Vì sao dòng văn học sci-fi chưa phát triển ở Việt Nam?

KHÁNH BÌNH| 12/03/2017 06:45

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng (sci-fi) là thể loại được khá nhiều người ưa thích, nhưng ở Việt Nam có rất ít nhà văn theo đuổi thể loại này.

Vì sao dòng văn học sci-fi chưa phát triển ở Việt Nam?

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng (science fiction - sci-fi) là thể loại được khá nhiều người ưa thích. Thế nhưng ở Việt Nam có rất ít nhà văn theo đuổi thể loại này.

Đọc E-paper

Dòng văn học sci-fi có lịch sử từ thời Phục hưng và phát triển đến hôm nay. Nhà văn sci-fi nổi tiếng Robert A. Heinlein của Mỹ từng định nghĩa: "Thể loại sci-fi được hình thành thông qua sự quan sát thực tại để đưa ra những dự đoán về tương lai, dựa trên nền tảng tri thức về thế giới từ quá khứ đến hiện tại, cũng như về bản chất và tầm quan trọng của các phương pháp khoa học".

Tiến trình phát triển của dòng văn chương sci-fi để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như Utopia của Thomas More, Micromega của Voltaire, Frankeinstein hay Prometheus hiện đại của Mary Shelley...

Tiểu thuyết sci-fi có một số phân nhánh đặc trưng: viễn tưởng về tương lai nhân loại, viễn tưởng về khoa học và công nghệ, du hành vượt không gian, thời gian, nghiên cứu về các vũ trụ song song, người ngoài hành tinh...

Ở Việt Nam, từ giữa thế kỷ XX, bạn đọc đã biết đến tác phẩm của nhà văn Jules Verne như Hai vạn dặm dưới đáy biển, hay Alexander Romanovich Belyaev (Nga) với Hòn đảo tàu ma, Người cá... Tuy nhiên, theo nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam hiện nay, dòng văn học này vẫn chỉ tập trung ở mảng sách dịch.

Nhà văn Phan Hồn Nhiên là một trong số hiếm hoi tác giả có tác phẩm sci-fi. Viết sách từ năm 1992 và đã có nhiều tác phẩm như Chuỗi hạt Azoth, Xuyên thấm, Những đôi mắt lạnh, Cánh trái..., nhưng mãi đến năm 2011, trong thời gian theo học khóa viết văn tại Đại học Iowa (Mỹ), Phan Hồn Nhiên mới bắt đầu tìm hiểu thể loại sci-fi.

Về nước, chị chuyên sâu vào thể loại văn học này. Mấy năm qua, nữ tác giả không ngừng trau dồi, học hỏi và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để phát hành bộ 3 sách sci-fi gồm Máu hiếm, Luật chơiHiện thân...

Một nhà văn khác là Hà Thủy Nguyên cũng có một tiểu thuyết sci-fi mang tên Thiên mã. Là dịch giả của nhiều tác phẩm sci-fi như Xứ cát (Frank Herbert), Mãi đừng xa tôi (Kazuo Ishiguro), nhưng nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng cũng chỉ mới "chạm" vào thể loại này.

Cuốn tiểu thuyết dịch Life Navigator 25 mới ra mắt của ông không hẳn thuộc thể loại sci-fi, mà sci-fi chỉ là một trong những yếu tố để kể chuyện, góp phần vào việc tạo chi tiết, tình tiết và không khí cho truyện.

Nhà văn Phan Hồn Nhiên từng tin rằng fantasy (kỳ ảo) và sci-fi là "lãnh địa" của những người viết trẻ, bởi tinh thần tự do, cơ hội dấn thân, tính bay bổng, vượt qua rào cản và khả năng thử nghiệm rộng lớn mà 2 thể loại này mang đến. Thế nhưng trên thực tế, không có nhiều tác giả trẻ mặn mà với thể loại này.

Một số tiểu thuyết sci-fi nước ngoài xuất bản ở Việt Nam

Trên diễn đàn Gác sách, một bạn trẻ viết: "Thường ở Việt Nam, các tác giả bị ảnh hưởng nhiều bởi phim ngôn tình nước ngoài nên mới có nhiều tác phẩm ngôn tình đến vậy, trong khi số tác giả trẻ của thể loại giả tưởng hay khoa học lại quá ít, có tác phẩm để đời càng ít hơn".

Ở nước ngoài, rất nhiều tác phẩm sci-fi nằm trong danh sách best-seller. Còn ở nước ta, sách văn học fantasy như Eragon, Harry Potter hay Twilight (Chạng vạng) được độc giả đón nhận rất nồng nhiệt, thậm chí có thể xem là "cơn sốt", trong khi rất hiếm cuốn sci-fi nào được chào đón như thế.

"Tôi nghĩ, để đọc sci-fi thì trước hết phải yêu thích khoa học, chứ nếu bạn không hề thích khoa học, ví dụ như không quan tâm tới thuyết tương đối hay biến đổi gene thì e cũng khó. Trước hết, đây là vấn đề thiên hướng của tư duy, nếu như bạn có xu hướng bẩm sinh thích tưởng tượng một cách có logic thì có lẽ bạn sẽ đến với sci-fi một cách tự nhiên", dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng phân tích.

Dường như đã có rất nhiều người nhầm lẫn sci-fi với fantasy. Theo định nghĩa của nhà văn Rod Serling thì fantasy là hợp lý hóa những điều không bao giờ khả thi, còn sci-fi là khả thi hóa những điều khó xảy ra.

Cũng trên Gác sách, bạn trẻ quan tâm đến tiểu thuyết sci-fi viết: "Có lúc mình để ý việc đọc các tác phẩm cả in lẫn mạng thì thấy hầu hết là truyện ngôn tình, tình cảm, có một vài bạn đọc giả tưởng nhưng cũng chỉ lướt qua, hoặc đọc xong cho biết sách chả để lại ấn tượng gì”.

Một bạn đang tập viết sci-fi nhận định: "Sci-fi không phải là thể loại dễ viết, bởi ý tưởng nghĩ ra phải phù hợp với khoa học, vừa mang tính viễn tưởng để không bị khô khan như một cuốn sách lý thuyết, đồng thời đòi hỏi tác giả phải am hiểu khoa học. Các tác giả trẻ thích fantasy hơn vì nó tự do bay bổng trong trí tưởng tượng mà không bị giới hạn bởi các quy luật thông thường, các định luật vật lý mà chúng ta đang áp dụng trong đời sống thực tại".

Vậy có lẽ văn học sci-fi vẫn phải chờ một thời gian nữa để phát triển ở Việt Nam.

>"Cơn sốt" văn chương thần tượng

>7 thành phố văn học của châu Âu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao dòng văn học sci-fi chưa phát triển ở Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO