Kinh tế Việt Nam: Được, mất trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

NHÓM PHÓNG VIÊN| 19/07/2018 03:34

Do là một phần trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lại thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nên khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động. Còn việc tác động tiêu cực hay tích cực còn tùy thuộc vào từng khu vực.

Kinh tế Việt Nam: Được, mất trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Ngành thép Việt Nam đang chịu những nghi ngờ từ Mỹ. Ảnh: Hoàng Dũng

Mỹ và Trung Quốc là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nói như nhận định của ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương, do Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lại thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nên sẽ chịu nhiều tác động. Còn việc tác động tiêu cực hay tích cực còn tùy thuộc vào từng khu vực.

Về lý thuyết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là chuyện giữa 2 nước. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo, nếu cuộc chiến này kéo dài sẽ lan ra toàn cầu.

Từ trước tới nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đậu tương rất lớn của Mỹ, với kim ngạch khoảng 14 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc cũng là điểm đến thứ hai đối với thịt lợn của Mỹ, với kim ngạch khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2017. Nhưng nay, trong cuộc chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách đánh thuế bổ sung 25% vào 2 loại sản phẩm này và nhiều sản phẩm khác, nên giới phân tích dự báo, nông sản của Mỹ vào Trung Quốc có thể giảm một nửa.

Link bài viết

Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), năm ngoái, thâm hụt thương mại mà Mỹ có với Trung Quốc đã lên tới hơn 300 tỷ USD. Tính ra, Mỹ đã là điểm đến của gần 19% lượng hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài của Trung Quốc.

Với thực tế này, chiến tranh thương mại nổ ra, theo ước đoán của VEPR, Trung Quốc sẽ là bên chịu thiệt hại nặng nề hơn. Dự báo, với việc trả đũa thương mại lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc thì 2 nước này sẽ đưa hàng hóa vào những thị trường khác, kể cả Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá "điều này sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh cho thị trường nội địa".

Chẳng hạn, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 5 năm nay, lượng thịt nhập từ Mỹ vào Việt Nam đã tăng gần gấp rưỡi tháng trước đó, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các thị trường nhập khẩu thịt vào Việt Nam, với khoảng 37%, tương đương 11.000 tấn và đạt trị giá hơn 13 triệu USD. Hay ngành may mặc, Việt Nam lo ngại hàng Trung Quốc sẽ tăng cường vào Việt Nam.

Hoặc việc thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất sang Việt Nam khi không vào được thị trường Mỹ cũng là điều đáng bàn. Bởi, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong số 10 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất năm 2017 của Việt Nam có sắt thép các loại. Cụ thể, năm ngoái, giá trị sắt thép nhập khẩu đạt 9,01 tỷ USD (năm 2016 là 8,05 tỷ USD), trong đó, sắt thép Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 6,08 tỷ USD.

BD-2638-1531798818.jpg

Song, đáng lo hơn là tình trạng hàng hóa Trung Quốc khi vào Việt Nam sẽ có thể tìm cách "đội lốt" hàng Việt Nam để xuất vào Mỹ. Thực tế, ngành thép Việt Nam đang chịu những nghi ngờ từ Mỹ. Ngày 21/5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã tiến hành điều tra và sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội (cold-rolled steel) sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền (substrate) có xuất xứ Trung Quốc.

Mỹ cũng đánh thuế chống bán phá giá 199,43% và thuế chống trợ cấp 39,05% đối với thép chống gỉ (corrosion-resistant steel) và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng (hot-rolled steel) do Trung Quốc sản xuất. Theo ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, đây là một trong những tác động tiêu cực cho kinh tế Việt Nam khi có thể bị Mỹ và đồng minh xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc.

Mối lo khác đối với Việt Nam còn ở thị trường xuất khẩu. Bởi xảy ra chiến tranh thương mại, cả Mỹ lẫn Trung Quốc sẽ tìm cách giảm nhập khẩu. Ví dụ, cuối tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố sẽ áp dụng thuế nhập khẩu thép 25% đối với các nước vốn là đồng minh thân cận bao gồm EU, Mexico và Canada, trong khi trước đó 2 tháng đã tuyên bố loại trừ thuế nhập khẩu thép dành cho các quốc gia này. Hay ngày 19/7, Bộ Thương mại Mỹ sẽ bắt đầu xem xét đánh thuế vào xe hơi nhập vào Mỹ.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, nếu Mỹ mở rộng quy mô bảo hộ sản xuất và hạn chế nhập khẩu thì Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. Bởi theo Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương), một thập kỷ qua, Mỹ luôn là thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam.

Việt Nam là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ. Năm 2017, thặng dư trao đổi thương mại với Mỹ của Việt Nam đạt trên 32,4 tỷ USD.

Tương tự, nếu Trung Quốc siết nhập khẩu, đường đi của hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn. Năm ngoái, dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, Trung Quốc đã thay thế Mỹ để giữ vị trí số 1 về tiêu thụ hàng hóa Việt Nam. Cụ thể, năm 2017, thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã đạt 93,69 tỷ USD, dự báo cả năm 2018 sẽ chạm mốc 100 tỷ USD.

Xét riêng từng ngành nghề, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất nhì rau quả, lúa gạo, thủy sản của Việt Nam. Chẳng hạn, trong 2 tỷ USD xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm nay, có đến 75% là tiêu thụ ở Trung Quốc. Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, đạt 410 triệu USD, tăng 34,8% và chiếm đến 23% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này.

Việt Nam muốn tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, các DN cần đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu các sản phẩm cao cấp...

Việt Nam muốn tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu các sản phẩm cao cấp

Trung Quốc vượt qua Mỹ về tiêu thụ cá tra Việt Nam chủ yếu vì những rào cản mà Mỹ đặt ra từ trước đó. Chẳng hạn, thuế chống bán phá giá và Đạo luật Farm Bill là 2 áp lực khiến cho hàng loạt công ty xuất khẩu cá tra của Việt Nam phải ngừng kinh doanh. Hiện tại, trong mảng này, chỉ còn một vài cái tên như Vĩnh Hoàn, Biển Đông là trụ vững, vẫn nỗ lực để duy trì vị thế 90% thị phần cá tra tại Mỹ.

Sắp tới, Việt Nam muốn tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại để chiếm 10% thị phần hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, các công ty cần đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu các sản phẩm cấp cao, giá trị gia tăng nhiều hơn. Bởi đây là phân khúc tấn công của Trung Quốc vào Mỹ, với giá bán thường cao hơn gấp đôi giá sản phẩm của Việt Nam.

Nhìn rộng hơn, hàng hóa Việt Nam khó lòng thế hàng Trung Quốc tại Mỹ. Như đánh giá của ông Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), do sản phẩm Trung Quốc bị đánh thuế cao không phải như sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Tương tự, hàng Việt Nam cũng ít có khả năng đạt các điều kiện sản xuất tương tự để thay thế hàng Mỹ ở Trung Quốc. Trong khi dưới tác động của chiến tranh thương mại, tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu dự báo sẽ giảm, kéo theo nhu cầu mua hàng sụt giảm. "Dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 0,3 điểm % vào năm 2019 và thậm chí còn giảm mạnh hơn trong các năm 2021 - 2023", ông Thắng nhận định.

Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng không chỉ liên quan đến thuế mà còn là bản quyền công nghệ, chính sách đầu tư, tiền tệ, tín dụng khi chiến tranh thương mại lan rộng. Riêng đối với Việt Nam, thách thức còn đến từ cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá da trơn của Mỹ, kiểm tra ngặt nghèo lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản Việt Nam; yêu cầu đánh bắt thủy sản hợp pháp và sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp của EC.

Theo ông Trần Toàn Thắng, cách ứng phó kịp thời cũng như nắm bắt cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là Chính phủ phải cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của Mỹ, Trung Quốc cũng như tỷ giá của đồng đô la Mỹ (USD) và nhân dân tệ (CNY).

ong-Phan-Minh-Thong-9165-1531798819.jpg

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Corp: Doanh nghiệp phải tăng lượng hàng chế biến thay vì xuất khẩu thô

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trước hết, thị trường chứng khoán giảm điểm, thị trường hàng hóa trên thế giới cũng cùng chung cảnh ngộ. Theo đó, giá nhiều loại nông sản, nhất là cà phê, hạt tiêu giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam.

Việc đồng CNY liên tục giảm so với USD đẩy hàng hóa nước họ sang những thị trường khác (ngoài Mỹ), trong đó có Việt Nam, sẽ càng làm lệch cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo Bộ Tài chính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam từ năm 2013 đến hết quý I/2018 là 362 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc là hơn 250 tỷ USD, bằng gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn trên là 100 tỷ USD, chỉ chiếm 29% kim ngạch song phương 2 nước. Qua gần 6 năm, quan hệ thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã mất cân xứng, Việt Nam thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc, khoảng 150 tỷ USD, bình quân khoảng 25 tỷ USD/năm.

Mặt khác, khi hàng hóa Trung Quốc thâm nhập vào thị trường nước khác sẽ kéo giá xuất khẩu xuống, tạo nên cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, khiến giá giảm, ngoại tệ thu về ít hơn và như thế sẽ khan hiếm USD. Giá CNY xuống thấp, buộc Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá phù hợp, nếu không thì sẽ thâm hụt ngoại hối.

Xu hướng bảo hộ thương mại đang trở nên phổ biến trên thế giới, để đảm bảo xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, tăng lượng hàng chế biến giá trị cao thay vì xuất khẩu thô.

ong-Do-Duy-Thai-6266-1531798819.jpg

Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Thép Việt Pomina: Không đến mức phải bi quan

Nếu nhìn ở góc độ lạc quan cùng các giải pháp dài hạn, tôi cho rằng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn có cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể là hiện nay, sản lượng thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ mới đạt 10% tổng sản lượng ngành thép sản xuất được, quá nhỏ so với sức tiêu thụ của thị trường Mỹ.

Vì thế, trước tình trạng thương chiến Mỹ - Trung, vấn đề quan trọng là Nhà nước phải kịp thời điều tiết, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp sản xuất nhẹ gánh bớt các khoản chi phí không tên. Tôi muốn nói đến việc doanh nghiệp đang gặp áp lực về chi phí từ nguyên liệu đến đầu ra thành phẩm, đã góp phần đẩy giá thành sản phẩm lên cao, thành ra khó cạnh tranh với hàng hóa các nước, chứ không phải năng lực của doanh nghiệp Việt Nam thua kém.

Sắt, thép của Trung Quốc tràn vào Việt Nam đã lâu, doanh nghiệp Việt Nam vẫn quen đối mặt trước nay, nên gần như không còn quá áp lực. Đáng lưu ý là thời gian tới, thị trường và nền kinh tế diễn tiến như thế nào sẽ phụ thuộc vào sự can thiệp và điều tiết từ Chính phủ.

Chính phủ cần tuyệt nhiên không để các nhà đầu tư Trung Quốc đặt nhà máy, hoặc chọn Việt Nam là quốc gia trung chuyển để đưa hàng hóa của họ sang thị trường Mỹ, vì như vậy sẽ rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vì thị trường Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của Việt Nam.

Và đây là nền tảng để doanh nghiệp trong nước hoàn thiện sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo những giá trị thặng dư cao hơn, từng bước mở rộng sang các thị trường lớn với yêu cầu kỹ thuật cao, chứ không phải cứ mãi xuất khẩu hàng thô, xuất khẩu hàng tươi như vẫn đang làm với thị trường Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam: Được, mất trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO