Doanh nghiệp Việt chen chân vào thị trường logistics

THIÊN YẾT| 28/07/2017 08:38

Sự bùng nổ của thương mại điện tử, tiêu dùng tăng, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á đã làm ngành logistics phát triển.

Doanh nghiệp Việt chen chân vào thị trường logistics

Việt Nam đang hội đủ những điều kiện tốt nhất để dịch vụ logistics phát triển.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử, tiêu dùng tăng, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á đã làm ngành logistics phát triển. Liệu doanh nghiệp (DN) logistics trong nước có tận dụng được cơ hội ấy để giành thị phần vốn đã bị các DN logistics nước ngoài chi phối đến 80%? 

Báo cáo thường niên 2016 của Công ty CP Gemadept (GMD) - một trong số ít DN lớn trong nước khai thác cảng và dịch vụ logistics, nhìn nhận, điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh của Công ty năm qua chính là sự tăng trưởng về quy mô và hiệu quả hoạt động trong bối cảnh sôi động của thị trường logistics. Năm 2016, Gemadept đã đầu tư mở rộng và đưa vào sử dụng hệ thống kho vận, trung tâm phân phối để đón đầu nhu cầu của khách hàng.

Cụ thể, tháng 10/2016, trung tâm phân phối hàng lạnh lớn nhất cả nước - Mekong Logistics (KCN Sông Hậu, huyện Châu Thành, Hậu Giang) do Gemadept cùng đối tác là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú triển khai đã đưa vào vận hành giai đoạn 1 với sức chứa 10.464 pallet/50.000 pallet. Theo kế hoạch, trung tâm này sẽ hoàn thiện toàn bộ trong năm nay.

Công trình được đánh giá là kịp thời đáp ứng nhu cầu lưu trữ thủy hải sản xuất nhập khẩu lẫn mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang gia tăng nhanh chóng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, Trung tâm KLine Gemadept Logistics với chức năng PDI (hoàn thiện xe ô tô trước khi giao hàng) phục vụ khách hàng xuất nhập khẩu ô tô cũng đã đi vào hoạt động.

Sự phát triển của ngành logistics tại Gemadept được phản ánh qua kết quả kinh doanh năm 2016. Trong khi ngành vận tải biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, năm 2016, dịch vụ logistics đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của Gemadept, thể hiện mức tăng trưởng liên tục qua các năm.

Cụ thể, năm 2014, doanh thu thuần của mảng dịch vụ logistics đạt 1.875 tỷ đồng trong tổng doanh thu 3.013 tỷ đồng thì năm sau đạt 1.893 tỷ (tổng doanh thu 3.586 tỷ đồng) và năm 2016 đạt 2.116 tỷ đồng (tổng doanh thu 3.742 tỷ đồng).

Bốc dỡ hàng

Từ năm 2014, tỷ trọng doanh thu của mảng logistics luôn chiếm trên 50% tổng doanh thu của Gemadept. Điển hình như năm vừa rồi, tỷ trọng doanh thu mảng khai thác cảng chiếm 43%, trong khi mảng logistics là 57%. Năm 2016 doanh thu mảng này đạt 2.116 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015 và lợi nhuận gộp 329 tỷ đồng.

Liên quan đến sự tăng trưởng của ngành, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang đứng thứ 64/160 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Với tốc độ phát triển hằng năm đạt từ 16 - 20%, logistics là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

Đầu tháng 7 này, Regina Lim - Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường vốn của Jones Lang Lassale (JLL) đánh giá ASEAN đã sẵn sàng cho sự bùng nổ ngành logistics. Theo đó, thị trường khu vực đang hội đủ những điều kiện tốt nhất kích thích dịch vụ logistics phát triển. JLL phân tích, quy mô thị trường của Đông Nam Á và tiềm năng ngành tiêu dùng tại đây là không thể bỏ sót.

Đến năm 2050, khu vực ASEAN sẽ có quy mô tương đương với châu Âu, trở thành khu kinh tế lớn thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, trong đó Indonesia được dự báo là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, Philippines và Việt Nam lần lượt đứng thứ 19 và 20.

JLL tin rằng sự bùng nổ thương mại điện tử cùng với chi phí sản xuất thấp có thể khiến nhiều nhà sản xuất dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Đáng chú ý, Indonesia và Việt Nam sẽ là những thị trường phát triển công nghiệp hàng đầu mà các nhà sản xuất nước ngoài nhắm đến.

Báo cáo về thị trường logistics Việt Nam năm 2016 đưa ra ba yếu tố chủ yếu gồm xuất khẩu, mở rộng công nghiệp và ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhất là xuất khẩu và FMCG sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu logistics nhờ một số hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.

Về phía DN, cụ thể là DN trong nước đang dần có xu hướng tăng thuê ngoài nhằm tiếp giảm chi phí, mở rộng thị phần, rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa đến với người tiêu dùng và cho phép truy xuất thông tin hàng hóa nhanh, chính xác. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, có hơn 60% chủ hàng trên thế giới và 78% khu vực châu Á - Thái Bình Dương sử dụng các dịch vụ thuê ngoài.

Tại Việt Nam, các công ty như Massan, Vinaphone đã sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài. Ông Lương Quang Thi - Tổng giám đốc Công ty ABA Cooltrans, một công ty dẫn đầu chuỗi cung ứng lạnh, chia sẻ, so với 10 năm trước, hiện thị trường đã có sự dịch chuyển, một số nhà sản xuất đã ngưng sắm xe, xây dựng kho bãi mà dần chuyển sang thuê ngoài để tập trung vào chuyên ngành. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra với các "ông lớn", còn DN nhỏ thì tự làm hết với mục tiêu tiết giảm chi phí, song, theo đại diện ABA, trái lại, cách làm đó tạo thêm chi phí.

- Logistics bao gồm bốc xếp hàng hóa, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, đại lý vận tải, bao gồm cả đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa cùng các dịch vụ bổ trợ khác, như tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển, lưu kho hàng, xử lý hàng hóa bị khách hàng trả lại.

- Tổng chi phí dành cho logistics ở Việt Nam ước đạt 38,85 tỷ USD vào năm 2015, tương đương 20,8% GDP. Tỷ lệ ở Trung Quốc là 15,4%, ở các nước phát triển như Mỹ và Singapore khoảng 8 - 9%.

- Ngành logistics Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển ban đầu với 1.300 công ty, trong đó phần lớn là cung cấp dịch vụ 1PL và 2PL. Khoảng 70% trong số công ty này là các doanh nghiệp gia đình nhỏ và là nhà cung cấp dịch vụ tài sản (1PL) hoặc nhà cung cấp dịch vụ hậu cần theo hợp đồng (2PL), cung cấp dịch vụ logistics có giá trị thấp, ví dụ như thông quan, lưu kho, vận chuyển bằng xe tải hoặc container. Các nhà đầu tư nước ngoài đang thống lĩnh thị trường với kinh nghiệm và quản lý chuyên nghiệp. Mặc dù chỉ có trên 25 công ty nước ngoài tham gia vào lĩnh vực logistics, nhưng khối ngoại chiếm phần lớn thị phần, cung cấp dịch vụ logistics có giá trị cao, ví dụ như vận chuyển quốc tế, quản lý chuỗi cung ứng.

Theo kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt đầu năm nay, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt chen chân vào thị trường logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO