Giám đốc điều hành Laundpro: Hai lần khởi nghiệp, một lần vui

ĐẶNG QUÝ YÊN| 15/07/2016 06:16

Rời bỏ vị trí đáng mơ ước ở bộ phận iTunes của Apple để trở về quê hương, mở cửa hàng giặt sấy, Nguyễn Anh Sơn đã gây dựng thành công mô hình kinh doanh có thể đạt mức lợi nhuận hơn 30% mỗi tháng.

Giám đốc điều hành Laundpro: Hai lần khởi nghiệp, một lần vui

Rời bỏ vị trí đáng mơ ước ở bộ phận iTunes của Apple để trở về quê hương, mở cửa hàng giặt sấy, Nguyễn Anh Sơn đã gây dựng thành công mô hình kinh doanh có thể đạt mức lợi nhuận hơn 30% mỗi tháng. 

Đọc E-paper

Hai mươi sáu tuổi, sở hữu chuỗi 3 cửa tiệm giặt sấy tự động tại TP.HCM, nhưng điều khiến Sơn tự hào là phát minh hệ thống thanh toán tự động, cơ chế làm nên sự khác biệt cho mô hình kinh doanh mà ai cũng có thể làm được.

Nguyễn Anh Sơn, chủ nhân chuỗi giặt sấy tự động Laundpro - Ảnh: Khoa Tư

Thất bại ngay lần đầu khởi nghiệp

Theo Anh Sơn, đây là hệ thống tự cấp thẻ thành viên cho người dùng mới, tự nhận tiền thanh toán từ khách hàng, do vậy, đến với Laundpro, khách hàng không gặp nhân viên mà tự phục vụ hoàn toàn, từ đăng ký thông tin đến giặt, sấy. "Tất cả các công đoạn đều giao tiếp thông qua điện thoại thông minh, với số điện thoại dùng để đăng ký thành viên.

Người dùng chỉ cần nạp tiền vào tài khoản, sau đó sẽ được hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, khi công đoạn giặt hoàn thành, hệ thống sẽ nhắn tin để người dùng đến chuyển quần áo sang hệ thống sấy, và khi công đoạn sấy hoàn thành, người dùng cũng nhận được tin nhắn từ hệ thống để đến lấy quần áo về. Tổng thời gian giặt, sấy là khoảng hơn một tiếng đồng hồ”, Sơn cho biết.

Laundpro sử dụng hệ thống máy giặt sấy Speed Queen của Tập đoàn Alliance Laundry Systems, Mỹ, thương hiệu nổi tiếng thế giới chuyên sản xuất thiết bị ngành giặt. Sơn tiết lộ: "Hệ thống giặt sấy này giúp tôi tiết kiệm điện, nước giảm chi phí, nhưng quan trọng là tạo lợi thế cạnh tranh".

Năm 2013, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Mỹ, có được việc làm ở bộ phận iTunes của Apple, thương hiệu danh giá nhất hiện nay, nhưng Sơn vẫn thấy đó chưa phải là điều mình đang hướng đến. Về Việt Nam để thư giãn sau những ngày làm việc vất vả, Sơn đi du lịch và cảm thấy không hài lòng với dịch vụ giặt sấy ở những nơi mình ghé đến và đây chính là lý do để Sơn khởi nghiệp kinh doanh.

Gom góp tiền tiết kiệm, vay thêm gia đình, Sơn mở cửa tiệm giặt sấy tự phục vụ đầu tiên và... thất bại. Anh kể, do đầu tư dòng máy thông thường, khoản khấu hao sau thời gian sử dụng không ít, chi phí sửa chữa máy ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận khiến dịch vụ của Sơn tiến đến bờ phá sản.

Đứng lên sau thất bại

May mắn đến với Sơn khi anh tìm được Speed Queen. Chi phí đầu tư máy cao hơn nhiều so với giải pháp Sơn chọn trước đó nhưng bù lại, giá thành dịch vụ rất phải chăng. Tuy nhiên, quy trình chuyển đổi thiết bị lại là một sai lầm của Sơn. Sơn cho biết, do phải cân đối tài chính sát sao nên anh thanh lý hết hệ thống máy cũ để có tiền nhập thiết bị mới.

Quá trình nhập khẩu máy móc cũng kéo dài nên dịch vụ của Sơn bị gián đoạn. Lượng khách hàng có được thời gian đầu khởi nghiệp xem như mất trắng. Với Sơn, tái khai trương Laundpro giống như lần khởi nghiệp thứ hai, tất cả phải làm lại từ đầu.

Tuy nhiên, nhờ những kinh nghiệm có được từ lần đầu mà lần "tái xuất" này Laundpro hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn. Ví dụ, hóa chất Laundpro sử dụng được nhập từ Thái Lan, sản xuất theo tiêu chuẩn của Mỹ, đảm bảo an toàn 100% cho da và được Green Globe cấp chứng nhận là không gây độc hại cho môi trường.

Đây cũng là thời gian Sơn cùng nhóm bạn hoàn thành nghiên cứu hệ thống thanh toán, cấp thẻ thành viên tự động. Ứng dụng vào Laundpro, Sơn cho ra đời mô hình cửa hàng giặt sấy không cần nhân viên, rất thuận lợi cho việc kinh doanh. Và tất nhiên phải có thời gian cho người dùng làm quen với dịch vụ nên vẫn cần nhân viên hướng dẫn trong thời gian đầu.

Theo Anh Sơn, một ưu điểm khác của mô hình Laundpro là mặt bằng không cần quá lớn, chỉ 20 - 30m2 là đủ nên không quá khó để mở cửa hàng ở các thành phố lớn hay các điểm du lịch. "Đối tượng khách hàng chúng tôi hướng tới đầu tiên là sinh viên, cư dân ở các khu chung cư mới và các khu công nghiệp", Sơn cho biết.

Thống kê của Laundpro cho thấy, trung bình có khoảng 8 khách hàng mới đăng ký/ngày và con số này đang tiếp tục tăng lên. Tỷ lệ khách hàng quay lại sau lần đầu tiên sử dụng dịch vụ lên đến hơn 90%. Mức lợi nhuận sau khi trừ các chi phí lên đến hơn 30%. Sơn tính toán: "Doanh thu từ 3 cửa tiệm trong vòng 2 tháng sẽ giúp tôi có thể đầu tư thêm một cửa tiệm nữa".

Tuy nhiên, để có thể đi nhanh hơn, Sơn bắt đầu mở cửa cho việc nhượng quyền thương hiệu hệ thống Laundpro. Bởi sau khi kết nối với Speed Queen, hiện Sơn là nhà phân phối chính thức của thương hiệu này tại Việt Nam. "Ở Việt Nam, mô hình này còn mới nhưng lại là nhu cầu thường nhật nên dịch vụ của Laundpro sẽ không bị thoái trào, cũng như nó đã tồn tại từ rất lâu ở Mỹ. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để việc sử dụng dịch vụ giặt sấy tự động ngày càng phổ biến", Sơn nói.

>5 lợi ích của thất bại

>Johnn C.Maxwell: Thất bại là một bài học quý

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giám đốc điều hành Laundpro: Hai lần khởi nghiệp, một lần vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO