Sức hút từ ngành dược: "Trái nghề" cũng vào cuộc

MINH PHƯƠNG| 04/06/2018 06:38

Đang có một cơn sốt đầu tư vào ngành dược từ khâu sản xuất đến phân phối. Sự đầu tư của các doanh nghiệp ngoài ngành này liệu có đạt kết quả như kỳ vọng?

Sức hút từ ngành dược:

Tại đại hội cổ đông thường niên gần đây, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, Vinamilk sẽ hợp tác với Công ty CP Dược Hậu Giang để phát triển các loại thực phẩm chức năng nhiều chất dinh dưỡng và hợp khẩu vị với người Việt. Sự hợp tác này tỏ rõ một thế lực đáng gờm trên thị trường, vì đây là 2 công ty đầy đủ nguồn lực tài chính, hệ thống sản xuất, phân phối, đủ khả năng cạnh tranh cả với các công ty lớn trong ngành dược.

Sức hút ngành dược cũng đã lan truyền đến các công ty công nghệ, mặc dù lõi kinh doanh không liên quan gì đến ngành này cũng như sự am hiểu và kinh nghiệm hoạt động là bằng 0. Tuy nhiên có lý do để các công ty này thâm nhập ngành dược, tạo nên thách thức với các công ty lâu đời trong ngành.

Bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cho biết, FPT Retail đã mua nhà thuốc Long Châu. FPT Retail dấn thân vào lĩnh vực phân phối dược vì đây là ngành hàng rất tiềm năng, lợi nhuận cao hơn các ngành điện thoại, điện máy hay máy tính đang phải cạnh tranh khốc liệt, biên lợi nhuận ngày càng giảm.

Chia sẻ khi chọn hệ thống nhà thuộc Long Châu, bà Diệp nói: "Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy doanh thu bình quân của một cửa hàng Long Châu vào khoảng 134.000 USD/tháng, trong khi đó Phúc An Khang (nhà thuốc mà Thế Giới Di Động đang đầu tư) là 32.000 USD, hay Parmacity và Phano lần lượt có doanh thu 11.000 và 18.000 USD/tháng". Bà Diệp cũng cho biết, hiện FPT Retail đã mở được 10 cửa hàng thuốc và trong 4 năm tiếp theo, hệ thống nhà thuốc Long Châu sẽ có 100 cửa hàng/năm để đạt con số là 400 cửa hàng.

Link bài viết

Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) là nhà phân phối lớn cho các hãng điện thoại trên thế giới, doanh thu không nhỏ nhưng vẫn nhanh nhạy nắm bắt thị trường dược. Theo ông Đoàn Hồng Việt - Tổng giám đốc Digiworld, Công ty chọn thực phẩm chức năng và thuốc không kê đơn để tiếp cận ngành dược vì đây là ngành còn nhiều tiềm năng. Ở các nước phát triển, thực phẩm chức năng, thuốc không kê đơn luôn có mức doanh thu rất tốt.

Tại Việt Nam, thị trường này đang khá phân mảnh. Trong khi đó, Digiworld là nhà phân phối điện thoại nên có thế mạnh phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cần, hậu mãi nên việc kinh doanh thêm mảng dược là không khó. Vì vậy kỳ vọng 10 năm tới Digiworld sẽ trở thành nhà phân phối lớn về dược phẩm.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, trong 10 - 30 năm tới, dân số Việt Nam sẽ già hóa nhanh, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng thì nhu cầu về dược phẩm càng lớn. Nếu nhìn cách các công ty ngoài ngành tham gia vào ngành dược thì thấy trước mắt họ chỉ chọn hệ thống phân phối và các loại thuốc không cần kê toa để đầu tư là chiến lược kinh doanh khá hợp lý.

Hiện nay hệ thống phân phối chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia nên mức độ cạnh tranh còn thấp. Các công ty công nghệ, thực phẩm vốn có thế mạnh về bán hàng nên việc chuyển hóa năng lực này vào mảng dược là khá thuận lợi. Ai làm tốt thị trường, thương hiệu thì sản phẩm sẽ bán chạy. 

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco - một công ty rất mạnh về thuốc không kê đơn, kinh doanh mảng dược cũng cạnh tranh rất khốc liệt, đặc thù của thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng là phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, do vậy không được ưu tiên như kháng sinh. Khi kinh tế khó khăn, người dân có thể giãn ra, ngừng sử dụng thuốc một thời gian. Đây cũng là loại sản phẩm dễ bắt chước, chỉ cần một mặt hàng bán mạnh thì các công ty khác sẽ tung ra đúng loại đó với giá rẻ hơn để cạnh tranh.

Các công ty công nghệ, thực phẩm chỉ mới kinh doanh mảng dược vài năm nên khó có thể nói đã đạt hiệu quả hay chưa. Có thể nhìn cách Thế Giới Di Động (MWG) phải chuyển chiến lược trong ngành dược để thấy "cuộc chơi" này không hề đơn giản, mặc dù là đơn vị "phát pháo" đầu tiên.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG chia sẻ: "Trước đây Công ty mua nhà thuốc Phúc An Khang với tỷ lệ sở hữu trên 51% để nắm quyền chi phối, biến chuỗi này thành công ty con của MWG. Tuy nhiên, sau khi đánh giá rủi ro có thể gặp phải nên MWG thương lượng lại và quyết định giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 49%. Như vậy, MWG không phải là bên quyết định kế hoạch kinh doanh của chuỗi này, mà chỉ đồng hành và hỗ trợ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức hút từ ngành dược: "Trái nghề" cũng vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO