Sinh viên hãy "ném mình vào lửa"

LÂM NGHI| 22/04/2014 01:14

Gần 500 sinh viên đã tham gia trao đổi cùng các diễn giả - doanh nhân trong hai buổi giao lưu chủ đề "Hành trang khởi nghiệp" tại Đại học (ĐH) An Giang (ngày 17/4) và ĐH Đồng Tháp (ngày 19/4). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) do Báo Doanh Nhân Sài Gòn và CLB Doanh nhân Sài Gòn tổ chức.

Sinh viên hãy

Gần 500 sinh viên đã tham gia trao đổi cùng các diễn giả - doanh nhân trong hai buổi giao lưu chủ đề "Hành trang khởi nghiệp" tại Đại học (ĐH) An Giang (ngày 17/4) và ĐH Đồng Tháp (ngày 19/4). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) do Báo Doanh Nhân Sài Gòn và CLB Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

>> Đăng ký dự thi Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2014

> Giải thưởng TNLVC 2014: Thêm thời gian thi vòng 1
>Doanh nghiệp cần gì ở ứng viên?

Đọc E-paper

Thành viên CLB Tài năng Lương Văn Can chia sẻ kinh nghiệm dự thi (từ trái qua): Trần Quản Trọng, Phạm Tố Trinh, Khưu Huệ Nghi, Lương Việt Hoàng.

Sinh viên lo, doanh nghiệp cũng có điều ngại

Thông tin đến các sinh viên trước ngưỡng cửa khởi nghiệp, các diễn giả cho biết, thực tế lao động hiện nay có hai vấn đề khiến doanh nghiệp mất niềm tin vào sinh viên. Thứ nhất là có nhiều sinh viên lợi dụng mối quan hệ riêng để nhờ doanh nghiệp đóng dấu xác nhận thực tập trong khi không hề qua quá trình rèn luyện thực tế; trong quá trình thực tập thì sao chép báo cáo phân tích dữ liệu của nhau. Thứ hai là tình trạng "nhảy việc". Bày tỏ băn khoăn với những người đi trước, sinh viên Lê Thị Thúy An, khoa Công nghệ sinh học, ĐH An Giang nêu: "Ngoài các kiến thức nhà trường thì em và các bạn cần chuẩn bị gì để có thể khởi nghiệp thành công từ hai bàn tay trắng?".

Từ đóng góp của các doanh nhân thành viên CLB Doanh Nhân Sài Gòn, Ban tổ chức chương trình giao lưu đã trao 35 suất học bổng (trị giá 2 triệu đồng/suất) mang tên Doanh Nhân Sài Gòn cho các sinh viên vượt khó có thành tích học tập tốt của 2 trường ĐH An Giang (15 suất) và ĐH Đồng Tháp (20 suất).

Các doanh nhân đồng quan điểm rằng, mọi cơ hội đều đi kèm với trách nhiệm, doanh nghiệp luôn tạo cơ hội thực tập, hợp tác cho sinh viên với điều kiện các bạn phải không ngại "ném mình vào lửa".

Cụ thể hơn, từ góc độ nhà quản lý, bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á, cho biết, sự chuyên tâm thể hiện đầu tiên ở cách thức chuẩn bị hồ sơ thực tập hay ứng tuyển. Bà Lan giải thích: "Một hồ sơ trình bày chỉn chu, gọn gàng, thể hiện chân thành nguyện vọng và mục tiêu sẽ là điểm cộng giúp sinh viên đến gần hơn với nhà tuyển dụng".

Hầu hết các diễn giả đều nhấn mạnh yếu tố chữ viết của ứng viên. Ông Lại Minh Duy, Chủ tịch HĐQT Công ty Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST, cho biết, nét chữ là nết người, do đó doanh nghiệp luôn ưu tiên cho những ứng viên tự tay viết đơn ứng tuyển. Làm được điều này là các bạn đã có 50% cơ hội thuyết phục được doanh nghiệp.

Các diễn giả - doanh nhân tham gia buổi giao lưu cùng SV ĐH An Giang (từ trái qua phải): Doanh nhân Lại Minh Duy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST, doanh nhân Trương Phi Phụng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Minh Phương, doanh nhân Võ Thị Phương Lan - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á, doanh nhân Nguyễn Thị Điền - Tổng giám đốc Công ty TNHH May Thêu Giày An Phước

Yếu tố thứ hai thuyết phục nhà tuyển dụng, theo ông Trương Phi Phụng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Minh Phương thì ứng viên phải có mục tiêu rõ ràng cho sự phát triển của bản thân. Ông Phụng nhấn mạnh: "Các bạn phải biết mình là ai, thị trường lao động đang cần gì và kế hoạch nghề nghiệp tương lai của mình thế nào?".

Trả lời cho câu hỏi chuyển về cho Ban tổ chức rằng "Doanh nghiệp luôn đòi hỏi ứng viên phải có 2-3 năm kinh nghiệm. Em là sinh viên mới ra trường thì làm sao có được nhiều năm kinh ngiệm để ứng tuyển?", bà Đặng Mỹ Châu, đồng sáng lập, Giám đốc khối miền Nam chi nhánh TP.HCM Tổ hợp Giáo dục Topica, giải thích: "Nhà tuyển dụng không chỉ cần bằng cấp giỏi mà còn cần kỹ năng mềm và cái tâm trong công việc của sinh viên. Cụ thể, kỹ năng mềm quan trọng nhất chính là thích nghi với văn hóa công ty, sự tự tin, chững chạc trong tác phong trình bày, phản biện và kỹ năng làm việc nhóm".

Bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì Giấy nhôm New Toyo, nói rõ hơn: "Khi tuyển dụng, tất yếu chúng tôi biết các sinh viên mới ra trường không thể có nhiều kinh nghiệm. Do đó, chúng tôi cần sinh viên có sao nói vậy, trình bày đúng khả năng thật sự của mình".

Mục đích của tuyển dụng là tìm người phù hợp với sự phát triển của công ty. Theo đó, sự trung thực và tính cam kết là hai yếu tố cần thiết để sinh viên có thể "đi đường dài" với công ty. Thành công là một quá trình nỗ lực không ngừng. Khi đón nhận một nhân viên mới, các doanh nghiệp đều trông đợi cá nhân đó sẽ đặt chữ tâm vào công việc. Theo doanh nhân Hồ Thanh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Ngọc trai Hoàng Gia, khi bước vào môi trường làm việc, các bạn nên cất "cái tôi" ở nhà để hòa vào cái chung của doanh nghiệp.

"Cái tôi quá cao sẽ làm các bạn cách biệt chứ không phải là khác biệt với các đồng nghiệp. Sự cách biệt này sẽ ngăn cản cơ hội học hỏi của bạn cũng như sự phát triển của tập thể nói chung", doanh nhân Lại Minh Duy nhấn mạnh. Bà Đặng Mỹ Châu thẳng thắn: "Nếu các bạn giỏi về chuyên môn lúc nào cũng đi nói xấu và đi ngược hướng của tập thể thì sẽ không hòa nhập cùng tổ chức, cản đường thăng tiến của công ty, khi ấy lãnh đạo sẽ gạt bạn ra ngay lập tức".

Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty TNHH May Thêu Giày An Phước, giảng giải cho các bạn trẻ: "Điều quan trọng để thành công là khi làm việc thì em không nên từ ngại. Ở môi trường nghiêm khắc, mình cần hết sức kiên nhẫn và học dần qua những lần sai sót hoặc tìm lối đi mới để giải quyết vấn đề. Người ta làm được thì mình phải làm được". Đồng quan điểm, ông Trương Phi Phụng khuyên các sinh viên khi khởi nghiệp, bất kể là làm thuê hay làm chủ, cứ làm từ việc thấp nhất. Khi năng lực, kinh nghiệm đã tích lũy đủ thì cơ hội phát triển sẽ đến với các bạn.

Khởi nguồn "đạo đức kinh doanh"

Tâm điểm thứ hai được sinh viên vùng đồng bằng Sông Cửu Long quan tâm chính là vấn đề đạo đức trong kinh doanh. Trong buổi giao lưu tại ĐH An Giang, diễn đàn nóng lên với câu hỏi của sinh viên Võ Thanh Tâm, khoa Quản trị kinh doanh: "Làm sao để duy trì được cái tâm trong phương thức kinh doanh của cụ Lương Văn Can là mang đến lợi ích cho mọi người, trong khi kinh doanh thì cần tối đa hóa lợi nhuận?".

Đạo đức là một phạm trù khá trừu tượng, nhưng các doanh nhân đã qua những câu chuyện, kinh nghiệm thực tế chứng minh cho giới trẻ thấy rằng thực hành "đạo đức kinh doanh" không khó, và lợi ích của phương châm kinh doanh có đạo đức là thứ có thể nắm bắt được.

Sinh viên ĐH Đồng Tháp giao lưu với các diễn giả (trên sân khấu, từ trái qua): doanh nhân Lại Minh Duy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST, doanh nhân Đặng Mỹ Châu - đồng sáng lập, Giám đốc khối miền Nam chi nhánh TP.HCM Tổ hợp giáo dục Topica, doanh nhân Hồ Thanh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Ngọc trai Hoàng Gia, doanh nhân Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao Bì Giấy Nhôm New Toyo

Thông báo của BTC GTTNLVC 2014

Vòng 1 cuộc thi GTTNLVC 2014 sẽ kéo dài đến hết ngày 5/5/2014.

Thí sinh tìm hiểu và thi trực tuyến tại: www.doanhnhansaigon.vn; luongvancan.doanhnhansaigon.vn

Theo bà Nguyễn Thị Điền, kinh doanh tất yếu phải có lời, nhưng quan trọng là lời như thế nào. Kinh nghiệm hơn 22 năm xây dựng công ty, bài học về đạo đức kinh doanh mà bà rút ra là: "Nếu mình không muốn ai chơi xấu mình thì tốt nhất mình đừng chơi xấu người khác".

Ông Trương Phi Phụng khẳng định, giá trị thực sự của kinh doanh hôm nay không phải là triệt tiêu lẫn nhau mà chúng ta phải xây dựng một hệ thống trong đó mọi bên liên quan đều có lợi và hướng đến việc tạo ra giá trị tốt nhất cho khách hàng. Ông Phụng nhấn mạnh: "Nếu anh là duy nhất trên Trái đất này thì anh sẽ không còn động lực để phát triển nữa. Cho nên xét về mặt tích cực, đối thủ cũng là đối tác thúc đẩy sự phát triển của công ty".

Kể câu chuyện về quan hệ với khách hàng, ông Hồ Thanh Tuấn cho biết, mình từng cho nghỉ việc một nhân viên bán hàng khi phát hiện người này lừa khách hàng bằng cách kê giá sản phẩm lên gấp đôi. Công ty đã chủ động gọi điện trình bày sự việc, xin lỗi khách hàng và hoàn trả toàn bộ tiền cho khách. Quyết định này đã giúp ông giữ được một khách hàng thân thiết với nhãn hiệu về sau.

Tương tự, bà Nhan Húc Quân cho biết đã quyết định hủy toàn bộ lô hàng khi phát hiện sản phẩm không được phủ đúng chất liệu vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà chấp nhận mất cả trăm triệu đồng (tiền gia công) chứ không đánh mất uy tín thương hiệu của mình.

Ông Lại Minh Duy chia sẻ, sau quá trình quan sát doanh giới, ông nhận ra việc kinh doanh muốn thành công phải luôn gắn liền với việc giữ gìn nhân hiệu. Khi cái "tâm" sáng thì tự khắc cái "tầm" được nâng lên. Cái "tầm" của doanh nhân chính là nhân tố lớn góp phần phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Ngược lại, uy tín của thương hiệu sẽ củng cố cho nhân hiệu của doanh nhân.

Để có được điều đó, ngay từ những ngày "tiền khởi nghiệp", sinh viên phải tập thói quen đối diện với thử thách, dám nhận trách nhiệm và giữ chữ "tín", bắt đầu từ các mối quan hệ với người thân, bạn bè...

4 lời khuyên cho thí sinh tham dự GTTNLVC

1. Tìm kiếm ý tưởng phát triển tiềm năng vùng đất mình đang sinh sống.

2. Tra cứu thông tin trên internet xem các ý tưởng đó có ai làm chưa.

3. Xây dựng các đề án có số vốn nhỏ để có thể kiểm soát được kế hoạch tài chính, nhân sự.

4. Mạnh dạn trình bày ý tưởng, đề án.

Phản hồi từ cuộc giao lưu

Sinh viên ĐH Đồng Tháp trong buổi giao lưu

* Thầy Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng ĐH An Giang: "Nhu cầu chính của phần đông sinh viên hiện nay là làm thế nào để tìm được việc làm tốt sau khi ra trường. Tôi đồng tình với nhận định rằng khả năng giới thiệu bản thân qua hồ sơ dự tuyển của sinh viên còn rất kém, do đa phần quen với mẫu đơn điền sẵn. Những chia sẻ từ chính nhà tuyển dụng như thế này sẽ thúc đẩy sinh viên cải thiện thêm nữa".

* ThS Võ Thanh Tùng, Phó hiệu trưởng ĐH Đồng Tháp: "Giáo dục ĐH hiện còn khập khiễng giữa chương trình trong nhà trường và nhu cầu thực của xã hội. Nhà trường đang cố gắng giảm bớt độ vênh bằng việc cung cấp thêm thông tin cho các sinh viên về thị trường lao động qua các hội thảo như thế này. Tôi hy vọng GTTNLVC sẽ mở rộng các buổi chia sẻ thông tin như thế này đến các trường CĐ, ĐH khác trong tỉnh. Ở đó vẫn có các sinh viên ấp ủ nhiều dự định nhưng cơ hội chưa đến".

* Sinh viên Đặng Thị Kiều, khoa Kinh tế, ĐH An Giang: "Trước đây, em cũng nghĩ mình cần có kỹ năng mềm nên có tìm hiểu các khóa học và bài viết trên mạng. Sau hôm nay, nhờ các cô chú chia sẻ, em nhận ra em cần phải dấn thân nhiều hơn, bắt đầu tìm kiếm cơ hội đi vào thực tế hoạt động doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, chứ chỉ đọc các bài viết thôi thì chưa đủ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sinh viên hãy "ném mình vào lửa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO