“Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai phải gửi bệnh nhân đi nơi khác chụp, chiếu”. “Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ còn… 1 máy chụp CT chạy được”, “Bệnh viện Việt Đức hạn chế mổ từ 1-3 do sắp cạn vật tư, hóa chất”, “thuốc thiếu, máy đắp chiếu, bệnh nhân ung thư 'gấp mấy cũng phải chờ...”.
Một nhân viên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chia sẻ: “Một ngày bệnh viện chỉ chụp được có 7 ca mà danh sách của bệnh nhân lại xếp hàng dài, không đủ thuốc nên không thể chụp luôn được”, đọc thông tin này trên Báo Tuổi Trẻ, xót dạ quá.
Rồi… khẩn cấp cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng phải chỉ đạo: “Giải quyết dứt điểm việc thiếu thuốc, không để bệnh nhân mua ngoài”.
Năm 2022 thì còn dễ hiểu. Vì ảnh hưởng dịch Covid-19, thế giới bị đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số thuốc đặc biệt không còn sản xuất như thuốc trị… rắn cắn, phải nhập từ Thái Lan. Sau nữa, đất nước tập trung mọi nguồn lực chống dịch Covid-19. Phải sống như “tinh thần thời chiến”.
Nhưng nay, mọi ngành nghề trở lại với nỗ lực hoạt động bình thường thì bỗng xuất hiện loạt… “tiếng kêu cứu thiếu thuốc với vật tư từ các bệnh viện”. Nghe thật khẩn thiết, đáng quan ngại.
Tìm nguyên nhân thì nhiều. Những việc chuyên sâu chuyên biệt của ngành y, người dân không rành lắm, nay được tìm hiểu. Mới thấy lạ thay. Thà là do nghèo khốn nguy nan, đằng này toàn… sự khó hiểu khi tìm ra nguyên nhân (là tin trên báo chí cả).
“Hoa… cơ chế” để người bệnh không phải khổ hơn nữa vì “tiếng kêu cứu thiếu thuốc với vật tư từ các bệnh viện” |
Đấu thầu áp dụng hình thức đàm phán giá thực hiện chưa kết quả… vậy bấy lâu nay, không biết việc này được thực hiện bằng cách nào mà sao những loại thuốc, vật tư y tế… “không nghe kêu”. Cũng lạ thay!
Nhà thuốc chưa được Bộ Y tế gia hạn số đăng ký, nên các nhà cung ứng không kịp nhập khẩu hay sản xuất. Mua sắm tập trung quốc gia - sớm có kết quả đàm phán thuốc và đấu thầu tập trung cấp quốc gia…
Đề nghị cập nhật các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số…. Các doanh nghiệp cung ứng không tham gia đấu thầu vì… không có lợi nhuận trong đó. Ôi, sao thế nhỉ?
Và tóm lại một câu: Cơ chế pháp lý là nguyên nhân chủ yếu?
Vậy là dần rõ. Người dân đang rối vì bỏ sổ hộ khẩu nhưng đi xin chứng nhận cư trú còn… khổ hơn hộ khẩu, nên có người bảo: Chắc là y tế cũng nguyên nhân giống nhau vậy quá!
Thà là nghèo, là khó khăn gì kia chứ, té ra là tại… mình “không biết làm việc”. Khổ vì cơ chế.
Sắp tới ngày lễ 27/2 - ngày thầy thuốc Việt Nam, lãnh đạo và người dân cả nước đang chuẩn bị hoa và kế hoạch đi thăm cảm ơn các thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân suốt - kể cả những năm đại dịch Covid-19 bao tấm gương hy sinh xả thân mặc cho có không ít kiểu cú ngã ngựa trong vụ đại án kỳ lạ hiếm thấy liên quan ngành y.
Nhân dân giờ hiểu thêm: Khó khăn cho các thầy thuốc không chỉ có vậy. Còn do sự yếu kém trong cung cách làm việc, do cơ chế tạo ra.
Thế nên, cùng với hoa và lòng quý trọng biết ơn thường lệ - nay thêm điều ước thầm: Ước gì, thầy thuốc được tặng thứ hoa đang cần, thì nên có thứ hoa gỡ khó: “Hoa… cơ chế” để người bệnh không phải khổ hơn nữa vì “tiếng kêu cứu thiếu thuốc với vật tư từ các bệnh viện”!