Đồng euro mất giá, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

HT| 15/07/2022 06:00

Với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Trong khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) chi phí rẻ hơn nên nhập khẩu có lợi hơn.

Đồng euro mất giá, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

Đồng euro của châu Âu vừa trải qua một “cú sốc lớn” khi tỷ giá của nó lần đầu tiên trong vòng 20 năm giảm xuống mức ngang bằng với đồng USD. Thậm chí, các nhà giao dịch tiền tệ cho rằng sự trượt giá này khó có thể dừng lại ở mức hiện tại. Một trong những nguyên nhân khiến đồng euro mất giá là do giá khí đốt tăng mạnh và sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung năng lượng từ Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, gây ra lo ngại suy thoái trong khu vực đồng euro (Eurozone). 

Liên quan đến việc đồng euro mất giá nhiều nhất trong 20 năm gần đây sẽ ảnh hưởng ra sao tới xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong ngắn hạn, việc đồng euro mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp có hợp đồng thanh toán bằng đồng euro. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU chi phí sẽ rẻ hơn nên việc nhập khẩu sẽ có lợi hơn.

Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam.

Link bài viết

Những khó khăn, thách thức này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định từ đầu năm khi đánh giá về cơ hội và thách thức đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đặc biệt là thúc đẩy tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đang tiếp tục được giảm thuế theo lộ trình cam kết.

Mặt khác, Bộ Công Thương còn thực hiện kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, ứng dụng môi trường Internet; phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, với một số doanh nghiệp, ngành hàng, việc đồng euro giảm giá có thể sẽ không tác động nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của họ. Tuy nhiên, nhận định chung, giá sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu ở nhiều ngành hàng khác có thể trở nên cao hơn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam ở thị trường này. Những tác động này có thể chưa bộc lộ rõ ràng ngay tại thời điểm này nhưng khi giá cả tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua của thị trường này.

Dù dệt may và da giày của Việt Nam được xem là những ngành hàng có tỷ lệ xuất khẩu lớn vào thị trường châu Âu, nhưng theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc đồng euro mất giá không tác động nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giày xuất nhập khẩu sang thị trường châu Âu nhưng chủ yếu giao dịch bằng đồng USD. Do vậy, việc đồng euro mất giá không có quá nhiều ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngành này.

Ngày 13/7/2022, tỷ giá đồng euro so với đồng USD lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1 kể từ cuối năm 2002. Cụ thể, đồng euro đã có thời điểm giảm xuống mức 0,9998 USD đổi 1 euro. Nhưng sau đó, đồng euro đã nhanh chóng phục hồi về mức 1,0061 USD đổi 1 euro. Đồng tiền này được cho là có ngưỡng hỗ trợ ở vùng ngang giá với đồng USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồng euro mất giá, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ảnh hưởng ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO