Chia sẻ tại chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 67 do Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 25/2/2023, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, có nhiều yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc mở cửa trở lại, GDP toàn cầu dự báo tăng thêm 1 điểm %, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, và đầu tư công được đẩy nhanh hơn.
Cơ hội đan xen thách thức
Các động lực từ nền tảng vĩ mô và kinh nghiệm phòng chống dịch, quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa ở mức trung bình tạo dư địa cho năm 2023. Lạm phát tăng nhưng cơ bản được kiểm soát, áp lực tăng lãi suất, áp lực tỷ giá và rủi ro nợ đang giảm dần. Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, kiều hối của Việt Nam trong năm 2022 rất tích cực tăng 5%, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới giảm.
Đặc biệt, năm 2023, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế (sửa đổi Luật Đất đai, Luật nhà ở, luật liên quan đến kinh doanh bất động sản), tài chính tín dụng tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy. Kinh tế số tăng nhanh sẽ tạo đà cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế... Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh, hội nhập tích cực.
Tuy nhiên, môi trường quốc tế vẫn trong xu hướng xấu, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu và có những tác động tiêu cực rõ nét hơn. Trong đó, khủng hoảng địa chính trị tại Ukraine ngày càng phức tạp, khó đoán định. Lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh, nhưng vẫn ở mức cao do giá cả các mặt hàng thiết yếu như năng lượng, lương thực... dù giảm, nhưng còn ở mức cao. Thị trường tài chính và tiền tệ quốc tế còn nhiều biến động, thanh khoản còn eo hẹp, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ đã bị thu hẹp tại hầu hết các nền kinh tế. Ba đầu tàu của kinh tế thế giới (Mỹ, EU và Anh Quốc) dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, thậm chí có thể rơi vào suy thoái nhẹ, trước khi hồi phục từ năm 2024, trong khi Trung Quốc chưa thể tăng trưởng cao dù đã mở cửa thị trường…
Theo TS. Cấn Văn Lực, có 6 vấn đề DN cần phải thay đổi để có thể tồn tại và vượt khó |
Là thị trường có độ mở cao, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong nước, lạm phát còn tăng, mặt bằng lãi suất còn cao, tỷ giá còn chịu sức ép tăng (dù đã dịu bớt) trong khi dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, thanh khoản thị trường tài chính, thanh khoản của nền kinh tế còn eo hẹp… Bên cạnh đó, giải ngân chương trình phục hồi và đầu tư công chưa thể có đột phá, DN còn nhiều khó khăn, rủi ro ở thị trường chứng khoán, trái phiếu DN và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa…
Kết nối để vượt khó
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngày càng có nhiều nguồn vốn đa dạng cho DN, gồm cả kênh vốn đầu tư công, trái phiếu DN và thêm nguồn lực từ chương trình phục hồi 2022-2023. Nhưng, vấn đề pháp lý, tiếp cận vốn và đất đai vẫn còn khó khăn đối với DN. Tại Việt Nam, đã có nhiều chính sách, giải pháp của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, bộ - ngành, hiệp hội hướng đến DN hơn nhưng những điều này cần mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả hơn nữa. Và ngay chính bản thân DN cũng cần thay đổi tư duy, quản trị điều hành và văn hóa kinh doanh (minh bạch và chuẩn mực), góp ý hoàn thiện thể chế, tiên phong đổi mới - sáng tạo, kinh doanh “xanh” và chuyển đổi số...
Theo ông Lực, có 6 vấn đề DN cần phải thay đổi để có thể tồn tại và vượt khó trong bối cảnh hiện nay. Đó là phải thích ứng linh hoạt, tìm cách phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc hoạt động, thực hiện đổi mới sáng tạo (bao gồm cả chuyển đổi số), quản lý rủi ro (tài chính, lãi suất, tỷ giá…), tăng sức chống chịu, trong đó chống chịu trước các cú sốc.
Còn ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho rằng, nên có sự kết nối, hợp tác giữa các DN với các tổ chức hội nghề nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông đề nghị HUBA nên kết hợp với các hiệp hội các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… tổ chức nhiều hội chợ để thu hút sự tham gia của các “ông lớn về thương mại” quốc tế.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ tại chương trình |
Theo ông Hạnh Nguyễn, hiện vẫn còn rất nhiều tập đoàn chưa vào Việt Nam. Khi họ chú ý đến sản phẩm Việt Nam, cơ hội sẽ đến nhiều hơn với các DN. Vì vậy, trong kế hoạch tổ chức hội chợ triển lãm sắp tới, HUBA cần có cách làm đột phá và chuẩn bị kỹ để mời các tập đoàn phân phối lớn đến tham quan, tìm hiểu hàng hoá của nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Từ đó, kết nối cơ hội làm ăn quốc tế với những nhà kinh doanh lớn cho các nhà sản xuất trong nước. Các chương trình này phải ưu tiên cho các hội viên tham gia và phải có các chương trình quảng bá, tuyên truyền sớm.
“Quan trọng là khi có thị trường, có khách hàng, chúng ta sẽ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. HUBA phải hỗ trợ tìm thị trường cho DN”, ông Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Cũng đề cập đến yếu tố đầu ra cho DN, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, đang có sự dịch chuyển kênh phân phối từ hiện đại sang truyền thống, thị phần bán lẻ hiện đại từ mức 24% trong dịch Covid-19 đã giảm còn 18% trong năm 2022. Hàng hóa xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sau thời gian chựng lại bởi Covid-19 nay đã phát triển trở lại ở các DN FDI, vì vậy, các DN trong nước không thể bỏ qua xu thế này. Hiện, các DN cần chú trọng đến sự kết nối từ các chương trình bình ổn thị trường, chương trình hàng Việt chất lượng cao… để nâng cao chất lượng hàng Việt.
Tại chương trình, HUBA đã tri ân các nhà tài trợ, trong đó có Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn |