Không thể có "luật chồng luật" gây bất lợi cho dân, doanh nghiệp

Anh Khoa| 10/12/2020 09:38

Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế chính thức đã có hiệu lực vào đầu tháng 12/2020. Ngoài quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế, việc yêu cầu ngân hàng phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp nước ngoài đang khiến các nhà băng bối rối.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, các ngành sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động giao thương trì trệ do chuỗi cung ứng đứt gãy đã khiến nguồn thu ngân sách bị hao hụt đáng kể. Trong khi đó, các chính phủ buộc phải sử dụng một nguồn ngân sách lớn cho công tác phòng, chống dịch, khiến thâm hụt ngân sách và nợ công tại nhiều quốc gia tăng mạnh.

Trước tình hình này, ngành công nghiệp kỹ thuật số đã trở thành mục tiêu bị đánh thuế, khi nhiều quốc gia tăng cường thu thuế các hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại điện tử phổ biến nhất, từ mạng xã hội đến phát video và bán lẻ trực tuyến. Việt Nam do đó cũng khó nằm ngoài xu hướng chung, nhất là khi vấn đề đánh thuế lĩnh vực này từng được đề xuất từ bấy lâu nay.

Tuy nhiên, từ ý tưởng, hướng dẫn cho đến thực thi không phải là điều dễ dàng. Có thể thấy ngân hàng đang là chủ thể có vai trò quan trọng và cốt lõi trong chính sách này, nhưng đứng ở góc độ là một tổ chức kinh doanh, các nhà băng khó có thể quyết thay khách hàng về việc cung cấp thông tin hay đơn phương khấu trừ thuế. Đó là chưa nói đến việc theo Luật Các tổ chức tín dụng cũng như Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện nay quy định, nếu ngân hàng muốn cung cấp các thông tin tài khoản khách hàng cho một bên thứ ba thì phải được sự đồng ý của chủ tài khoản.

thue-1ol-8891-1607566454.jpg

Ngoài ra, ở góc độ quy trình vận hành, các ngân hàng phải thay đổi đáng kể để đáp ứng yêu cầu của cơ quan thuế. Đơn cử như theo quy định ngân hàng phải cung cấp định kỳ thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế. Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng hiện nay đều không có quy định khách hàng phải cung cấp mã số thuế cho ngân hàng khi mở tài khoản. Nếu bây giờ ngân hàng yêu cầu những khách hàng mới lẫn khách hàng hiện hữu phải bổ sung thêm thông tin này, có lẽ sẽ gặp không ít khó khăn và mất khá nhiều thời gian, khi tệp khách hàng tại một số nhà băng lên tới hàng chục triệu.

Về vấn đề tính an toàn của thông tin, mới đây dù Tổng cục Thuế cho biết không phải tất cả khách hàng đều bị cung cấp thông tin, mà chỉ có những trường hợp đặc thù, đặc biệt những giao dịch phục vụ cho công tác quản lý thuế, như là các tài khoản có nhận tiền từ nước ngoài chuyển về và cam kết đảm bảo bảo mật thông tin khách hàng, nhưng có lẽ chừng đó vẫn chưa đủ khiến những người đang có tài khoản ngân hàng thật sự yên tâm.

Trong khi đó, với yêu cầu NHTM có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn đối với các khoản thu nhập từ các giao dịch điện tử phát sinh từ Google, Facebook... trong Nghị định 126 còn làm khó các nhà băng hơn. Bởi lẽ, các ngân hàng khó xác định được khoản tiền nào liên quan đến thu nhập chịu thuế để xác định nghĩa vụ thuế, khi mà bản chất ngân hàng chỉ là trung gian thanh toán và cung cấp dịch vụ thanh toán.

Nghị định 126 cũng quy định NHTM, các trung gian thanh toán cũng khấu trừ, nộp thay tiền thuế cho từng loại hàng hóa, dịch vụ mà người mua ở trong nước thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài không thường trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, rõ ràng ngân hàng đâu thể nào tự tiện thu tiền trong tài khoản của khách hàng mà không có sự chấp thuận của khách hàng. 

Rõ ràng, Nghị định 126 đang đùn đẩy trách nhiệm lên ngân hàng, nếu ngân hàng thực hiện theo các yêu cầu này chẳng khác nào đang làm thay cơ quan thuế. Vấn đề chi phí ngân hàng phải bỏ ra để thực hiện các yêu cầu trên của cơ quan thuế, từ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, công nghệ... cũng được đặt ra. Liệu ai sẽ phải chi trả cho những chi phí này?

Link bài viết

Điểm cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là chính sách tăng cường thu thuế các tập đoàn công nghệ đa quốc gia đang hoạt động tại nước sở tại cũng làm dấy lên những lo ngại về các biện pháp trả đũa từ nước mẹ của những tập đoàn này, trong đó đa phần đều là doanh nghiệp Mỹ. Thực tế, chính phủ Mỹ rõ ràng cũng muốn thu thuế những doanh nghiệp này và không muốn chia sẻ nguồn thu đó cho các quốc gia khác, bất chấp những doanh nghiệp này đang có hoạt động tại nước ngoài. Theo đó, biện pháp trả đũa mà nhiều người lo ngại là các chính sách trừng phạt, áp thuế thương mại, nhất là khi nước Mỹ những năm gần đây có xu hướng quay lại chủ nghĩa bảo hộ và đã đơn phương khơi mào nhiều cuộc thương chiến.

Không cứ gì người dân sẽ bị rủi ro xâm phạm quyền lợi, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) là tổ chức xã hội đầu tiên có văn bản gửi các cơ quan phản đối Nghị định 126. Nội dung văn bản của HoREA chủ yếu đề cập đến nội dung quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của ba quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm. Nếu người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp ba quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.

Theo HoREA, trường hợp này khi ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 126, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế nên phân biệt trường hợp cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận để chiếm dụng tiền thuế trường hợp ngay tình nhưng có các khoản doanh thu, lợi nhuận đột biến cuối năm.

"Trường hợp doanh nghiệp đã nộp báo cáo kế hoạch doanh thu và lợi nhuận quý IV, kèm theo danh mục các dự án, hoặc hoạt động kinh doanh, mà có phát sinh doanh thu và lợi nhuận ngoài kế hoạch đã kê khai đăng ký với ngành thuế thì không nên xử phạt doanh nghiệp", HoREA kiến nghị.

Ngoài việc kiến nghị không xử phạt những trường hợp doanh nghiệp bất ngờ có doanh thu, lợi nhuận cuối năm, HoREA cũng nêu ra quy định trái ngược của ngành thuế và cho rằng như vậy là không "fair-play" với doanh nghiệp.

Theo HoREA, Nghị định 132 quy định hoàn thuế đối với mức trần chi phí lãi vay được khấu trừ, mà doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (thừa) trong năm 2017-2018 với tổng giá trị khoảng 4.875 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do không quy định doanh nghiệp được hoàn thuế bằng tiền mặt, mà chỉ được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2020 đến hết năm 2024 nên nếu doanh nghiệp bị lỗ từ năm 2020-2024 thì xem như không được nhận lại tiền hoàn thuế.Như vậy là chưa thật "sòng phẳng" với doanh nghiệp vì số tiền nộp thừa này là tiền của doanh nghiệp.

"Để giải quyết bất cập này, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo bổ sung thêm quy định trường hợp doanh nghiệp đến hết năm 2024 chưa nhận được tiền hoàn thuế, hoặc còn một phần tiền hoàn thuế, thì số tiền hoàn thuế này sẽ được hoàn trả lại cho doanh nghiệp bằng tiền mặt", HoREA kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không thể có "luật chồng luật" gây bất lợi cho dân, doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO