

Theo nghiên cứu của OMF Forcast, đến năm 2020, 4 quốc gia tiểu vùng sông Mekong (Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar) sẽ đạt tổng GDP 441 tỷ USD. Khu vực này cũng là thị trường mới nổi của sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và cá nhân với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 30% trong những năm gần đây. Một nghiên cứu khác của Asia Plus được công bố hồi tháng 9/2016 cho thấy mức chi tiêu của người Việt dành cho mỹ phẩm rất lớn.

Link bài viết

Có đến 44% người được khảo sát cho biết, mỗi tháng đã chi khoảng 200.000đ cho mỹ phẩm. Trong khi 80% phụ nữ dưới 29 tuổi thường chi khoảng 300.000đ cho mỹ phẩm mỗi tháng thì có tới 40% phụ nữ trên 30 tuổi chi nhiều hơn con số này. Đây chính là những nguyên nhân khiến cho thị trường mỹ phẩm càng trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Dominic OH - Giám đốc INTEX - một doanh nghiệp chuyên tổ chức triển lãm về mỹ phẩm và làm đẹp đến từ Hàn Quốc đánh giá cao về tiềm năng thị trường Việt Nam. Có nhiều lý do giúp thị trường phát triển nhưng quan trọng nhất là GDP của Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức trên 6%/năm và xu hướng làm đẹp phát triển không ngừng.

Đó cũng chính là lý do để INTEX quyết định tổ chức triển lãm quốc tế về mỹ phẩm và làm đẹp Mekong Beauty Show vào tháng 6 tới. Triển lãm sẽ quy tụ hơn 200 doanh nghiệp đến từ một số nước châu Âu, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam... Trong đó, chỉ riêng Hàn Quốc đã có đến 80 doanh nghiệp tham gia.

Theo ông Dominic OH, số doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia Mekong Beauty Show chưa phải là nhiều vì hiện có 6.000 doanh nghiệp chuyên về mỹ phẩm và làm đẹp tại Hàn Quốc quan tâm và mong muốn đưa sản phẩm đến Việt Nam.

Doanh nghiệp nội khó chen chân

Theo bà Claudia Bonfiglioli - Giám đốc Quốc tế Informar Beauty, tại Việt Nam hiện có hơn 400 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm nhưng 90% thị phần thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Sau sự thâm nhâp thị trường của các thương hiệu mỹ phẩm đến từ các nước như Pháp, Ý, Nhật Bản..., vài năm trở lại đây, sản phẩm Hàn Quốc liên tiếp tràn vào Việt Nam.

Nhiều thương hiệu mỹ phẩm đến từ nước này như The Face Shop, Ohui, Laneige... đã phát triển hệ thống cửa hàng ở nhiều tỉnh - thành. Ngành làm đẹp của Hàn Quốc được xem là đi đầu tại khu vực châu Á xét trên góc độ uy tín về chất lượng cũng như quảng bá và xây dựng thương hiệu.

Trong khi đó, các thương hiệu đến từ châu Âu như Vichy, Lancome, Loreal... đã có chỗ đứng trong phân khúc cao cấp nhưng vẫn không ngừng ra mắt sản phẩm mới song song với những chương trình "o bế" khách hàng. Hằng năm, các thương hiệu này đều dành nguồn kinh phí khá lớn kết hợp với siêu thị giảm giá sản phẩm, kèm theo đó là các chương trình hướng dẫn sử dụng sản phẩm đúng cách.

Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài với nhiều hoạt động nhằm gia tăng thị phần, tìm cách đến gần hơn với người tiêu dùng thì doanh nghiệp trong nước vẫn "án binh bất động". Các thương hiệu có tên tuổi như Mỹ phẩm Sài Gòn, Thorakao, Lana, Lan Hảo hiện chỉ trụ lại ở phân khúc giá rẻ và xuất khẩu sang một số thị trường lân cận.

Theo đại diện của Mỹ phẩm Sài Gòn, kênh phân phối của Công ty chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, các chợ, và xuất khẩu (chiếm hơn 40% doanh thu) sang các nước Campuchia, Lào, Thái Lan... Điều đáng nói là đến nay, thương hiệu nước hoa của công ty này (dù được đánh giá cao tại các thị trường lân cận) nhưng vẫn chưa thể có mặt ở các trung tâm thương mại lớn trong nước.

Theo các nhà sản xuất mỹ phẩm, doanh nghiệp nội địa còn nhiều hạn chế về công nghệ, tiềm lực tài chính nên khó có khả năng cạnh tranh với sản phẩm ngoại. Bên cạnh đó, mỹ phẩm thương hiệu Việt tuy có chất lượng tốt nhưng tâm lý người tiêu dùng đã quen với sản phẩm nước ngoài nên cũng khó để chen chân trên chính "sân nhà".

Đã vậy, các doanh nghiệp nội cũng ít tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm, thương hiệu tại các triển lãm, đặc biệt là triển lãm quốc tế. Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia là để có thể cạnh tranh với hàng ngoại trên thị trường nội địa, ngoài lấy chất lượng làm mục tiêu hàng đầu, các nhà sản xuất mỹ phẩm Việt Nam cần phải không ngừng đổi mới sản phẩm và có cách kinh doanh riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường mỹ phẩm: Không có chỗ cho doanh nghiệp nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO