Không TPP, doanh nghiệp Việt xoay chuyển thế nào?

NHÓM PHÓNG VIÊN thực hiện| 16/02/2017 08:32

Động thái rút khỏi TPP của Mỹ đã có sự tác động nhất định đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Không TPP, doanh nghiệp Việt xoay chuyển thế nào?

Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau 5 năm đàm phán và ký kết.Chưa biết 11 thành viên còn lại của TPP (Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore) sẽ phải lựa chọn đàm phán thêm về một TPP không có Mỹ hay hiệp định này sẽ đổ vỡ, nhưng động thái của Mỹ đã có sự tác động nhất định đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Đọc E-paper

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit: Không đầu tư lớn và thận trọng hơn

TPP không được ký kết, theo tôi đó là một bất lợi cho DN Việt Nam, bởi TPP tháo gỡ các hàng rào thuế quan và khi hàng rào này không được xoá, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thua thiệt so với các nước có thuế suất thấp và một số quốc gia có cự ly gần hơn. Hiện tại, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu hơn so với các quốc gia khác là do chúng ta bị áp thuế suất cao và nhiều hàng rào thuế quan khác.

Tuy nhiên, DN Việt Nam cũng vẫn còn hy vọng vào hiệp định hợp tác song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Nếu hiệp định này được ký kết, hàng rào thuế quan tiếp tục được tháo gỡ, khi đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Hai năm qua, để chuẩn bị cho TPP, Vinamit đã gia nhập rất nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu và đã quay trở lại thị trường Mỹ. Chúng tôi không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của Vinamit sang thị trường này mà còn nhập nhiều mặt hàng khác từ Mỹ vào Việt Nam.

Mặc dù thuế suất của Mỹ hiện nay đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam còn cao nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận đầu tư, mở thị trường, xây dựng thương hiệu, đội ngũ nhân sự, mở rộng khách hàng, đối tác, văn phòng và hệ thống phân phối tại thị trường Mỹ để đón đầu TPP với hy vọng khi thuế suất giảm, cơ hội và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt nói chung và Vinamit nói riêng sẽ rất lớn. Ước tính kinh phí cho chiến lược đầu tư này chiếm khoảng 10% doanh thu 2 năm 2015 - 2016 của Vinamit.

Một trong những việc chuẩn bị mang tính bền vững, cam kết cao và cũng là "vũ khí” mới, giấy thông hành của Vinamit để thực hiện chiến lược trở lại thị trường Mỹ, đó là đầu tư vào dây chuyền canh tác, sản xuất, chế biến và đóng gói theo chuẩn organic. Cuối tháng 12/2016, Vinamit đã nhận chứng chỉ này theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ và Liên minh châu Âu.

Ngay sau đó, Vinamit đã được các đối tác, siêu thị tại Mỹ đặt hàng, có đơn hàng lên tới 30 tấn/tháng. Mục tiêu của Vinamit là sau 5 năm sẽ cắm rễ thật sâu ở thị trường này. Và không chỉ ở Mỹ, cả thế giới cũng đang mở toang cửa để đón sản phẩm organic - cơ hội rất lớn nên chúng tôi rất hào hứng.

>>Sắc lệnh rút khỏi TPP của ông Trump "mang tính biểu tượng"

Với những kế hoạch đầu tư đã triển khai, trong trường hợp TPP không được ký kết, mặc dù sự hào hứng của Vinamit không còn mãnh liệt như lúc đầu và nhiều khách hàng đang kỳ vọng sẽ mua được hàng của Vinamit với giá rẻ hơn các nước khác mà họ đang mua cũng đã lắng xuống nhưng Vinamit vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược đã đề ra. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đầu tư lớn như kế hoạch và thận trọng hơn.

Bởi, với chính sách phát triển kinh tế dựa trên lợi ích của nước Mỹ mà đương kim Tổng thống Mỹ đưa ra thì các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài sẽ không được ưu tiên. Nếu chính sách này rõ nét, Vinamit sẽ phải xoay trục đầu tư, thay vì nhập khẩu thì chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy sản xuất, đóng gói tại Mỹ để hưởng ưu đãi.

Ông Chung Văn Đạt - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TM-DV-SX Tân Châu: Có nhiều thời gian hơn để "lớn"

Là công ty cung ứng hóa chất, thuốc nhuộm cho ngành dệt nhuộm, in hoa và ngành giặt mài (wash), lĩnh vực kinh doanh của Tân Châu chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ ngành dệt may Việt Nam. Vì vậy, chuẩn bị cho TPP, ngay từ cuối năm 2014, Công ty Tân Châu đã xây dựng chiến lược kinh doanh với kinh phí đầu tư hơn 3,5 triệu USD.

Chiến lược gồm 3 giai đoạn, trong đó, chúng tôi đã chi hơn 300.000 USD trong giai đoạn một để đầu tư công nghệ mới và đã hoàn thành. Giai đoạn hai và ba là mở rộng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền theo quy mô hiện đại và đa dạng sản phẩm mới.

Nếu TPP thành hiện thực, thách thức sẽ rất lớn vì các doanh nghiệp sẽ bị canh tranh gay gắt hơn. Với các doanh nghiệp lớn có đủ nguồn lực, có sự chuẩn bị cho TPP thì cơ hội sẽ nhiều hơn. Cụ thể là các đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng đột biến, kéo theo doanh thu cũng tăng khả quan. Song, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có điều kiện chuẩn bị để đón TPP, chắc chắn sẽ khó khăn.

Đơn cử là hiện nay rất nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt nhuộm gặp khó khăn về vấn đề môi trường, chi phí trong các khu công nghiệp và xây dựng hệ thống xử lý nước thải rất cao nên hưởng lợi rất ít khi TPP được ký kết. Vậy nên, trong trường hợp TPP chưa được ký kết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều thời gian hơn để "lớn" và chuẩn bị.

Về phía Tân Châu, chúng tôi cũng ít nhiều bị ảnh hưởng vì đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may không tăng đột biến như dự kiến nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đón đầu công nghệ và xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm nhằm giảm giá thành để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, việc đầu tư nhà xưởng trong giai đoạn hai và ba sẽ tạm dừng.

Hiện nay, do cơ chế và chi phí cao nên một số nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang đầu tư ở Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Indonesia... Đây là thiệt hại cho ngành dệt nhuộm và hóa chất Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bà Nguyễn Hồng Trang - TGĐ SonKim Fashion: Thách thức bảo hộ mậu dịch chỉ là nhất thời

Năm 2016 là năm đầu tiên xuất khẩu dệt may của Việt Nam không đạt mục tiêu đề ra cũng như mức tăng trưởng hai con số như những năm trước đó. Nguyên nhân là do các nền kinh tế đều tăng trưởng chậm lại trong nhiều năm nay. Ngoài ra, với đặc tính gia công chiếm phần lớn, ngành dệt may trong nước năm qua đứng trước thử thách từ đơn hàng cho đến thu hút đầu tư.

Cụ thể, đơn hàng giảm sút do sự cạnh tranh từ những thị trường có giá nhân công rẻ hơn như Bangladesh, Campuchia...Thêm nữa, dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này (dự án sản xuất nguyên phụ liệu, thành phẩm...) chững lại kể từ khi Mỹ - một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam, có tổng thống mới và đi kèm theo đó là tuyên bố không tiếp tục tham gia TPP.

Đầu năm 2017, kinh tế thế giới diễn biến khá phức tạp, không chỉ Mỹ mà một số quốc gia trong khối EU cũng ra những tuyên bố quay lại thị trường nội địa, đề cao "chủ nghĩa bảo hộ” cho thương mại, đầu tư trong nước. Điều này dự báo sẽ tiếp tục gây khó cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam, bởi bảo hộ mậu dịch thường gắn với các chính sách như áp đặt quota nhập khẩu, tăng các quy định nhập khẩu, tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ các nước...

Với những thử thách mới này,nhiều câu hỏi đặt ra là liệu rằng các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có quay về phát triển thị trường nội địa? Nhìn sang Trung Quốc, hơn 3 năm nay, hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này, cụ thể là dệt may cũng đối mặt với tình trạng giảm sút đơn đặt hàng từ các nền kinh tế lớn và chính sách bảo hộ mậu dịch của một số nước, nhưng thực tế, ngành dệt may của họ đã phát triển lớn mạnh từ nhiều năm qua.

Họ chủ động từ khâu sản xuất nguyên phụ liệu, mẫu mã cho đến sản xuất thành phẩm. Đồng thời, với ưu thế về dân số, chiếm 1/5 của thế giới nên dù vấp phải khó khăn từ thị trường bên ngoài thì ngay ở nội địa, họ cũng sở hữu một thị trường khá lớn với thu nhập và sức mua của người dân đang ngày một tăng. Còn Việt Nam thì sao?

Việc doanh nghiệp xuất khẩu dệt may quay về thị trường nội địa, theo tôi không phải là giải pháp tối ưu để ứng phó với các chính sách bảo hộ mậu dịch từ 2 trong số 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất (gồm Mỹ, EU và Nhật Bản), bởi đến nay, sức mua trong nước đối với ngành may mặc, thời trang chưa đủ lớn so với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. Hơn nữa, do không chủ động được nguyên phụ liệu nên giá thành của sản phẩm khó cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Vấn đề hiện nay là chúng ta phải có quy hoạch rõ ràng, chính sách thiết thực về vốn, đất đai, nhân lực...để khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất, phát triển vùng nguyên phụ liệu... nhằm kéo giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính doanh nghiệp nội.

Ngoài ra, theo tôi, chính sách bảo hộ mậu dịch từ một số thị trường chỉ là giải pháp ngắn hạn để giải quyết các vấn đề vĩ mô trong nội tại quốc gia đó. Còn về lâu dài, tự do thương mại vẫn là xu hướng mà các nền kinh tế trên thế giới đều hướng đến. Do đó,những thử thách từ bên ngoài chỉ mang tính thời điểm với ngành dệt may xuất khẩu.

Ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn): Chủ động ứng phó với bất cập của thị trường

Năm 2016, khi cuộc bầu cử ở Mỹ diễn ra, chúng tôi đánh giá TPP khó có thể trở thành hiện thực trong thời gian gần. Vì vậy, chúng tôi đặt mình sống trong tinh thần không có TPP. Mà thật sự nếu có TPP thì cũng chỉ là động lực thúc đẩy phát triển chứ không phải "có thì sống, không có thì chết".

Đôi khi không có TPP cũng có những thuận lợi nhất định vì DN Việt Nam không hưởng thụ nhiều từ TPP mà chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, trong cơ cấu doanh thu hơn 20 tỷ USD thì 70% thuộc về doanh nghiệp FDI. Còn khối doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 30%, mà trong 30% của doanh nghiệp Việt Nam thì đến 80% là làm gia công.

Đón đầu TPP, ba, bốn năm qua, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư 3 - 4 tỷ USD để đầu tư khép kín từ bông sợi cho đến thành phẩm. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước yếu về tài chính, không chủ động được đầu ra nên khó có khả năng cạnh tranh. Hơn nữa, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không phát triển, vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu FOB như Garmex Sài Gòn phải mua nguyên vật liệu từ các nước khác.

TPP có tạo cơ hội thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vì khi được miễn giảm thuế thì đối tác nước ngoài mua sản phẩm của mình nhiều hơn nhưng nếu không có, chúng tôi vẫn hoạt động như thời gian qua. Nghĩa là những khách hàng truyền thống vẫn đang đặt hàng tốt.

Năm 2016, thị trường xuất khẩu của Công ty gồm Mỹ với trên 50%, châu Âu trên 30%, số còn lại là các thị trường Nhật, Úc... Chủ trương của chúng tôi trong năm nay là củng cố quan hệ với các khách hàng truyền thống và tiếp tục xúc tiến những khách hàng, thị trường mới để sẵn sàng, chủ động ứng phó với những bất cập của thị trường toàn cầu.

Với chính sách mới mà Tổng thống Donald Trump đưa ra, Mỹ khó có thể bảo hộ được ngành dệt may vì đây là một ngành thâm dụng lao động. Tại thị trường Mỹ, giá lao động thấp nhất cũng 8 USD/giờ. Như vậy, mỗi ngày phải trả cho một công nhân là 120 USD, mỗi tháng là gần 3.000 USD, trong khi ở Việt Nam chỉ phải trả từ 200 - 300 USD. Hơn nữa, lâu rồi Mỹ không sản xuất và ngành may đòi hỏi có kỹ năng từ tổ chức quản lý sản xuất cho đến thao tác của người lao động.

Vì thế, tôi cho rằng, dù cho có chính sách bảo hộ thì ngành may Mỹ cũng khó đáp ứng được thị trường. Còn nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Trung Quốc thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Điều chúng tôi lo ngại là sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar... Tại những nước này, tiền lương công nhân chỉ từ 100 -150 USD/tháng, bằng phân nửa tại Việt Nam. Phí bảo hiểm, y tế của họ chỉ mười mấy phần trăm trong khi mình hơn 22%.

>>Không TPP, kinh tế Việt Nam "hồng" hay "xám"?

Chi phí đầu vào của Việt Nam cũng cao hơn. Hiện nay, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp tại Campuchia, Myanmar mỗi lúc mỗi lớn mà đa phần do Trung Quốc đầu tư. Đó là chưa kể họ hưởng chế độ ưu đãi thuế quan từ Mỹ và châu Âu (thuế nhập khẩu 0%) trong khi mình mới ký Hiệp định mà chưa được sự thông qua chính thức của châu Âu.

Xác định 2017 sẽ là năm khó khăn, vì thế, chúng tôi tăng cường mọi nguồn lực để phát triển kỹ thuật cho các sản phẩm phức tạp đồng thời với việc cải tiến tổ chức sản xuất để năng cao năng suất lao động, chuyển từ thâm dụng lao động chuyển qua thâm dụng đầu tư (về tài chính, chất xám, cải tiến mô hình quản lý, thiết bị...). Khi năng suất lao động tăng cao thì tính cạnh tranh sẽ được nâng lên.

Năm 2016, doanh thu của Công ty đạt 1.620 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 70 tỷ đồng. Theo chiến lược chung đến năm 2018, Công ty phải đạt 3.000 tỷ đồng doanh thu, gần gấp đôi năm 2016. Để đạt được điều này, Garmex Sài Gòn phải tăng cường công tác xúc tiến. Chúng tôi có một chi nhánh bên Mỹ và sẽ phát triển hệ thống, dịch vụ tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không TPP, doanh nghiệp Việt xoay chuyển thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO