Hành trình không đơn độc

THANH NGÂN| 25/07/2013 03:51

Từ bỏ công việc với mức lương nhiều người mơ ước, Nguyễn Thúy Uyên Phương bắt đầu một hành trình mới ở lĩnh vực giáo dục. Và mọi thứ đang rất thuận lợi bởi luôn có những người bạn đồng hành cùng cô.

Hành trình không đơn độc

Từ bỏ công việc với mức lương nhiều người mơ ước, Nguyễn Thúy Uyên Phương bắt đầu một hành trình mới ở lĩnh vực giáo dục. Và mọi thứ đang rất thuận lợi bởi luôn có những người bạn đồng hành cùng cô.

Đọc E-paper

Hãy bắt đầu khi có thể

Cho đến thời điểm này, Tomato có lẽ là trường ngoại khóa dành cho trẻ giai đoạn tiền tiểu học (4 - 5 tuổi) và tiểu học đầu tiên tại Việt Nam. Và người sáng lập trường chính là cô gái trẻ Nguyễn Thúy Uyên Phương, người đã từng làm trợ lý giám đốc ở một tập đoàn lớn khi vừa tốt nghiệp đại học và cũng từng làm phó giám đốc điều hành một trường đào tạo dành cho doanh nhân có tiếng ở TP.HCM.

Nhưng vị trí và mức lương hấp dẫn ấy vẫn không giữ chân được cô gái trẻ luôn sợ mình bị... lạc hậu. Thế nên cô đã chọn một hành trình mới, ở một lĩnh vực mới vốn chưa có tại Việt Nam.

Đã từng làm các chương trình cho sinh viên, Phương nhận ra các bạn trẻ vẫn còn thiếu nhiều thứ về kỹ năng sống. Nhưng nếu bắt đầu với lứa tuổi thanh thiếu niên thì quá trễ, cần phải làm điều gì đó ngay khi các em còn bé.

Nghĩ đến các bà mẹ trẻ vừa bận rộn với công việc ở cơ quan, vừa phải lo cho con khi về nhà, Phương đã nảy ra ý tưởng về một trường ngoại khóa mà ở đó các bé được trang bị những kỹ năng cần thiết trong tình thương yêu của cô giáo.

Hơn nữa, lâu nay, các bậc phụ huynh thường cho con học thêm rất nhiều môn học mà quên đi việc trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để trẻ có thể vững vàng bước ra ngoài xã hội. Vậy là Trường Ngoại khóa Tomato ra đời, không đơn thuần là trường học, mà vừa là trường vừa là nhà cho trẻ.

Trường ngoại khóa dành cho trẻ là mô hình đã phổ biến ở nước ngoài nên chương trình đã có sẵn và Tomato chỉ Việt hóa cho phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Dù rất muốn đưa ra những chương trình đào tạo mới, nhưng "tại sao mình không dùng những gì đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới mà phải nghiên cứu chi cho... phí sức; hơn nữa, chưa chắc những điều mình nghiên cứu đã bằng những cái có sẵn và hiệu quả đã được thực tế chứng minh", Phương bộc bạch lý do chọn chương trình đào tạo từ nước ngoài.

"Một cây làm chẳng nên non..."

Phương rất thích câu chuyện của người sáng lập Tập đoàn Honda, ông Soichiro Honda: Ông là người sáng lập Tập đoàn nhưng sẵn sàng nhường vị trí điều hành cho người khác để tập trung vào chuyên môn của mình là kỹ thuật. Và điều này đã được Phương ứng dụng vào Tomato.

Thời gian đầu, Phương giữ vị trí điều hành nhưng sau một thời gian, nhận thấy mình thích hợp hơn khi làm về chuyên môn nên cô đã nhường cho một người khác có khả năng hơn.

"Nếu làm việc gì đó mà chỉ có một mình thì rất đơn độc. Vì vậy, trong các dự án của Phương bao giờ cũng có sự góp sức của những người bạn. Và ai giỏi nhất thì sẽ giữ chức vụ quan trọng nhất", Phương chia sẻ.

So với những bạn cùng trang lứa, Uyên Phương đã rất thành công nhưng cô luôn khiêm tốn. Phương bảo mình may mắn được tiếp cận những người được mệnh danh là "những bộ óc lớn ở Việt Nam".

Cô chỉ nhận mình là người chăm chỉ, nghiêm túc với công việc và rất... may mắn. Phương đánh giá cao những người bạn đồng hành tại Tomato, bởi nhờ có họ mà Phương mới có thể cùng lúc thực hiện nhiều kế hoạch cũng như hoài bão của mình.

Điều Uyên Phương mong muốn là Tomato lan tỏa được vào các gia đình, cộng đồng để mọi người hiểu hơn tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ em.

"Huấn luyện cho trẻ những kỹ năng sống cũng quan trọng như việc trang bị những kiến thức trong học tập. Lâu nay chúng ta chỉ chú ý đến việc trang bị cho trẻ kiến thức về các môn học mà quên dạy "kỹ năng tư duy ngôn ngữ" cho các em", Phương nhận định. Và đó là lý do để Tomato thiết kế các khóa học trang bị kỹ năng đọc, viết và tư duy ngôn ngữ cho trẻ.

Mọi thứ chỉ mới bắt đầu và dẫu biết rằng khó khăn đang chờ mình ở phía trước nhưng Phương không bao giờ chọn cách "vượt qua khó khăn bằng mọi giá”, bởi "nếu không làm được lần này, mình có thể làm những lần khác.

Còn nếu làm bằng mọi giá, chắc chắn phải đánh đổi nhiều thứ". Cô bảo, trong giáo dục, tài sản lớn nhất là uy tín và niềm tin. Nếu mất một trong hai điều này thì mất tất cả và không thể lấy lại.

Vì thế, dù có bị áp lực về tài chính (điều mà Uyên Phương đã dự liệu) thì Tomato cũng không thể để mất hai điều này. Dù mới ở bước khởi đầu và còn một hành trình dài phải vượt qua, nhưng Phương tin Tomato không thể chỉ dừng lại ở một ý tưởng hay, của những người sáng lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành trình không đơn độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO