5 nhiệm vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022

HT| 22/01/2022 06:30

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã được Bộ Công Thương chỉ đạo về những nhiệm vụ công tác xuất nhập khẩu cần triển khai thực hiện trong năm 2022.

5 nhiệm vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022

Năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19%. Cán cân thương mại có xuất siêu 4,1 tỷ USD.

Đây là những kết quả rất ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, trong bối cảnh nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã làm tốt công tác tham mưu nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông luồng hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

Tuy nhiên, xuất nhập khẩu vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững. Quy mô xuất khẩu tăng cao nhưng giá trị gia tăng còn thấp; nhiều ngành hàng còn xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và phải nhập khẩu thành phẩm đã qua chế biến. Tỷ trọng của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng xuất khẩu còn thấp. Trong cơ cấu xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu đất liền thì hình thức trao đổi thương mại biên giới còn chiếm tỷ trọng cao, dẫn đến ùn tắc cục bộ.

Năm 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng rõ nét, nhiều nước tập trung phát triển sản xuất, thương mại nội địa. Xung đột thương mại vẫn là nguy cơ trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, năm 2022, Bộ Công Thương đã đề nghị Cục Xuất nhập khẩu lưu ý một số nội dung:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt các quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nắm chắc diễn biến kinh tế thế giới, cập nhật chính sách xuất nhập khẩu của các quốc gia. Qua đó, cần tham mưu các cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước. Cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà cần gắn xuất nhập khẩu với phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Thứ hai, cần chủ động trong tham vấn chính sách, phát hiện và đề xuất kịp thời các giải pháp cho các vấn đề nóng, các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục đảm bảo việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản nội luật hóa các cam kết quốc tế có tiến độ và chất lượng. Trong công tác tham mưu cần chú trọng tính kịp thời, tính dự báo, tăng chất lượng tham mưu, đưa ra các giải pháp khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu.

Thứ ba, trong quá trình thực thi chính sách, cần phối hợp với các địa phương để tham mưu điều chỉnh chiến lược ngành hàng, lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh của địa phương để đưa vào kế hoạch phát triển thương mại và công nghiệp, quy hoạch kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ tư, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các cam kết quốc tế; thông tin cho doanh nghiệp về những cơ hội thị trường, phương hướng chung là hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh, đủ sức hội nhập với khu vực và thế giới.

Thứ năm, cần phối hợp với các đơn vị của các bộ, ngành, các địa phương và các cục, vụ của Bộ Công Thương, các Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để trao đổi, thúc đẩy hoạt động sản xuất theo tín hiệu của thị trường, sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, quy định để xuất khẩu vào các thị trường lớn, thị trường đối tác FTA.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 nhiệm vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO