Đế chế Kuok Group bao gồm chuỗi khách sạn cao cấp Shangri-La, Kerry Properties và công ty dầu cọ Wilmar International với khối tài sản ước tính 12,9 tỉ USD. Trong khi các anh chị của Yen đang nắm giữ những vị trí chủ chốt của tập đoàn gia đình thì cô đã chọn con đường khởi nghiệp riêng. Yen Kuok thành lập Guiltless, một trang mạng chuyên kinh doanh ký gửi hàng hiệu cao cấp giảm giá hoặc đã qua sử dụng.
Mua sắm hàng hiệu “second-hand” không phải là chuyện lạ ở Mỹ và châu Âu, nếu không muốn nói rằng xu hướng này đã trở thành cơn sốt. Thế nhưng, tại châu Á, mua hàng đã qua sử dụng lại được xem như “chuyện cấm kỵ”. Mặc dù vậy, nhà sáng lập và CEO 27 tuổi này lại vững tin rằng “phương Đông luôn chậm hơn phương Tây nửa nhịp và xu hướng này sẽ sớm thịnh hành ở châu Á”.
Có lẽ nhu cầu chỉ đang hình thành, nhưng nguồn cung của mặt hàng này lại không thiếu. Theo Samuel Lim, đồng sáng lập của Công ty Thương mại Điện tử Reebonz (Singapore), trong hơn 15 năm qua, châu Á đã tích trữ một lượng lớn các mặt hàng cao cấp đã qua sử dụng. Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều thương hiệu cao cấp và nhà phân phối đã tìm cách để thanh lý hàng tồn kho và khi mà thương mại điện tử bắt đầu cất cánh thì tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này là rất lớn.
Dù nhu cầu đang gia tăng nhưng nhà cung cấp cần phải tạo được niềm tin cho khách hàng khi mua sắm mặt hàng này qua kênh trực tuyến. Vấn đề nhận thức của người tiêu dùng còn là thách thức lớn hơn với Guiltless. Nói chung, người châu Á ưu ái các xu hướng và phong cách thời trang mới nhất, họ “kỵ” bất cứ thứ gì, đặc biệt là quần áo, đã qua sử dụng hoặc qua mùa.
Tự nhận mình là một người nghiện mua sắm, nhà sáng lập Yen Kuok nhận thức rõ bài toán PR mà cô phải đối mặt để có thể thay đổi nhận thức, thái độ của người tiêu dùng. Không chỉ mang lại cho người mua nhiều mặt hàng phong phú như tại các cửa hàng thời trang cao cấp, đội ngũ của Guiltless còn bảo đảm rằng sản phẩm của bên ký gửi là hàng thật, được giặt khô theo chuẩn chuyên nghiệp và đóng gói cẩn thận trong những chiếc hộp sang trọng. Sản phẩm cũng trải qua quá trình sàng lọc kỹ càng và chuỗi cửa hàng “pop-up” của họ (cửa hàng tạm thời trong một thời gian cố định) sẽ sớm ra mắt tại nhiều thành phố lớn của châu Á.
Theo Yen Kuok, khách hàng sẽ đến từ tầng lớp trung lưu của Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á – nơi mà nhiều người muốn sở hữu hàng hiệu cao cấp nhưng chưa hẳn có đủ sức mua các sản phẩm hoàn toàn mới.
Gửi bình luận