Việc có một cố vấn phù hợp, công tâm và không phán xét sẽ thực sự đem lại nhiều lợi ích hơn bạn nghĩ. Ảnh: iS |
Trên thực tế, nhiều doanh nhân không hề có sự chuẩn bị tâm lý cho “ngày sau”. Họ không cho phép bản thân suy nghĩ về những thứ nằm ngoài công việc kinh doanh, bởi vì nghĩ rằng nó sẽ khiến họ bị phân tâm và khó đạt được tầm nhìn của mình. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như quãng thời gian kinh doanh của họ chấm dứt?
Dù vì bất kỳ lý do gì, dù công ty được bán lại với giá hàng triệu đô hay hoàn toàn thua lỗ, việc một “công trình” với bao mồ hôi nước mắt bất ngờ vuột khỏi tầm tay cũng sẽ dễ dàng dẫn họ đến trạng thái trống rỗng. Nếu không có thứ gì để lấp đầy khoảng trống đó, nhiều người có thể bị đẩy đến tình trạng muốn nghĩ về việc tự tử, thậm chí ở cả những người không hề có tiền sử bị trầm cảm.
Trong một bài viết trên Inc., Heather Wilde - tác giả, diễn giả, CTO của Công ty ROCeteer (chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, huấn luyện cho startup và doanh nghiệp nhỏ trên khắp thế giới) kể về trải nghiệm của chính mình:
"Từ khi còn nhỏ, tôi đã ước mơ được trở thành phi hành gia. Tôi đã dành tất cả thời gian và làm tất cả mọi thứ để hướng đến mục tiêu đó. Và thông qua một chương trình du hành vũ trụ tại Trung tâm Phi hành không gian Marshall, tôi đã sắp đạt được mục tiêu của mình.
Cho đến một ngày, một bác sĩ lĩnh vực thần kinh học đã “cướp mất” tất cả từ tôi. Hóa ra, chính cơ thể đã phản bội tôi, bởi vì bộ não có một khuyết điểm khiến tôi không thể bay vào không gian, hoặc thậm chí làm những thứ dễ dàng hơn thế, chẳng hạn như lặn biển. Lúc nghe vị bác sĩ này “tuyên án tử”, tôi thực sự cảm thấy lý do sống của mình đã biến mất.
Khi rời khỏi căn phòng của ông ấy, tôi lái xe lên một đỉnh núi và đỗ lại bên một sườn dốc đứng. Tôi cứ thế ngồi trên mui xe trong một trạng thái giống như bị thôi miên. Và sau đó tôi mới được biết rằng mình đã ngồi như vậy trong suốt… 3 ngày liên tục.
Trong khoảng thời gian đó, tôi tự hỏi mình vừa nghe thấy điều gì vậy. Tôi tự hỏi về mục đích cuộc đời mình cho đến thời điểm đó, và nhận ra tất cả chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.
Tôi không thể di chuyển nổi cơ thể, cho đến khi tôi nhớ về một người bạn học mà tôi từng rất ngưỡng mộ - người đã qua đời 5 năm trước đó. Tôi tự hỏi, nếu anh bạn ấy có thêm một ngày sau nữa, anh ấy sẽ làm gì với nó?
Và tôi chợt nhận ra, anh ấy dĩ nhiên sẽ chỉ đi đến trường, chơi game, trò chuyện với bạn bè – những điều mà một đứa trẻ 13 tuổi thường làm.
Lần đầu tiên theo đúng nghĩa đen, suy nghĩ này xuất hiện trong tôi, rằng: Cuộc đời không nhất thiết phải là những ước mơ hay tầm nhìn vĩ đại mỗi ngày, nó chỉ là bất cứ thứ gì bạn tạo ra.
Chính suy nghĩ đó đã giúp tôi quay trở lại cầm vô lăng và lái xe xuống núi, để rồi thấy được gia đình và bạn bè đang hoảng loạn tìm kiếm mình. Họ là những người đã không xuất hiện trong suy nghĩ của tôi khi còn ở trên đỉnh núi, nhưng lúc này bỗng nhiên trở nên cực kỳ quan trọng với tôi".
Là doanh nhân, đôi khi có thể thật khó khăn để nghĩ về những điều… bình thường. Doanh nhân được cho là luôn phải trở nên rất hoàn hảo, và tuyệt vời, và “vĩ đại”. Vì vậy, khi những giấc mơ vụt khỏi tầm tay, bất kể do chúng thành công hay thất bại, họ đều cảm thấy khó thể chấp nhận thực tế. "Dù có thể bạn nghĩ rằng điều tương tự sẽ không bao giờ xảy ra với mình, cẩn thận vẫn tốt hơn", Heather Wilde cho biết.
Cuộc đời không nhất thiết phải là những ước mơ hay tầm nhìn vĩ đại mỗi ngày, nó chỉ là bất cứ thứ gì bạn tạo ra.
Theo Heather Wilde, có một số gợi ý nhỏ để giúp doanh nhân chuẩn bị tâm lý cho “ngày sau”, đây cũng có thể được coi là một loại kỹ năng sống quan trọng dành cho doanh nhân nói riêng và hầu hết mọi người nói chung:
1. Mở rộng các mối quan hệ xã hội
Đây có thể là phần khó nhất. Nhưng điều tệ nhất bạn có thể làm là tách biệt bản thân mình với thế giới. Không tính đến việc đăng nội dung lên các trang mạng xã hội, hãy bước ra ngoài kia với cộng đồng, với các nhóm thiện nguyện – nơi bạn có thể tiếp cận với những người có những nhu cầu khác với mình.
2. Đi đâu đó
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp, điều tốt nhất là hãy làm điều gì đó hoàn toàn khác với trước đây.
Việc sắp xếp tận hưởng một kỳ nghỉ ngắn cũng có thể giúp bạn nhanh chóng thích nghi với điều mới mẻ vừa xảy ra trong cuộc sống của mình.
3. Tìm một cố vấn
Khi phải đối diện với bất kỳ thay đổi lớn nào trong cuộc sống, một ý tưởng tốt là hãy nói chuyện với ai đó về nó. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nhân, chúng ta có xu hướng không chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc sâu xa với những người thân cận.
Việc có một cố vấn phù hợp, công tâm và không phán xét sẽ thực sự đem lại nhiều lợi ích hơn bạn nghĩ.
4. Bắt đầu một dự án mới
Các doanh nhân thường không bị thiếu ý tưởng. Nếu bạn bỗng nhiên thấy mình có quá nhiều thời gian rảnh, hãy tìm thứ gì đó mới mẻ để lấp đầy những khoảng trống thời gian đó. Nó sẽ mang đến cho bạn cảm giác mình có mục đích để hướng đến.
5. Đừng cùng lúc thay đổi quá nhiều thứ
Bất kể bạn làm gì, đừng cố gắng ngay lập tức thay đổi quá nhiều thứ trong cuộc sống. Trong giai đoạn chuyển tiếp ban đầu, bạn có thể trải qua một “cơn cám dỗ” lớn, thúc đẩy bạn làm những thứ với xu hướng… phá bỏ, dẹp bỏ. Để chống chọi lại sự thúc đẩy đó, hãy cố gắng không thực hiện nhiều thay đổi quá nhanh chóng, và ở một thời điểm, đừng làm nhiều hơn một thứ mới mẻ.
Và cuối cùng, cách tốt nhất để chuẩn bị cho “kế hoạch ngày sau” này là đảm bảo rằng bạn phải có nhiều hơn một “lý tưởng” để tập trung dồn hết toàn bộ cuộc sống của mình cho nó. Bằng cách đó, khi rời khỏi nó (hoặc nó rời khỏi bạn), bạn cũng sẽ không cảm thấy vấn đề đó quá to tát.