Ngành chăn nuôi: Vượt qua nỗi lo cạnh tranh

AN PHƯƠNG| 02/04/2018 06:45

Thịt gia súc, gia cầm giá rẻ từ nước ngoài đang tràn vào thị trường có nguy cơ đè bẹp ngành chăn nuôi của Việt Nam. Các doanh nghiệp nội địa muốn nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm phải tái cấu trúc từ con giống, thức ăn đến quy trình chăn nuôi, bán sản phẩm.

Ngành chăn nuôi: Vượt qua nỗi lo cạnh tranh

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, Việt Nam đã chi gần 527 triệu USD nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ nước ngoài.

Tràn ngập thịt rẻ

Chi tiết hơn, Tổng cục Hải quan cho biết, trong năm 2017, giá trị kim ngạch nhập khẩu thịt heo là 11 triệu USD, thịt gà là 75,7 triệu USD, nhiều nhất là trâu bò sống và thịt trâu bò với hơn 415 triệu USD.

Chính yếu tố giá rẻ đã thúc đẩy việc nhập khẩu các loại thịt. Chẳng hạn, mỗi kg thịt heo nhập khẩu có giá 1,2 USD, tức khoảng 27.000đ/kg. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, giá heo hơi chưa pha lóc đã là 25.000 - 26.000đ/kg.  

Tương tự, thịt bò nhập khẩu từ Úc đang được bán trên thị trường với giá bán buôn bắp bò theo thùng 20kg có giá 60.000đ/kg, giá mua nguyên thùng nạc vai bò giá 70.000đ/kg, đuôi bò 90.000đ/kg; thịt bò ba chỉ của Mỹ 120.000đ/kg. Nhưng giá lẻ đến tay người tiêu dùng thì bắp đùi bò là 200.000đ/kg, nạc vai bò 170.000đ/kg, ba chỉ bò Mỹ là 165.000đ/kg... Trong khi các loại thịt bò trong nước giá bình quân là 250.000đ/kg.

Thịt gà nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, Hàn Quốc có thời điểm giá chỉ 0,88USD/kg, tương đương 20.000đ/kg.

Link bài viết

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam phân tích, nếu bỏ qua chuyện bán phá giá thì các loại thịt nhập khẩu có giá rẻ là do xu hướng tiêu dùng của người nước ngoài đối với một số loại thịt có sự khác biệt so với người Việt Nam.

Chẳng hạn, người Mỹ chỉ ăn ức gà có giá cao, còn đùi và cánh được xem là phụ phẩm. Hoặc gà nhập từ Hàn Quốc vốn là gà đẻ trứng đã khai thác hết vòng đời, nên được bán rất rẻ. Hoặc thịt bò ba chỉ hay nạc vai là những sản phẩm không được ưa chuộng với người tiêu dùng nhiều nước phương Tây.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để có giá thành rẻ, thì ở các nước, ngành chăn nuôi và chế biến thịt gia súc, gia cầm đã là một ngành công nghiệp được chuyên môn hóa và tự động hóa rất cao. Ngành chăn nuôi được đầu tư theo chuỗi giá trị từ thức ăn đến con giống, kiểm soát tốt dịch bệnh. Tại Việt Nam, hầu hết sản phẩm đầu vào đều phải nhập khẩu, từ giống, thức ăn chăn nuôi đến thuốc thú y, khiến giá thành vật nuôi bị đẩy lên cao.

Ông Đàm Xuân Thành - Phó cục trưởng Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thịt bò Úc, Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ, 100%  mẫu đều được kiểm tra. Với thịt bò Mỹ, hiện Cục Thú y chưa phát hiện có lô hàng nào cận hay hết hạn sử dụng được nhập vào Việt Nam.

Tìm chỗ đứng

Hiện nay, thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu  vẫn chịu thuế nhưng đã gây sức ép rất lớn lên ngành chăn nuôi của Việt Nam. Sắp tới, khi thực hiện đầy đủ các FTA (hiệp định thương mại tự do) mà Việt Nam đã ký kết với các nước thì thuế suất nhập khẩu các loại thịt này sẽ về 0% thì các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước càng chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, giải pháp tốt nhất để ngành chăn nuôi Việt Nam cạnh tranh được với thịt gia súc, gia cầm nhập ngoại với giá rẻ là phải xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín từ cung cấp thức ăn, con giống, trang trại, nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối.

Chuỗi chăn nuôi khép kín có thể thấy qua cách Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đang làm. Trong ngành chăn nuôi, giá thành thức ăn chiếm tới 65 - 70%, nên ngay khi đặt chân vào Việt Nam, CP đầu tư mạnh vào sản xuất thức ăn và đánh chiếm thị phần này trước.

Sau khi có tiềm lực mạnh, CP Việt Nam xây dựng hàng loạt trại gà giống, tiếp đến là phát triển đàn gà thịt. CP Việt Nam đã xây dựng hệ thống phân phối trải rộng nhiều tỉnh, thành, bằng hình thức mở cửa hàng bán trực tiếp các sản phẩm. Nhờ thế mà doanh nghiệp này chiếm đến 40% thị phần gà công nghiệp tại Việt Nam.

Do đầu tư khép kín với quy mô lớn nên sản phẩm chăn nuôi của CP đạt được mức giá hợp lý. Cách chăn nuôi của CP chủ yếu là hợp tác gia công với các trang trại. CP hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp con giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm theo hình thức đôi bên cùng có lợi. Vì thế CP không hề e ngại thịt gà nhập khẩu.

Để cạnh tranh thắng lợi, Công ty TNHH Bel Gà, Công ty TNHH De Heus và Công ty TNHH San Hà đã bắt tay nhau tạo thành chuỗi chăn nuôi gà công nghiệp khép kín từ con giống đến tiêu thụ sản phẩm.

Trong chuỗi liên kết, mỗi doanh nghiêp đảm nhận các công đoạn theo thế mạnh riêng, như De Heus cung cấp thức ăn, Bel Gà chịu trách nhiệm cung cấp con giống chất lượng cao cho các trang trại, San Hà tiêu thụ toàn bộ số lượng gà chăn nuôi. Cách làm này đã đảm bảo gà công nghiệp có mức giá thành hợp lý, cạnh tranh sòng phẳng với gà nhập khẩu.

Mặc dù thịt heo ngoại giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam nhưng Vissan vẫn phát triển tốt. Nguyên nhân là doanh nghiệp này khép kín chuỗi liên kết từ vùng nuôi đến tiêu thụ, kiểm soát tốt chất lượng, chi phí, từ đó giảm giá thành. Kết quả là trong năm 2017, Vissan đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 3.878 tỷ đồng và 130 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành chăn nuôi: Vượt qua nỗi lo cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO