Giá trị mới của nghề thủ công mỹ nghệ

PHẠM THỦY| 16/02/2017 06:27

Người khởi nghiệp không cần phải đi tìm những ý tưởng cao xa mà hãy tìm ngay trong chính địa phương mình, đất nước mình.

Giá trị mới của nghề thủ công mỹ nghệ

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh - Giám đốc dự án Praxis Partnership hợp tác giữa Đại học Việt Đức và Đại học Leipzig (Đức) cho biết: "Muốn bắt kịp xu thế kinh doanh của thế giới cần có tư duy toàn cầu: tạo ra giá trị mới". Và theo bà, người khởi nghiệp không cần phải đi tìm những ý tưởng cao xa ở tận đâu đâu, mà hãy tìm ngay trong chính địa phương mình, đất nước mình. 

Đọc E-paper

Những cải tiến về quy trình và công nghệ đã giúp gia tăng giá trị của các sản phẩm ra đời từ thói quen, truyền thống văn hóa. Cũng là sản phẩm có xuất xứ địa phương, nhưng mỗi chiếc khăn lụa Hermès sản xuất được cả thế giới biết đến như là một công trình thủ công công phu.

Họ xây dựng thương hiệu bằng cách thêm vào các giá trị của truyền thống, của văn hóa địa phương kết hợp với kỹ thuật và tính thẩm mỹ: từng công đoạn như kéo sợi tơ từ hàng trăm chiếc kén, dệt sợi thành vải lụa rồi in hoa văn với kỹ thuật in truyền thống đều được phả vào hơi thở của văn hóa địa phương.

Vì sao họ cũng dệt lụa như lụa Hà Đông, lụa Lãnh Mỹ A, lụa Vạn Phúc của Việt Nam nhưng những chiếc khăn Hermès có giá tới hàng nghìn USD vẫn khiến biết bao người tiêu dùng khao khát mỗi khi họ tung ra các bộ sưu tập?

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được đánh giá là một trong 10 ngành có giá trị và tiềm năng xuất khẩu lớn nhất ở Việt Nam. Hiện cả nước có trên 1.500 doanh nghiệp và cơ sở tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Với đặc thù có nhiều làng nghề trải dài khắp cả nước, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ là lĩnh vực Việt Nam có nhiều lợi thế.

Mô hình thuyền buồm - sản phẩm mỹ nghệ hấp dẫn du khách

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ vẫn đứng trước khó khăn về cơ sở hạ tầng và dịch vụ; thiếu đội ngũ thiết kế và phát triển sản phẩm chuyên nghiệp, thiếu các trung tâm thiết kế, sáng tạo và trưng bày sản phẩm; thiếu vốn và nguồn nguyên liệu...

Ngoài ra, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, hầu hết chưa có thương hiệu nên sức cạnh tranh kém. Phần lớn là gia công theo đơn đặt hàng nên giá cả, giá trị gia tăng thấp. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này tại các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản và Đức đều giảm nhẹ.

Tuy vậy, theo bà Trần Thiên Trà, Giám đốc Doanh nghiệp Xã hội Ariska, đây chính là cơ hội cho người khởi nghiệp nếu biết tận dụng phát triển lợi thế cạnh tranh trong việc nâng cao giá trị văn hóa, truyền thống lâu đời, trong đó lợi thế lớn nhất của thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam là độ tinh xảo, thẩm mỹ cao trong từng sản phẩm.

Bà Trà cho biết, bên cạnh các thương hiệu mây tre lá khá nổi trên thị trường ngoài nước, mới đây, sản phẩm guốc gỗ chạm khắc hình rồng F4F (Fashion 4 Freedom) đã xuất đi hơn 160 quốc gia, nhờ vào việc khai thác, vận dụng nghệ thuật điêu khắc trên gỗ cho hoàng cung và chùa chiền đã bị mai một của Việt Nam vào trong thiết kế.

Thông qua những hình chạm khắc của đôi guốc gỗ được làm thủ công hoàn toàn, mất khoảng 20 ngày, guốc F4F đã chuyển tải nghệ thuật điêu khắc trên gỗ tuyệt đẹp từ ngàn xưa của Việt Nam qua lăng kính của những nhãn hàng cao cấp hiện đại. Nhờ vào việc đề cao giá trị truyền thống trong xây dựng thương hiệu, kết hợp với tài năng thiết kế, một đôi guốc gỗ F4F có giá tới vài trăm USD so với giá vài chục ngàn đồng của những đôi guốc sản xuất đại trà.

>>Khơi ý tưởng từ đời sống doanh nghiệp Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá trị mới của nghề thủ công mỹ nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO