Nhớ giữ y đức

KHÁNH VÂN| 10/07/2009 09:41

Năm năm học đại học để trở thành dược sĩ, ra trường làm trình dược viên có uổng phí không? Phải làm gì để thay đổi định kiến “trình dược viên là người tác động đến việc kê toa của bác sĩ?”.

Nhớ giữ y đức

Năm năm học đại học để trở thành dược sĩ, ra trường làm trình dược viên có uổng phí không? Phải làm gì để thay đổi định kiến “trình dược viên là người tác động đến việc kê toa của bác sĩ?”. Tiếp xúc với sinh viên năm cuối khoa dược, anh Phạm Tấn Trung, Trưởng Phòng Tiếp thị Công ty cổ phần Dược phẩm Sanof -Aventis, người vừa được Tập đoàn Sanofi-Aventis trao giải thưởng Tiếp thị xuất sắc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, rất hiểu tâm tư của những dược sĩ tương lai vì chính anh cũng là dược sĩ.

Nỗi niềm dược sĩ 

Anh Phạm Tấn Trung chia sẻ: “Rất cần định hướng nghề nghiệp cho sinh viên bởi sinh viên ra trường chưa hiểu rõ công việc thực tế và cũng không biết được năng lực của mình phù hợp với công việc nào. Tốt hơn hết là giúp họ hiểu để khi quyết định vào làm việc ở công ty thì luôn ở tư thế sẵn sàng, ít bỡ ngỡ và có định hướng ngay từ đầu để có thể xây dựng cho mình mục tiêu nghề nghiệp tốt hơn. Chứ như tôi, tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM năm 1995, ra trường, chỗ nào nhận là làm ngay, không cần biết công ty lớn hay nhỏ vì chỉ cần có việc, có thu nhập. Đến lúc tôi chọn kinh doanh dược phẩm là nghiệp của mình thì đã làm việc tại Sanofi-Aventis 13 năm”.

Anh Phạm Tấn Trung nhận giải thưởng Tiếp thị xuất sắc khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Học dược sĩ mà làm trình dược viên có nên hay không, xã hội đánh giá mình thế nào? Anh Trung cảm thông với băn khoăn ấy của các tân dược sĩ, nhưng anh nói không nên suy nghĩ hẹp như vậy vì ngành dược từ lâu có công nghiệp dược lo việc sản xuất thuốc; có bộ phận tìm hiểu yêu cầu dược phẩm chữa bệnh để bào chế; có bộ phận kinh doanh để đưa thuốc đến nhà thuốc, bệnh viện. Sự phân công ngày càng rõ rệt nhưng tất cả đều liên quan với nhau. Dược phẩm có nhiều loại, nhiều nhãn hiệu, các bác sĩ cũng cần biết rõ đặc tính dược lý của từng loại thuốc. Việc cập nhật thông tin cho bác sĩ là rất quan trọng và không ai làm tốt hơn dược sĩ, tuy nhiên, dược sĩ phải có vai trò rõ ràng, nếu không sẽ trở thành người chỉ biết thuyết phục người ta mua thuốc và sử dụng thuốc.

Phụ trách tiếp thị, ai cũng mong công ty kinh doanh có hiệu quả. Anh Trung cũng biết, nếu chỉ trông bán được hàng thì anh thích cộng sự là những người học kinh tế, tiếp thị, quản trị kinh doanh, nhưng Sanofi-Aventis lại muốn tuyển dược sĩ vì họ có kiến thức về y - dược và cao hơn nữa là đã được giáo dục về y đức. Chính y đức không cho phép họ làm ngơ để bác sĩ kê toa mà không cảnh báo những tương tác thuốc, chống chỉ định có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bệnh nhân. “Tiếp thị giỏi nhưng kinh doanh thuốc thì phải nhớ giữ y đức”, anh Trung luôn tự nhắc mình và nhắc nhở cộng sự.

Thành tích tự đến từ đam mê

Phạm Tấn Trung đã trải qua nhiều thử thách và học được nhiều kinh nghiệm trong môi trường làm việc nghiêm túc ở Sanofi-Aventis. Trong vai trò quản lý, anh cho rằng sự kiểm soát gắt gao không bằng động viên mọi người làm việc và giữ gìn hình ảnh chung của công ty. Kinh doanh dược là một lĩnh vực đặc thù, ngoài đối tượng khách hàng là đại lý phân phối, các nhà thuốc, hai đối tượng quan trọng là bác sĩ và người dân. Thế nên, khi cần tổ chức những hoạt động chuyên môn hay giới thiệu loại thuốc mới, anh Trung phải nghĩ cách làm sao cho sự kiện phù hợp với từng đối tượng. Các bác sĩ không muốn bị xúc phạm bởi chuyện cạnh tranh giữa các công ty dược. Anh hiểu các bác sĩ rất quan tâm đến những nghiên cứu lâm sàng, phương pháp điều trị mới, rồi mới xem dược phẩm mới có tác dụng điều trị thế nào.

Thiếu kiến thức về quản trị và tiếp thị, anh theo học chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học UBI (Bỉ). Nhờ đó, anh hiểu thêm hiệu quả kinh doanh là kết quả của sự cân đối hợp lý giữa chi phí và lợi nhuận. Còn kế hoạch tiếp thị phải dựa trên những phân tích nhu cầu, thị trường để có giải pháp. Anh nói khó khăn lớn nhất của ngành dược là thông tin về thị trường còn hạn chế nên không đủ cơ sở vững chắc để xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả, dễ dẫn đến lãng phí nguồn lực.

Giải thưởng Tiếp thị xuất sắc khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Tập đoàn Sanofi-Aventis trao cho anh Trung đương nhiên có điểm hiệu quả tăng doanh thu, lợi nhuận khi anh được giao thực hiện kế hoạch tiếp thị cho hai nhãn hàng Calcium Corbière và Enterogermina. Nhưng điểm vượt trội để anh đoạt giải chính là thành quả về xây dựng quan hệ cộng đồng và đào tạo, phát triển nghề nghiệp cho nhân viên, giúp họ trở thành người quản lý sản phẩm giỏi. Anh tự đánh giá về mình: “Ham thích sáng tạo và đột phá đã giúp tôi có những trải nghiệm tốt để ứng dụng trong công việc cũng như góp ý cho đồng nghiệp, và cũng từ đồng nghiệp tôi lại có nhiều kinh nghiệm hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhớ giữ y đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO