Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ thế nào trong tương lai

T.N| 27/02/2023 06:00

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dài 32 km, sẽ được nạo vét, kè bêtông, xây đường 7-12m, bến thuyền dọc bên, giúp đổi diện mạo 7 quận, huyện đi qua.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 2), tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng được TP.HCM khởi công hôm 23/2, dự kiến hoàn thành năm 2025. Tuyến kênh chảy qua 7 quận, huyện gồm: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, tổng chiều dài gần 32km.

Trước đó dự án đã hoàn thành giai đoạn một với việc nạo vét, đắp bờ đất hai bên cùng xây cửa xả thoát nước tại một số rạch nhánh. Hiện, dọc bờ kênh đa phần là những dải đất um tùm cỏ dài, nhiều đoạn lòng kênh bị lục bình phủ kín, rác thải ứ đọng, gây ô nhiễm và cản trở tàu thuyền chạy qua.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc quản lý dự án thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), cho biết giai đoạn 2 này hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng cho toàn dự án. Một trong hạng mục chính thuộc giai đoạn 2 dự án là nạo vét toàn tuyến kênh với bề rộng 30-90m, sâu 4-5m. Hai bờ xây kè bê tông, lan can, lối đi bộ, bố trí mảng xanh...

Cũng theo ông Tùng, hạ tầng đường giao thông hai bên bờ kênh kết nối giao thông liên vùng sẽ tạo ra nhiều hướng kết nối giao thông từ vùng ngoại thành vào trung tâm TP.HCM. Những tuyến đường như Quốc lộ 1, đường Phan Văn Hớn, Quang Trung, Tân Kỳ Tân Quý... giảm bớt ùn tắc. Song song đó, các đơn vị cũng đảm bảo điều kiện cho giao thông thủy qua lại khu vực này phục vụ các nhu cầu vận chuyển.

Đến nay, toàn tuyến hiện chỉ còn một phần diện tích chưa giải tỏa ở quận 12 và Gò Vấp với khoảng 166 hộ. Hiện các địa phương đang khẩn trương hoàn tất thủ tục đền bù sớm hoàn thành dự án. Sau khi hoàn thành tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ trở thành một tuyến kênh đẹp như dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dòng kênh xanh đẹp, có tàu thuyền đi qua, có công viên cho người dân đi bộ lúc thảnh thơi giữa TP.HCM. Đời sống của hộ dân sống dọc hai bên bờ kênh này sẽ sung túc.

Dọc kênh được xây dựng đường rộng 7-12m, vỉa hè 3m mỗi bên, đáp ứng 2-3 làn xe trên tổng chiều dài khoảng 63km. Hiện, hai bên kênh chủ yếu là bờ đất đã đắp từ giai đoạn trước, chỉ một số đoạn ngắn làm đường bê-tông, như khu vực phường 14, quận Gò Vấp.

Trên tuyến kênh này sẽ xây dựng 12 bến thuyền, 19 cống thoát nước, ba cây cầu. Hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh… cũng được làm đồng bộ.

Phối cảnh đoạn kênh cắt qua cầu Trường Đai, quận 12

Phối cảnh đoạn kênh cắt qua cầu Trường Đai, quận 12

Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đây là công trình hạ tầng trọng điểm ở thành phố, phục vụ và nâng cao đời sống người dân. Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, kết nối tỉnh Long An qua Sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành nơi đáng sống, văn minh - hiện đại - nghĩa tình, xứng đáng là “hạt nhân” tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam bộ.

Tuyến kênh sau khi hoàn thành cải tạo sẽ là trục thoát nước, chống ngập cho diện tích 14.900ha khu vực xung quanh. Công trình góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và tăng kết nối giao thông trên trục Bắc - Nam ở TP.HCM.

Dự án khi hoàn thành ngoài giảm ngập, ô nhiễm sẽ giúp giảm tải cho quốc lộ 1 nhờ hai tuyến đường dọc kênh đi qua 7 quận, huyện. Tuyến kênh cũng hình thành trục giao thông thuỷ kết nối TP.HCM với Long An qua sông Chợ Đệm và Đồng Nai, Bình Dương qua sông Sài Gòn.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), việc triển khai giai đoạn hai công trình đang có thuận lợi khi phần lớn mặt bằng đã được đền bù, giải tỏa từ giai đoạn trước, với hơn 3.200 hộ. Hiện, dự án chỉ còn một phần diện tích chưa bàn giao ở quận 12 và Gò Vấp, với 166 trường hợp.

Một người dân ngụ khu phố 13, phường Bình Hưng Hòa phấn khởi nói: “Con kênh có một số đoạn bị cây cối che phủ, rác thải gây ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên rất chịu không nổi. Từ rất lâu rồi, bà con sinh sống ven con kênh này mong thành phố sớm thực hiện cải tạo môi trường, giải quyết nạn ô nhiễm và xây dựng tuyến đường mới khang trang, sạch đẹp... Giờ đã khởi công, tôi chỉ mong công trình được hoàn thiện càng sớm càng tốt. Bà con ở đây, nghe tin ai cũng phấn khởi hết”.

Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là dòng kênh dài nhất TP.HCM. Công trình cải tạo kênh nằm trong đề án chống ngập và xử lý nước thải ở thành phố giai đoạn 2020-2045, kết hợp các dự án cải thiện hệ thống thoát nước sắp triển khai giúp hoàn thiện hạ tầng đô thị cho khu vực phía tây và bắc thành phố.

Ngoài tuyến kênh trên, TP.HCM chuẩn bị triển khai dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (Bình Thạnh, Gò Vấp), dài 8km với tổng vốn hơn 9.300 tỷ đồng. Trước đó, TP.HCM đã hồi sinh các dòng kênh khác như Nhiêu Lộc - Thị Nghè (tổng đầu tư 8.600 tỷ đồng); Tân Hóa - Lò Gốm (528 triệu USD)... Dự án cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ đang làm giai đoạn 2, dự kiến về đích cuối năm nay.

Dài gần 32 km, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chảy qua 7 quận, huyện gồm quận12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và  huyện Bình Chánh. Đây là kênh dài nhất nhưng cũng là một trong những tuyến kênh ô nhiễm nhất TP.HCM. Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, triển khai bằng nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 4.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ thế nào trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO