Phụ phẩm hóa vàng: Biến trấu thành sơn

LỮ Ý NHI| 06/02/2017 03:35

Cứ 10kg vỏ trấu chúng tôi sản xuất được 1kg colloidal.

Phụ phẩm hóa vàng: Biến trấu thành sơn

Không ít các nguyên vật liệu vốn bị coi là phế phẩm, bỏ đi như vỏ trấu, mỡ cá tra, vỏ tôm cua, container cũ... Bằng tư chất giàu sáng tạo, miệt mài nghiên cứu, nhiều doanh nhân cùng với đội ngũ của mình đã "hô biến" chúng thành những sản phẩm hữu ích, có thị trường tiêu thụ, xuất khẩu được, mang lại nguồn lợi lớn. 

Đọc E-paper

Những năm thập niên 1970, khi đang công tác tại Đại học Cần Thơ, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova, nhận thấy hầu hết các loại sơn đều phải nhập ngoại, giá thành cao và không phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Cũng lúc đó, bà nhìn thấy hàng tấn trấu bị vứt đi hoặc chỉ sử dụng làm phân bón, gây ảnh hưởng đến môi trường và rất lãng phí.

Với hơn 30 năm giảng dạy ngành hóa tại các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP.HCM, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe nhận ra, hàm lượng silicate từ trấu rất đáng kể, nếu khai thác sử dụng không chỉ giải quyết được bài toán lãng phí và môi trường mà còn tăng giá trị cho loại phụ phẩm nông nghiệp này.

Ròng rã nhiều năm miệt mài, tìm kiếm, thử nghiệm rất nhiều giải pháp khác nhau, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng, bà đã nghiên cứu thành công công nghệ nano từ vỏ trấu. Từ vỏ trấu, silicate nano tách ra được dùng để tổng hợp colloidal. "Cứ 10kg vỏ trấu chúng tôi sản xuất được 1kg colloidal".

Hiện giá colloidal trên thị trường thế giới từ 10 USD cho tới vài chục USD mỗi kilogram, tùy thuộc nồng độ, được dùng cho nhiều lĩnh vực và tạo ra giá trị lớn gấp trăm lần so với trấu. Đặc biệt, khi silicate nano được Kova tách ra để tổng hợp colloidal và ứng dụng vào lĩnh vực chất phủ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, thậm chí còn cao hơn so với các sản phẩm được sản xuất từ các vật liệu khác như về độ bóng, độ cứng của màng sơn, khả năng chịu nhiệt, khả năng chống thấm, chống bám bụi, chống rêu mốc, bảo vệ môi trường, làm giảm sự ấm lên toàn cầu do ít sử dụng nguồn nguyên liệu đi từ chất hữu cơ, đặc biệt là dầu mỏ.

>>Giới thiệu công nghệ sơn nano từ vỏ trấu

Cũng từ vỏ trấu và ứng dụng công nghệ nano này, PGS-TS. Hòe đã liên tiếp nghiên cứu thành công nhiều loại sơn như sơn tự làm sạch, sơn kháng khuẩn, sơn đá nghệ thuật, sơn chống cháy và sơn chống đạn...

Theo PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, trước khi Kova tự sản xuất được nguyên liệu này, ngành sản xuất sơn nano của Việt Nam vẫn phải nhập hầu như toàn bộ colloidal hoặc nguyên liệu để điều chế colloidal từ nước ngoài với giá rất cao. Bà đã suy nghĩ làm thế nào tìm ra nguồn nguyên vật liệu có sẵn trong nước để sản xuất được sơn nano thay thế cho nguyên liệu phải nhập ngoại quá tốn kém này.

"Sau nghiên cứu thành công quy trình sản xuất colloidal từ vỏ trấu, chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí và công nghệ này được công bố lần đầu vào năm 2013 trước nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế. Nhiều năm qua, Kova đã làm chủ công nghệ này và hoàn toàn chủ động về nguồn nguyên liệu vỏ trấu do có nguồn cung ổn định. Công nghệ sản xuất sơn từ vỏ trấu của Kova cũng đã được đăng ký bằng sáng chế từ Mỹ”, bà Hòe nói.

Trong số các loại sơn độc đáo mà Kova đã sản xuất thành công từ công nghệ sơn nano vỏ trấu, sơn chống đạn được xem là sản phẩm độc đáo nhất và là thành tựu công nghệ đặc biệt của Kova, bởi loại sơn này giúp làm giảm số lớp vải kevlar của áo chống đạn, giảm trọng lượng của áo khoảng 60 - 70% và tăng hiệu quả chống đạn.

>>Nữ doanh nhân chế tạo sơn từ vỏ trấu

Sản phẩm này đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các tập đoàn, công ty đến từ Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Singapore, Malaysia... Với tôn chỉ của một nhà nghiên cứu khoa học là "chỉ nghiên cứu và làm ra những gì xã hội cần", các dòng sản phẩm của Kova đều hướng đến giải quyết các vấn đề "nóng" mà các công trình đang gặp phải.

Đơn cử như dòng sơn chống cháy nano có khả năng giúp vật liệu chịu được sức nóng lên đến hơn 1.000 độ C trong vòng 4 - 6 tiếng, giúp hạn chế đáng kể thiệt hại về người và của khi xảy ra sự cố. Đây cũng là loại sơn chống cháy hệ nước duy nhất của Việt Nam trên thị trường hiện nay, khi cháy không tạo ra khí độc, an toàn với môi trường.

Hiện Singapore và Malaysia là các thị trường rất ưa chuộng các dòng sơn nano từ vỏ trấu của Kova, hàng loạt công trình dân dụng hay công nghiệp từ chung cư, nhà máy, trường học cho đến bệnh viện ở các quốc gia này như: phần hầm tàu điện ngầm MRT, chung cư cao cấp Parc Condo, Bệnh viện Connexion, nhà máy Apple... hay dự án Bệnh viện Ng Teng Fong có tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đô la và có tiêu chuẩn cao nhất Singapore cũng đã dùng sơn kháng khuẩn của Kova.

Kova đang tiếp tục triển khai rộng sang các thị trường Nga và Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao ở các thị trường, ngoài 7 nhà máy hiện tại (trong đó có 1 nhà máy ở Malaysia, 1 nhà máy ở Campuchia), Kova đang trong quá trình mở rộng thêm nhà máy tại Malaysia và sắp hoàn thành nhà máy tại Đồng Nai chuyên sản xuất các dòng sơn nano từ vỏ trấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phụ phẩm hóa vàng: Biến trấu thành sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO