Giai đoạn 2021-2030: Chuyển dịch xuất khẩu hàng hóa theo chiều sâu

HT| 21/04/2022 06:00

Bên cạnh việc duy trì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ở mức bình quân 6-7%/năm, mục tiêu của hoạt động xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030 là chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đa dạng hóa thị trường, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Giai đoạn 2021-2030: Chuyển dịch xuất khẩu hàng hóa theo chiều sâu

Tại Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký kết, mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm trong thời kỳ 2021-2030.

Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 5-6%/năm. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7-8%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 4-5%/năm. Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021-2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026-2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.

Đối với các mặt hàng cụ thể, phấn đấu tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

Về định hướng xuất khẩu hàng hóa, phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Link bài viết

Bên cạnh việc duy trì kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, chiến lược cũng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Định hướng này cũng được đặt ra với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản khi phấn đấu tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường; chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường nước ngoài. Chiến lược cũng chỉ rõ không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Giai đoạn 2021-2025, nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt; nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng thâm dụng lao động và có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày, điện tử, các sản phẩm công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình.

Giai đoạn 2026-2030, phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Về định hướng nhập khẩu hàng hóa, chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát việc nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu, kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến từ các nước có nền công nghiệp phát triển, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiếp thu thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu và thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu.

Về định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... Đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Mỹ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh... hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ thấp, công nghệ trung gian, tăng tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.

Theo Bộ Công Thương, trong quý đầu tiên của năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 177 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại thặng dư với con số xuất siêu 1,46 tỷ USD. Hết tháng 3/2022, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, kim ngạch của doanh nghiệp FDI đạt gần 65,4 tỷ USD, tăng 10,6%. Có 14 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD, trong đó hai nhóm đạt hơn 10 tỷ USD.

Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 có thể đạt trên 700 tỷ USD - một mốc kỷ lục mới. Giai đoạn tới, các chính sách quản lý sẽ giúp đưa hoạt động xuất nhập khẩu đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA đã được ký kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giai đoạn 2021-2030: Chuyển dịch xuất khẩu hàng hóa theo chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO