Những câu chuyện cũ mà mới

TUYẾT NHUNG - PHÚC AN| 13/04/2013 01:01

Đây là những câu chuyện cũ nhưng rất mới, về quá khứ mà như nói cho tương lai, mộc mạc mà như những bài giảng quý…

Những câu chuyện cũ mà mới

Đây là những câu chuyện cũ nhưng rất mới, về quá khứ mà như nói cho tương lai, mộc mạc mà như những bài giảng quý… Những ai muốn tìm hiểu về kinh tế và quản trị, về làm giàu và đầu tư, về tri thức và ứng dụng, sẽ có thêm một cuốn sách hay.

Tác giả: Alan Phan NXB Thời Đại Bản quyền: ThaihaBooks

Tác giả: Alan Phan
NXB Thời Đại
Bản quyền: ThaihaBooks


Về tác giả:

Tiến sĩ Alan Phan là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987. Năm 1999, Tập đoàn Hartcourt của ông đạt mức thị giá lên đến 670 triệu USD, hiện nay đã tách thành năm công ty (HRCT, SRRY, ETLK, ENVI và SPXP) và tiếp tục niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc vào năm 1997. Trước đó, ông đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các công ty đa quốc gia cũng như các ngân hàng lớn ở Wall Street.

Hiện nay, Tiến sĩ Alan Phan đang là Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA (quỹ riêng của gia đình) và là chuyên gia tư vấn về các thị trường đang nổi (Emerging Markets) cho một số công ty đa quốc gia tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Ông cũng là cổ đông lớn tại 6 công ty đại chúng ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Nội dung chính:

Phần 1: Căn bản đạo đức
Giá trị của tài sản mềm

Tôi có đến thăm tập đoàn Foxconn ở Shenzen hai năm về trước. Nhà máy hiện đại với hơn 30 ngàn nhân công, hệ thống dây chuyền sản xuất và các phòng “sạch” (clean room) vĩ đại trông rất ấn tượng.

Sản phẩm lớn nhất họ gia công là các iPhone, iPad, iPod cho Apple. Trong khi Apple làm chủ bản quyền trí tuệ và thương hiệu nên kiếm lời khoảng 140 USD mỗi đơn vị iPhone, lợi nhuận của Foxconn khoảng 7 USD một chiếc.

Những công ty có thị giá cao nhất trên thế giới đều là những công ty mà giá trị mềm vượt trội: Google, Microsoft, Facebook, Pfizer, Oracle, IBM… Không một công ty bất động sản nào nằm trong top 100 công ty hàng đầu.

Tài sản mềm mang giá trị quan trọng nhất trong lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế tương lai.

Tài sản mềm của Việt Nam

Liệu chúng ta có thể đánh giá được những tài sản mềm của Việt Nam? Vai trò của chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào trong chiến lược kinh tế khu vực và toàn cầu? Hãy kiểm điểm:

1. Tài sản con người

Hai yếu tố tạo mũi nhọn cho đội ngũ nhân lực là sáng tạo và năng động. Đây là phạm trù của tuổi trẻ và Việt Nam thường hãnh diện với một dân số mà 65% (trên 50 triệu người) dưới 30 tuổi.

Tuy nhiên, sự yếu kém của nền giáo dục lý thuyết từ chương đã làm què quặt tiềm năng này. Công ty Intel đã không tìm ra đủ 180 nhân viên trung cấp cho nhà máy 1 tỷ đô la của họ ở Thủ Đức và phải nhập khẩu một số lớn chuyên viên từ Malaysia và Philippines. Các công ty FDI khác tại Việt Nam cũng có những than phiền tương tự.

2. Thương hiệu quốc gia

Nhờ vai trò lịch sử trong 2 cuộc chiến tranh Pháp-Mỹ, Việt Nam đã có tiềm năng để nổi tiếng và tạo thiện cảm với nhân dân thế giới. Tuy nhiên sau 37 năm từ ngày chấm dứt chiến tranh, sự thiếu vắng những thành quả ấn tượng trên mọi lĩnh vực từ kinh tế đến khoa học, từ nghệ thuật đến thể thao đã bào mòn thương hiệu Việt Nam.

3. Vị thế trên thị trường


Mọi nền kinh tế cũng như doanh nghiệp đều có thể tạo cho mình một thế mạnh trong các thị trường ngách, mà không cần đến các yếu tố cạnh tranh trên.

Hai ngành nghề tôi tin là Việt Nam có thể dẫn đầu tại ASEAN nếu biết phát triển đồng bộ và sáng tạo. Thứ nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, an toàn được đảm bảo bởi những cơ quan kiểm phẩm nổi danh thế giới là bước đầu.

Thứ hai là ngành IT (công nghệ thông tin) tại các thành phố lớn bao quanh bởi các đại học tiên tiến và hiện đại.

4. Văn hóa gia đình và xã hội

Người Việt Nam có một sự gắn bó chặt chẽ với gia đình, làng xóm và đất nước, nên sự đùm bọc và tiếp sức tạo một thế đoàn kết mạnh hơn chủ nghĩa cá nhân của Âu Mỹ. Nhưng đây cũng có thể là một bất lợi vì tầm nhìn bị giới hạn, tâm lý bầy đàn rất cao, và quá gần nhau thì cũng dễ xảy ra xích mích mâu thuẫn.

Tải sản mềm của nước Mỹ

Dù đa dạng, phức tạp và có thể gây nhiều tranh cãi, trong góc nhìn của tôi, 5 tài sản mềm lớn nhất của nước Mỹ gồm có:

1. Niềm tin của người dân

Nếu hỏi một người Mỹ là họ tin vào cái gì, ngoài đức tin vào tôn giáo riêng, câu trả lời sẽ là một giao ước xã hội (social contract).

Niềm tin là nền tảng chung cho mọi thành phần trong sự vận hành quốc gia, và nó tạo sự bền vững cho mọi kế hoạch, ngắn và dài hạn, của cá nhân hay của chính phủ.

2. Văn hóa Mỹ quốc

Căn bản của nền văn hóa dân gian này là sáng tạo trong trí tuệ, hăng say trong công việc, chơi đùa và mua sắm thỏa thích, tôn trọng riêng tư, không ngần ngại sử dụng quyền lực của mình, minh bạch trong thông tin, cởi mở thân thiện với người lạ và ý tưởng mới, không trừng phạt thất bại và tiếp tục cố gắng trong mọi hoàn cảnh.

Trên hết, người Mỹ lạc quan vào sự thành công tối hậu của mục tiêu đời mình.

Văn hóa Mỹ đã đóng góp rất nhiều cho bộ mặt ngày nay của ngôi làng toàn cầu với những thay đổi và cải thiện liên tục.

3. Nguồn trí tuệ và tài năng


Ngày xưa mọi con đường đều dẫn đến La Mã. Ngày nay mọi tài năng đều tìm về đấu trường Mỹ.

Niềm tin về giao ước xã hội và văn hóa cởi mở là lý do chính cho sự du nhập của các tài năng thế giới. Đất lành thì chim đậu.

4. Thương hiệu quốc gia

8 trong 10 thương hiệu hàng đầu của thế giới là của Mỹ. Sự thay máu nhanh chóng của tư duy, tầm nhìn và trí tuệ Mỹ là một vũ khí rất năng động để giữ vững giá trị của thương hiệu khi đối diện với cạnh tranh.

5. Cơ chế chính trị và xã hội

Sau cùng, các tài sản mềm trên lại được quản lý bởi một cơ chế bền vững suốt lịch sử non trẻ của Mỹ. Yếu tố chính là sự phân quyền rõ rệt của 3 bộ phận: lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Câu chuyện về Charlie

Sáng tạo để vượt khó

Charlie Tôn Quý đến Mỹ một mình năm 14 tuổi và cư ngụ tại bang Louisiana từ 1986. Vừa đi học vừa đi làm anh tốt nghiệp kỹ sư hóa học tại LSU và lập gia đình vào giữa thập niên 1990s. Vợ anh kinh doanh tiệm nail ở đây nên anh không đi làm mà mở một tiệm cung cấp linh kiện và hóa chất cho các tiệm nails khác.

Cuộc sống tạm ổn định cho đến khi anh quan sát khách hàng thăm viếng chuỗi siêu thị Wal Mart (có hơn 70% là phụ nữ) và nảy ra ý tưởng xin Wal Mart cho phép anh mở các tiệm nails ngay trong khu thương mại của họ.

Phải mất hơn 2 năm để thuyết phục Wall Mart và cho đến năm nay, các cửa hàng Regal Nails làm theo phương thức “nhượng quyền” (franchise) đã lên đến con số hơn 1.100 tiệm. Tại California, người Việt làm chủ đến 80% các tiệm nails và tỷ lệ cho toàn quốc là 44%.

Ba công thức của thành công

Tôi hỏi điều anh quan tâm nhất trong kinh doanh là gì? Anh nói “sự thỏa mãn của khách hàng”.

Điều quan tâm thứ hai của anh là “đội ngũ nhân viên”.

Điều quan tâm thứ ba của anh là làm sao tiếp tục xây dựng và “bảo tồn hai thương hiệu” Regal và Isis để giữ vững vị thế trên một thị trường rất cạnh tranh.

Tôi tin là anh còn tiến xa hơn nữa vì ngọn lửa trong anh vẫn bùng cháy, ham muốn học hỏi cầu tiến vẫn đầy ắp; và tuổi trẻ, môi trường cùng đạo đức kinh doanh của anh sẽ là vũ khí vô cùng bén nhọn.

Bài học từ Gary

Tôi quen Gary Woodworth khi ông bước vào cửa hàng bán vật dụng thể thao của người em họ, Tuấn, ở Van Nuys, California. Qua Mỹ năm 1975, Tuấn đi làm bảo vệ được 4 năm, bị đuổi vì ngủ với cô quét dọn văn phòng. Anh chạy ngược xuôi, vay mượn bạn bè bà con, cùng với tiền tiết kiệm cá nhân, hơn 250 ngàn đô la để mở tiệm bán lẻ.

Hai năm đầu, cửa hàng sống chật vật nhưng cũng có khách và theo ngạn ngữ của Mỹ, Tuấn “giữ được đầu mình khỏi mặt nước” (keep his head above water). Nhưng ảnh hưởng của trận suy thoái 1981- 1983 bắt đầu lan rộng, và tiệm vật dụng thể thao của Tuấn suy sụp.

Chi phí và tiêu xài cho gia đình ăn vào vốn, và Tuấn mời tôi lên tiệm tư vấn cho anh về thủ tục phá sản. Tôi có thừa kỹ năng vì đang chuẩn bị “đắp chiếu” cho dự án bất động sản của mình bên Arizona.

Gary tươi cười khi bước vào chào hỏi chúng tôi, đang ủ rũ như hai con mèo chết. Khoảng hơn 50 tuổi, áo quần bảnh bao, Gary giống như một thượng nghị sĩ với mái tóc trắng và phong cách lịch lãm.

Gary nói hôm nay là ngày may mắn của ông. “Tôi có giải pháp cho vấn đề của ông và ông không phải tốn 1 đồng xu nào”. Đề nghị của Gary rất đơn giản: “Bổ nhiệm tôi làm quản lý cửa hàng này. Tôi không lãnh lương và cứ mỗi tháng, tính sổ và chia cho tôi 25% số tiền lời của cửa hàng. Tôi cũng được quyền mua lại 30% tổng số cổ phiếu của công ty với giá vốn (book value) trong 2 năm tới. Các ông đang lỗ, chắc chắn không mất gì trong phi vụ này”.

Tuấn đồng ý và Gary bắt đầu ứng dụng nghệ thuật sáng tạo về tiếp thị với các hoạt động hàng ngày. Gary đi tiếp xúc các câu lạc bộ thể thao trong vùng, từ các đội bóng chày nhỏ của trẻ em đến các sân golf, tennis, polo… của những người giàu.

Ông còn lập ra chương trình trả hoa hồng cho người “giới thiệu” và các khách hàng lớn. Ông cũng cất công đi liên tục tìm các nhà tài trợ cho các chương trình thể thao ông sáng lập.

Sau 2 tháng, cửa hàng có lời và thu nhập của Gary gia tăng đều đặn. Một năm sau, ông mua lại 30% công ty và 3 năm sau, ông làm chủ 100%. Tuấn ôm được mớ tiền, đi xuống Mexico mở quán bar. Mọi người vui vẻ.

Sinh ra trong một gia đình thật nghèo ở Arkansas vào thời sau Đại Suy Thoái của Mỹ, Gary phải bỏ học từ lớp 7 để giúp cha mẹ nuôi 8 đứa em. Ông làm đủ mọi nghề và chưa bao giờ thất nghiệp một ngày nào, dù không có một học thức hay bằng cấp chính thống nào.

Bí quyết của ông là tìm hiểu thật rõ về vấn đề người chủ doanh nghiệp đang đối diện và tìm một giải pháp thỏa đáng trước khi tiếp cận.

“Bài học từ Gary” có thể ứng dụng qua nhiều khía cạnh với các bạn trẻ đang tìm việc làm hay các doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng. Căn bản của bài học là hai nguyên lý: (a) chăm chú đến giải pháp, không phải vấn đề, và (b) nếu biết sáng tạo, chúng ta sẽ tìm giải pháp cho mọi vấn đề.

California Dreaming

Vào giữa thập niên 90’s, đạo diễn Wong Kai War thực hiện cuốn phim Chungking Expess, tạo nhiều ấn tượng. Đây là tên của một tiệm ăn ở Hồng Kông, nơi cô chủ nhân trẻ hay ngồi bó gối trên sân thượng nhìn về chân trời xa, mơ tưởng đến một vùng đất hứa có tên là Califonia.

Bài hát California Dreaming rất phổ thông của The Beach Boys cũng đã thu hút tôi, mỗi khi nằm dài ra bãi tuyết trắng của đại học Penn State thả hồn về một thế giới khác, đầy nắng ấm và hoa quả.

Trẻ hay già, tôi nghĩ trong tim chúng ta đều ấp ủ những California huyền thoại, đều muốn tung bay thật xa như những con chim trốn tuyết, tìm đến một thiên đường nơi không có những thôi thúc hàng ngày của cơm áo gạo tiền, của bổn phận ràng buộc hay của một trường sống già nua mệt mỏi.

Dĩ nhiên California có rất nhiều đặc biệt, cũng như mỗi người tình đều có những góc cạnh làm chúng ta ngây ngất. Tôi yêu những buổi sáng mùa hè California khi dậy thật sớm chạy trên bãi cát vắng lặng cùng những con chim hải âu giữa sương mù và hơi lạnh.

Và tôi cũng yêu Hồng Kông với những đêm khuya ngồi ăn cháo sò huyết giữa đám đông cuồn cuộn quanh khu Mong Kai. Nhưng dần dà rồi niềm vui cũng sẽ phai nhạt sau khi chúng thành thói quen.

Rồi còn mặt trái của điểm đến. California là nơi bạn có thể ngồi ngáp dài trên chiếc xe đắt tiền ở đường cao tốc 405, nơi mỗi ngày đều biến thành bãi đậu xe vào giờ cao điểm; nơi mà phải khoanh vùng trên bản đồ để đừng đi lạc vào sau 8 giờ tối (vì đây là khu tội phạm ngự trị).

Còn Hồng Kông? Ngoài khói bụi ô nhiễm từ xe cộ và các nhà máy bên lục địa, người Hồng Kông chen chúc chà đạp nhau như một bầy kiến vỡ tổ để kiếm tiền.

Suy cho cùng, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Chúng ta cũng có những nét yêu kiều thầm kín bên trong những thói hư tật xấu hay tư duy già cỗi.

Một biểu tượng của kinh tế thị trường

Thế giới tài chính bàn tán không ngớt về IPO của Facebook với một định giá kỷ lục là 100 tỷ đô la (tương đương GDP của Việt Nam và lớn hơn GDP của 124 quốc gia khác) cho một công ty thành lập trong một căn phòng nội trú 8 năm về trước với 1 ngàn đô la giữa 2 sinh viên.

Công ty Facebook sẽ thu về 16 tỷ đô la tiền mặt từ IPO; có doanh thu 6,3 tỷ đô và lợi nhuận trước thuế khoảng 2,2 tỷ đô; nhưng tài sản lớn nhất là 900 triệu thành viên trên khắp thế giới.

Bỏ qua những lời ngợi khen hay chê bai, thán phục hay dửng dưng về sự trỗi dậy của một đế chế IT mới, tôi tìm ra vài điều thú vị từ hiện tượng Facebook này, nhất là khi nhìn từ một xã hội gần như tương phản:

1. Mô hình kinh doanh khác biệt

Có thể nói Facebook chỉ là một trang mạng, không hơn không kém, và dịch vụ duy nhất là để bạn bè, gia đình kết nối và chia sẻ. Và một mô hình kinh doanh hoàn toàn do khách hàng chủ động, họ tiếp thị và bán cho nhau dịch vụ kết nối này mà Facebook không phải trả đồng nào.

2. Facebook chỉ có thể xảy ra ở Mỹ

Dưới chế độ tư bản ích kỷ, mọi người tự do theo đuổi lợi nhuận và ý thích của mình, không cần ai cho phép. Nếu bạn mất tiền của bạn hay của khách hàng ký gởi, thì đó là một lựa chọn tự nguyện. Thêm vào đó, văn hóa của nền kinh tế Mỹ coi chuyện thất bại là một sự kiện bình thường, không gì để bài bác.

3. Sự khép kín của các tỷ phú Facebook

Sau IPO, phần lớn các nhân viên trẻ vây quanh Zuckerberg đã trở thành triệu phú đô, kể cả anh bạn thiết kế logo cho Facebook. Các phóng viên truyền thông đã để ý đến cuộc sống khép kín bình dị của những nhà triệu phú mới này.

Sheryl Sandberg, COO, xây căn nhà nằm dưới đất trong một khu rừng để tránh những tương phản khá lớn với môi trường. Zuckerberg mua một biệt thự 6 triệu đô, sau khi thị trường định giá tài sản cá nhân anh là 32 tỷ đô.

4. Sáng tạo cần hủy diệt để tiến bộ

Kiếm tiền theo định chế thị trường vô cùng vất vả. Vừa mới đăng quang, Facebook đã phải đối diện với bao cạnh tranh, cũng như các lời tiên đoán về số tuổi của mình. Đe dọa lớn không chỉ là nhà khổng lồ Google +, mà là cả ngàn công ty đang nằm trong các phòng nội trú hay các nhà để xe khắp thế giới.

5. Luôn luôn có tay đua nhanh hơn

Thực ra, mạng xã hội đầu tiên là MySpace, đã chào đời vào 2003, 2 năm trước Facebook. Khi gặp đối thủ nhanh hơn, sáng tạo hơn, nhỏ hơn, MySpace đã không cạnh tranh hữu hiệu và trở thành một viên gạch lót đường cho Facebook và các mạng xã hội khác như YouTube.

6. Càng lên cao càng té nặng

Từ góc nhìn của tôi, Facebook là một biểu hiện rất trung thực của nền kinh tế thị trường. Sự thành công của Facebook là một mô hình kinh doanh sáng tạo, nắm bắt nhu cầu thị trường nhanh chóng và luôn cải tiến để thỏa mãn khách hàng, xây dựng một thương hiệu đẳng cấp.

Nhưng nền kinh tế thị trường cũng đẩy ra những cạnh tranh khốc liệt liên tục, từ các địch thủ cũ như Google+ đến những doanh nhân mới chưa ai biết đến. Và trong nền kinh tế thị trường, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nếu Facebook có thể đạt thị giá 100 tỷ đô la trong 8 năm thì cũng có thể mất 32 tỷ đô la về thị giá chỉ trong 20 ngày.

Bài học Facebook có thể dạy các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới về một môi trường cần có để tạo dựng những công ty đột phá. Còn nếu cứ khư khư ôm giữ những định luật thời đồ đá, người dân của họ sẽ biến thành những con thạch sùng chỉ biết thở dài trong đêm tối.

Năm nguyên lý cho một nền kinh tế thực

Những khôn ngoan này đã được truyền lại từ cha ông và được minh chứng qua bao thời đại lịch sử. Tôi gọi chúng là các nguyên lý bất diệt của một nền kinh tế thực:

1. Dân có giàu, nước mới mạnh

2. Phải có hủy diệt mới có sáng tạo

3. Giá thị trường luôn luôn chiến thắng

4. Giấy tờ hay lời nói không thể sản xuất được giá trị

5. Cha chung không ai khóc.

Giải pháp “Giấu bụi dưới thảm”

Giải pháp của Mỹ

Được áp dụng khá thành công tại Mỹ khi Cục dự trữ Liên bang (Fed) bơm tiền cứu các ngân hàng, bắt đầu với gói QE 1 vào 2008, và liên tục in tiền với QE 2 và sắp cho ra QE 3 trong vài tháng tới. Kết quả là Fed đã cứu được hệ thống ngân hàng mà không phải trả giá bằng lạm phát và lãi suất.

Cuối cùng, nhờ sự năng động của nền kinh tế thị trường và những sáng tạo của tầng lớp doanh nhân trẻ, nền kinh tế Mỹ cho thấy vài tín hiệu của sự hồi. Nhưng ngoài điểm sáng này, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, giá địa ốc vẫn suy giảm, nợ công và tư vẫn đầm đìa và lạm phát vẫn là một đe dọa qua giá dầu và lãi suất.

Nói tóm lại, nhờ vài viên aspirin, bệnh nhân đã quay lại sở làm việc, nhưng cái ung thư trong gan ruột vẫn chờ ngày giải phẫu.

Đây là chiến thuật mà người phương Tây gọi là “giấu bụi dưới thảm” (swept under the rug) hay “đá cái thùng (rác) xuống cuối đường” (kick the (trash) can down the road). Tạm ổn, nhưng một ngày nào đó, trong nhiệm kỳ mới, có lẽ một người nào khác sẽ phải làm cái việc dơ bẩn là hốt bụi hay đổ rác.

Liên hệ với Việt Nam

• Dù chịu nhiều thách thức, đồng đô la vẫn là bản vị chính trong các thanh toán quốc tế. Không ai quan tâm đến đồng Việt Nam.

• Nền kinh tế Mỹ phần lớn vẫn dựa trên vận hành thị trường. Trong khi đó, đầu tàu của kinh tế Việt vẫn là những doanh nghiệp nhà nước, với sự bảo bọc của đặc quyền, đặc lợi.

• Doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn chiến đấu bền bỉ trong trận bão hiện nay. Trong khi đó, doanh nhân Mỹ chỉ chịu lãi suất khoảng 6%, lạm phát 2%; nên sự hồi phục xảy ra nhanh chóng hơn.

• Thêm vào đó, đầu tư FDI và FII vào Mỹ lại gia tăng trong các khủng hoảng kinh tế toàn cầu vì sự ổn định và minh bạch của cơ chế quản lý. Các suy giảm về FDI và FII của Việt Nam là những tín hiệu ngược lại.

• Trong khủng hoảng tài chính năm 2008 do nợ xấu từ suy sụp của giá bất động sản, các ngân hàng Mỹ đã công khai các số liệu và tình trạng các sản phẩm tài chính để chính phủ Mỹ và các nhà đầu tư có thể đánh giá (stress test) khả năng sinh tồn của mình.

Mọi biện pháp của Chính phủ Việt Nam và các nhóm sở hữu ngân hàng vẫn diễn ra sau bức màn, nên không ai bên ngoài có thể tiên đoán bất cứ điều gì về vấn đề hay diễn biến.

Liệu Việt Nam có thành công (dù tạm bợ) như Mỹ trong bài toán kinh tế hiện tại?

Phần 2: Vấn nạn kinh tế xã hội
Hai yếu kém chết người của doanh nhân Việt

Theo góc nhìn của chúng tôi, hai khuyết điểm của đa số doanh nghiệp Việt rất dễ xác nhận: một là khả năng quản trị tài chính và hai là rủi ro về đạo đức kỷ cương.

Đòi hỏi căn bản trong việc quản lý tài chính

Một doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, hình thành bằng sự góp vốn của cổ đông đại chúng hay thành viên trong gia đình, đều phải lưu tâm và tìm giải pháp cho các nhu cầu về quản trị tài chính sau đây:

Dòng tiền (cash flow) cho doanh nghiệp. Rất dễ hiểu: tiền thu vào phải luôn luôn nhiều hơn tiền chi ra.

Thành quả tài chính. Nếu dự đoán thu luôn nhiều hơn chi trong 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 3 năm, 5 năm, thì tài chính doanh nghiệp có thể nói là vững vàng, không nhiều lo ngại.

Kỷ luật tài chính.
Ngân sách đề ra phải được mọi bộ phận tuân thủ và thực thi; mọi điều chỉnh phải được điều nghiên chính xác; kể cả việc cắt giảm hay gia tăng vì sự cố bất thường.

Dự đoán nhu cầu tương lai.
Người quản lý tài chính phải phân tích mọi chỉ số đầu tư dựa trên dự đoán và phải đồng ý về tính khả thi.

Mọi phát triển đều cần vốn đầu tư, từ tiền lời tích lũy nội bộ, tiền vay hay tiền góp vốn từ các cổ đông bên ngoài. Người quản lý tài chính theo đúng vai trò phải duyệt khán và đồng ý với kế hoạch phát triển này ít nhất 6 tháng trước đó, và phải lo liệu phần vốn đầy đủ trước khi tiến hành khuếch trương dự án.

Một nguyên lý quan trọng khác là đừng bao giờ dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn.

Báo cáo và kiểm toán

Rất ít doanh nghiệp Việt đạt được chỉ tiêu cao trong cả 5 vấn đề căn bản trên, ngay cả những công ty đã niêm yết trên sàn nhiều năm. Tại đây, vai trò của Giám đốc tài chính (CFO) rất mờ nhạt và quyền hành chi thu ngân sách, quyết định đầu tư, đôi khi ngay cả việc soạn thảo báo cáo tài chính cũng thường nằm gọn trong tay Tổng giám đốc (CEO) hay bà vợ của ông ta.

Khi quỹ đầu tư nước ngoài đến thăm cơ sở của khách hàng, người chúng tôi muốn nghe nhiều nhất là vị CFO. Các vị CEO thường chỉ lặp đi lặp lại những gì chúng tôi đã đọc trên brochure hay website, không gì mới lạ.

Các chi tiết về số liệu và cách thức quản trị tài chính cho chúng tôi một tầm nhìn chính xác và chiến lược hơn về công ty. Tiếc thay không mấy doanh nghiệp Việt thấu hiểu điều này.

Đòi hỏi căn bản về đạo đức kỷ cương

Một khía cạnh yếu kém khác là sự cẩu thả, vô tâm của doanh nhân Việt trong việc xây dựng một văn hóa công ty dựa trên căn bản dài hạn, đạo đức và chuẩn mực cao cấp.

Việc thể hiện “giá trị mềm” của doanh nghiệp thường thu gọn vào các PR hay lễ hội hoành tráng phô trương, đánh bóng cho tên tuổi cá nhân… thay vì cho nhu cầu của khách hàng, sáng tạo của sản phẩm hay sự bền vững của thương hiệu.

Tầm nhìn dài hạn và tập trung

Người quản lý doanh nghiệp phải biết rõ tầm nhìn và giới hạn của công ty để có một kế hoạch phát triển lâu dài và bền vững.

Sự thỏa mãn của khách hàng

Khách hàng là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Vì nền kinh tế Việt dựa trên ban phát bổng lộc của quan chức, các doanh nhân Việt thường có cái nhìn méo mó về ưu tiên phục vụ. Đó cũng là lý do tại sao các doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng để cạnh tranh trên biển lớn.

Tôn trọng các cổ đông thiểu số

Mỗi công ty, dù có viết ra thành văn bản hay không, phải có một cương lĩnh để mọi thành phần nhân viên theo đó mà vận hành. Một yếu tố quan trọng trong cương lĩnh là sự tôn trọng quyền lợi của các cổ đông yên lặng (silent) hay thiểu số (minority).

Nhiều vị quản lý Việt không hiểu rằng tiền góp vốn từ chính phủ (DNNN), hay cổ đông công chúng (public) hay quỹ và các nhà đầu tư cá nhân, ngay cả vốn vay từ ngân hàng, đều là tiền của người khác (OPM), không phải tiền của riêng mình.

Đào tạo và thăng tiến đội ngũ nhân viên

Hai vũ khí mà các doanh nghiệp Việt hay thiếu sót so với nước ngoài là các chương trình huấn luyện liên tục, và các quyền mua cổ phiếu (options) để gài buộc nhân viên vào với công ty trong hợp tác lâu dài.

Nhưng trên hết, ban quản lý phải đối xử công bằng trong mọi hành động và phán đoán, không phân biệt liên hệ gia đình hay xã hội, hoàn toàn dựa trên kỹ năng và thành quả của nhân viên.

Lợi ích cho xã hội và nghĩa vụ với mọi người

Những tệ nạn gây ô nhiễm trong không khí, trên sông biển, thấm vào các mực nước ngầm, việc xử lý rác thải, rác y tế nguy hiểm, tiếng ồn và an toàn giao thông… là những kỷ cương không những chỉ quan trọng trên phương diện pháp lý mà còn là một nghĩa vụ để thể hiện đạo đức của doanh nghiệp.

Nói tóm lại, trên luật pháp của người, còn có luật pháp của “trời”. Của cải, danh vọng, ngay cả quyền lực, đều là tạm bợ. Chúng ta chỉ hạnh phúc và doanh nghiệp chỉ có thể “thành công” khi chúng ta tuân thủ luật trời, dựa trên bất cứ tín ngưỡng hay niềm tin nào.

Đầu tư đa ngành là căn bệnh hoang tưởng

Đầu tư đa ngành chẳng khác nào cho người bệnh ở cùng với người khỏe để thành dịch bệnh nguy hiểm. Tôi không thấy có lợi thế nào. Một anh chuyên làm thực phẩm mà đòi mở trường đại học, anh làm khoáng sản lại đi mở khách sạn... Người nước ngoài họ nghe những câu chuyện này thấy rất buồn cười, khôi hài bởi có biết gì đâu mà làm.

Nếu doanh nghiệp đã tốt thì nên đầu tư để khuếch trương lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thay vì đi nuôi nhiều công ty con yếu. Nguyên tắc kinh doanh căn bản là không ném đồng tiền tốt vào cùng với những đồng tiền xấu.

Ở Mỹ gần như không còn công ty đa ngành nào. Còn ở thị trường Á Châu thì vẫn còn nhưng dần dần sẽ lụn bại bởi khó quản lý nổi.

Gốc rễ của thành và đạt

Theo tôi hiểu, chữ “thành đạt” gộp lại 2 phần chính: thành công trong công việc và đạt đến mục tiêu của cá nhân trong sự nghiệp. Nó xác định đỉnh cao của con người.

Tuy nhiên, mỗi cá nhân đều có những đẳng cấp khác nhau, nên mục tiêu để “đạt đến” cũng rất khác biệt. Do đó, cái “đạt” của người này có thể là cái “thua” của người khác.

Còn phần “thành” thì càng bấp bênh hơn vì những thành công lâu dài và bền vững rất hiếm khi xảy ra trong thương trường hay đời sống. Tiền bạc, quyền lực, danh vọng, ngay cả tình yêu… đến rồi đi, có rồi không. Với thời gian, mọi thành công đều là tạm bợ.

Tôi luôn nghĩ là một con người khi vượt khỏi những nhu cầu hối thúc về cơm áo và có chút tự do, giá trị đẳng cấp của họ phải được định lượng trên 6 khía cạnh để được tạm gọi là thành đạt: Sức khỏe, tinh thần, trí tuệ, xã hội, tiền bạc và tâm linh.

Trong con người “không thành đạt” của tôi, một điều luôn làm tôi hạnh phúc: cái tâm linh bình an và giác ngộ. Tôi học cách tha thứ cho mình, cho người; tôi không ghen tị giận hờn với ai hay với hoàn cảnh nào; tôi biết ơn và biết yêu thương, trân trọng từng niềm vui nho nhỏ đến với đời sống mỗi ngày.

Cái đích thành đạt có lẽ không bao giờ đến, nhưng có phải các triết gia đã khuyên ta, mục tiêu “không phải là điểm đến mà là cuộc lữ hành” (the voyage, not the destination)?

Chiến thuật du kích thời Internet

Lối kinh doanh du kích cũng tốn khá nhiều giấy mực trong giới nghiên cứu. Tôi hoàn toàn đồng ý về tác dụng của chiến thuật du kích trong nhiều trường hợp làm ăn; đặc biệt là khi chúng ta còn non trẻ và cố gắng để sống còn.

Nhưng khi tư duy của người quản lý bị giới hạn bởi tầm nhìn du kích thì doanh nghiệp chỉ có thể trở thành một tiểu thương, dù thành công trong việc kiếm tiền cho cá nhân và gia đình.

Điểm yếu của việc kinh doanh du kích chính là mặt trái của những yếu tố đã tạo sức mạnh cho chiến thuật này.

Vì nghĩ là mình nhỏ bé và phải né tránh các đối thủ, nên doanh nhân du kích thường ngại ngùng khi ra biển lớn để cạnh tranh trực tiếp trong một môi trường xa lạ.

Yếu kém khác là sự năng động không cân đối. Vì quá năng động, doanh nhân du kích chụp lấy cơ hội mới không ngần ngại, gây ra nhiều đầu tư dàn trải.

Tư duy du kích cũng phát sinh một văn hóa mù mờ, không minh bạch và có thể chứa đựng nhiều gian trá.

Trong chiến thuật, sinh mạng của du kích quân cũng tùy thuộc rất nhiều vào mức độ tin cậy vào đồng đội, đối tác và các quan hệ mật thiết. Đó là lý do doanh nghiệp du kích thường dùng “gia đình trị”, vì không đủ tin cậy người ngoài để sử dụng nhân tài, không làm ăn rõ ràng với người lạ, và coi quan hệ với quan chức là cột sống quan trọng hơn sản phẩm, khách hàng, hay kế hoạch phát triển.

Tệ nhất trong tư duy du kích là một biện hộ thông dụng khi gây nên những sai trái về quản trị cũng như đạo đức. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã than phiền về những thủ đoạn ngắn hạn này của doanh nhân Việt và cũng là cá tính khá phổ thông ở Trung Quốc.

Những hàng xuất khẩu từ Việt Nam hay Trung Quốc thường mang tiếng xấu này trong giới mua hàng, từ áo quần giày dép đến đồ gỗ hay thực phẩm. Nó gây cho đối tác cảm giác là không doanh nhân Việt nào muốn làm ăn trung thực và lâu dài.

Phần 3: Tư duy về giải pháp
Hãy để chúng chết đi

Năm 1976, New York ngập chìm trong công nợ vì chính quyền thành phố liên tục tiêu xài cho những chương trình gọi là “xã hội” và cho “phe nhóm”. Ngân sách gia tăng cùng hệ thống quan chức và sưu cao thuế nặng khiến các doanh gia bỏ chạy khỏi New York.

Đối diện với thảm họa phá sản, thành phố kêu gọi chính phủ liên bang cứu trợ khẩn cấp. Tổng thống Ford trả lời với một câu nói đi vào lịch sử, “Drop Dead” (Hãy chết đi). Hơn 90% dân Mỹ hoan nghênh quyết định sáng suốt này.

Các giải pháp cho kinh tế Việt

Chưa bao giờ tôi thấy các chuyên gia Việt Nam hăng hái và bận rộn như lúc này. Ngày nào cũng có vài ba giải pháp trên các báo cho đủ mọi vấn đề kinh tế.

Và chưa bao giờ các thành phần kinh tế lại khóc than ỉ ôi như thế này. Ai cũng xin chính phủ cứu giúp với OPM (tiền người khác) và tốt nhất là “cho luôn” thì khỏi phải hạch toán lôi thôi.

Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng


Thực ra, các thành phần kinh tế của mọi quốc gia cũng giống như lũ trẻ. Họ thích tạo những quấy phá ồn ào để nhận những ban phát “miễn phí” từ các nguồn lực tài chính hay hành chính. Khi họ biết chắc chắn rằng những ân huệ này sẽ không đến, họ sẽ phải chịu đựng và tìm giải pháp khác, sáng tạo từ trí óc, con tim và ý chí.

Giải pháp của Alan

Cho nên, nếu các bác hỏi tôi về nợ xấu, tôi sẽ nói “Hãy để chúng chết đi”. Ngân hàng nhà nước chỉ cần bảo đảm khoảng 100 triệu đồng tối đa cho mỗi người gửi tiền, và chúng ta có thể chấp nhận sự sụp đổ của vài chục ngân hàng không hề hấn gì.

Hỏi về các doanh nghiệp bất động sản, tôi sẽ nói “Hãy để chúng chết đi”. Các căn hộ và các lô đất sẽ bị hạ giá rẻ mạt, tạo một cơ hội tuyệt vời cho những người dân có thu nhập trung bình.

Hỏi về các doanh nghiệp nhà nước, tôi sẽ nói “Hãy để chúng chết đi”. Dòng tiền OPM đã cạn kiệt. Các anh chị nào có lãi thì cứ tiếp tục. Còn lỗ lã thì tôi bán ngay cho các nhà đầu tư, nội hay ngoại.

Trên hết, mọi đặc lợi đặc quyền sẽ chấm dứt. Chỉ khi đối diện thực sự với cạnh tranh thị trường, chúng ta mới biết ban quản trị nào có trí tuệ và đủ lực để sinh tồn.

Sự hủy diệt trong sáng tạo

Nhiều thân hữu sẽ hỏi tôi là ông không lo ngại gì về những xáo trộn xã hội và nạn thất nghiệp khi các công ty thi nhau lăn ra chết? Tôi xin thưa rằng không!

Một giải pháp thật đơn giản mà tôi đề nghị lên các bác lãnh đạo kinh tế là “đừng làm gì cả”. Hãy tin dân và giao quyền lại cho các doanh nghiệp tư nhân tự ứng xử. Trong sáng tạo và hồi sinh sẽ có mồ hôi và nước mắt.

Trong quá trình trưởng thành, các em thường phải chịu nhiều gian truân đau đớn. Vài em sẽ không qua khỏi. Nhưng đây là định luật của thiên nhiên.

Hãy để thị trường quyết định

Điểm yếu của nền kinh tế trong những năm qua thấy rõ nhất là ở hệ thống ngân hàng và bất động sản. Nếu áp dụng tiêu chuẩn thế giới vào Việt Nam thì đa số ngân hàng chúng ta không đạt chuẩn.

Giá bất động sản thì quá cao, cao hơn ở Mỹ, đó là thực tế không thể chấp nhận. Thu nhập của người dân Mỹ hơn Việt Nam đến 40 lần nhưng giá nhà đất của họ rẻ hơn chúng ta đến hơn phân nửa.

Điều này phải được điều chỉnh. Khi điều chỉnh thì có doanh nghiệp trắng tay, nhưng phải chấp nhận. Hãy để cho thị trường quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Những chính sách của chính phủ ban ra chỉ là điều chỉnh và làm trọng tài. Chúng ta đã tham gia sân chơi thế giới, mua của thế giới và bán cho thế giới thì nên để thị trường quyết định tất cả.

Trong cái rủi, có cái may

Từ những điểm yếu đó mà Việt Nam xuất hiện những điểm sáng sau đây:

Thứ nhất, khi tôi về Việt Nam năm 2006 thì nhận thấy các doanh nhân rất hưng phấn, hưng phấn quá thì dẫn đến ngạo mạn, xem ta là nhất. Sở dĩ như thế vì họ kiếm tiền quá dễ, đụng vào chứng khoán thì giàu, dụng vào bất động sản thì càng giàu to.

Do đó họ không cần suy nghĩ, không cần đầu tư vào máy móc, công nghệ và con người. Những năm qua, kinh tế khó khăn nên họ đã thay đổi cách kinh doanh, họ biết đầu tư giá trị, đầu tư vào con người.

Thứ hai, trước đây doanh nhân làm ăn dựa trên mối quan hệ, từ đó sinh ra tham nhũng, nhũng nhiễu. Nhưng khi họ làm ăn khó khăn thì không thể chi phong bì vô tội vạ.

Do đó tham nhũng sẽ ít đi, môi trường trong sạch hơn, chính sách thông thoáng hơn, quan hệ giữa doanh nhân và chính quyền đẹp hơn.

Thứ ba, bội chi ngân sách sẽ giảm, thu chi ngân sách lành mạnh.

Thứ tư, giá bất động sản giảm từ 30 – 50%. Đây là cơ hội cho tầng lớp trung lưu có nhà cửa. Tầng lớp này phát triển bền vững và ổn định hơn.

Thứ năm, người dân không còn vung tay quá trán. Họ bớt tiêu xài, hạn chế mua xe xịn, đồ xa xỉ…

Tất cả điều này tạo nên sinh khí mới. Nếu doanh nghiệp và chính phủ biết nắm bắt những cơ hội này thì những năm tới Việt Nam sẽ phát triển bền vững. Khủng hoảng cũng giống cơn bão mạnh quét sạch những bụi bặm để ngày mai tươi sáng hơn.

Những đầu tư hấp dẫn cho thập kỷ mới

Tôi còn nhớ khoảng 1984 khi tôi gặp James DeRosa lần đầu. Ông ta vừa phá sản, vợ ly dị, dọn vào một căn hộ bình dân sau 20 năm sống ở BelAir (khu tỷ phú của Los Angeles).

Ông bán cho tôi một miếng đất nhỏ ở Riverside, kể vài câu chuyện khôi hài: “Tôi chỉ đầu tư vào ngựa và đàn bà. Tiếc là ngựa đua thì chạy chậm mà đàn bà lại chạy nhanh, nên tôi mới ra nông nỗi này”.

Câu nói ấn tượng sau đó là, “tôi bị phá sản, nhưng không bao giờ nghèo”.

Lúc đó, Mỹ đang ở vào giai đoạn suy thoái và lạm phát, bong bóng bất động sản và chứng khoán vừa nổ, thất nghiệp cao… James cười nói, “Bao nhiêu là tài sản sắp phải thay đổi chủ. Thật tuyệt vời!”.

Ông lên lại kế hoạch cho sự nghiệp và chỉ 10 năm sau, trở lại ngôi vị tỷ phú.

Chu kỳ mới của thị trường

Trong một nền kinh tế thực sự thị trường, doanh nhân luôn phải đối diện với những chu kỳ lên xuống (Mỹ gọi là boom và bust). Vì chiếc ghế quyền lực, các chính trị gia thế giới kể cả Âu Mỹ cũng cố gắng tìm đủ mọi cách để can thiệp hầu ngăn chặn hiện tượng này.

Họ có thể thành công trong vài ba tháng, vài ba quý, nhưng thị trường luôn luôn là kẻ chiến thắng sau cùng. Ở một nền kinh tế thị trường thực sự, không có phép màu, không có ảo thuật, không có nhiệm kỳ…

Tài sản mới cho lớp doanh nhân mới

Tại Việt Nam, chu kỳ kinh tế trước và sau khi gia nhập WTO đã đem lại quá nhiều cơ hội và tài sản cho những tỷ phú bất động sản, chứng khoán, cò dự án, nhân viên DNNN được cổ phần hóa… Chu kỳ mới sẽ đem nhiều cơ hội cho những ngành nghề khác và sẽ tạo những tỷ phú mới.

Tư duy tạo nên định mệnh. Đây là thời điểm ngoạn mục và hấp dẫn nhất để làm ăn ở Việt Nam hay tại bất cứ một nền kinh tế mới nổi nào khác.

Dĩ nhiên tôi phải nói một điều nghe rất ấu trĩ nhưng hoàn toàn chính xác: There is no free meal (Không có bữa ăn nào miễn phí). Cái gì cũng đều phải trả giá, và để làm một đại gia của chu kỳ mới, các bạn sẽ phải hiểu là cơ hội càng lớn thì rủi ro càng nhiều và công sức bỏ ra cũng phải tương xứng.

Có tiền hay không có tiền, đang làm ăn hay mới có ý định khởi nghiệp, có quan hệ tốt hay không, muốn đầu tư tài chánh hay tự đứng ra kinh doanh, cơ hội trong mọi ngành nghề đều tràn ngập và sẵn sàng.

Tất cả chỉ cần 2 điều mấu chốt: một đầu óc sáng tạo để tìm ra một đặc thù về lợi thế cạnh tranh; và một ý chí như ngọn lửa bất diệt để trả giá và mang ý tưởng đến thành công.

Năm yếu tố cần có cho mọi doanh nhân: ngọn lửa đam mê, lợi thế cạnh tranh, kiến thức và quan hệ, sức khỏe và tinh thần cũng như ý chí và kiên nhẫn để vượt bão. Vì 70% doanh nghiệp thất bại sau 2 năm khởi nghiệp, sự chuẩn bị bài bản cho một kế hoạch kinh doanh là điều thiết yếu.

Hai ngành nghề mà tôi đặc biệt quan tâm vì tôi cho là hai động cơ sẽ phát ngòi cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhờ các lợi thế cạnh tranh rất cao là IT và nông nghiệp.

Tôi tin rằng một doanh nhân trẻ tìm ra một mô hình kinh doanh sáng tạo và dồn hết tâm trí nội lực của mình liên tục trong 5 năm, sẽ nhất định trở thành một triệu phú đô la.

Quên chuyện ăn nhậu, quên chuyện thất tình trai gái, quên chuyện bạn bè bàn ra tán vào, quên chuyện sĩ diện… chỉ biết một mục đích duy nhất là công việc của mình, không bỏ cuộc hay thất vọng, không phân tán tài lực với những hoạt động ngoài luồng, không suy nghĩ xa xôi hay lầm lạc. Chỉ đơn giản có thế.

Tự tin để vượt bão

Không phải tự tin, mà phải là thay đổi để vượt bão. Can đảm để tiếp tục chịu đựng có thể đồng nghĩa với ngu xuẩn, bởi vì cái can đảm thực sự cần thiết là can đảm để thay đổi.

Với các doanh nghiệp tư nhân, cơn bão sắp đến có thể là một xúc tác để làm một quyết định quan trọng. Nếu thấy nội lực dồi dào và tài chính sung mãn, hãy bắt tay vào một chương trình phát triển mạnh mẽ và gây thêm vốn cho nhu cầu sắp tới.

Nếu chúng ta chỉ vừa đủ mạnh để sống sót, hãy cố gắng chỉnh sửa những yếu kém và tìm thêm đối tác chiến lược để tăng nội lực cho tương lai. Với những doanh nghiệp trên bờ phá sản, hãy minh bạch với mọi chủ nợ, khách hàng và xin họ giúp đỡ để cùng nhau vượt khó. Trên hết, phải minh bạch với chính mình về khả năng sống còn.

Ngành nghề sẽ biến thể sau cơn bão

Nếu cơn bão đến, thì đây là những ngành nghề sẽ phải thay đổi và biến dạng từ căn cơ:

• Bất động sản

Giá cả sẽ phải xuống theo trọng lực của hai yếu tố thị trường: thu nhập của người dân và lượng tiền đầu cơ thứ cấp.

• Ngân hàng

Được sự chống lưng của nhà nước để tránh bất ổn xã hội, cổ đông các ngân hàng sẽ an toàn với vốn đầu tư.

Về lâu dài, sự hợp tác với các đối tác nước ngoài sẽ đem lại những thay đổi lớn không những về mặt tiếp thị, hậu mãi cho khách hàng; nhưng qua các hoạt động hàng ngày, nhóm quản trị mới sẽ áp lực để thay đổi điều lệ và sự kiểm soát từ chính phủ; khiến bộ máy điều hành ngành tín dụng thiết yếu cho tài chính quốc gia trở nên hiện đại và hiệu quả hơn.

• Chứng khoán

Chứng khoán chạm đáy là thời điểm để các nhà đầu tư còn tiền gỡ gạc lại các mất mát mấy năm vừa qua. Nhưng sự hồi phục đúng nghĩa để qua một chu kỳ mới phải kéo dài hơn 2 năm.

Với sự mở rộng từ căn bản điều hành, trái phiếu và hợp đồng tài chính của Việt Nam sẽ xuất hiện trở lại trên thị trường quốc tế, đem lại nguồn vốn mới cần thiết cho doanh nghiệp trong nước.

• Vàng bạc nữ trang

Với chính sách “góp vốn từ dân” qua kênh vàng và đô la, chính phủ sẽ truy bắt những người còn kinh doanh hay lưu trữ hai sản phẩm này.

• “Cò” quan hệ

Đây là một ngành nghề làm ăn rất khả quan và chiếm một tỷ trọng lớn trong GDP ngầm. Họ cũng là nhóm đầu tư có nhiều tiền nhàn rỗi và tạo nhiều đầu tư quan trọng trong các ngành nghề.

Trên cùng bình diện, các ngành nghề liên quan đến 5 lĩnh vực kinh doanh nói trên sẽ chịu ảnh hưởng xấu theo. Ngành xây dựng và vật liệu sẽ suy thoái theo bất động sản; các ngành nghề tài chính sẽ bớt đầu tư vào công nghệ thiết bị mới gây ảnh hưởng xấu cho IT nội địa; việc cấm vàng và đô la sẽ tạo một tâm lý bất ổn chung cho các cơ sở xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, những ngành nghề ít bị ảnh hưởng nhất là y tế, giáo dục, năng lượng, khoáng sản, nông hải sản và sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.

Kiếm 1 triệu đô la trong 5 năm

Bạn không cần một bằng cấp hay học vị nào. Bạn sẽ cần kiến thức, nhưng đó là loại tri thức được trau dồi, thu thập hàng ngày qua những trải nghiệm thực tế.

Bạn sẽ phải nghiên cứu, phân tích mỗi ngày đủ loại dữ kiện về công nghệ, quản lý, tài chính, tiếp thị... nhiều gấp 3 - 4 lần số giờ học tập của một sinh viên MBA chính quy. Sẽ không có thi tuyển, nhưng mỗi lần bạn sơ hở, quên làm bài và "thi trượt", thì kết quả sẽ hiển thị bằng một cái giá vô cùng đau đớn.

Bạn không cần một lý lịch tốt. Bạn cũng không cần một dự án kiểu sao chép với đủ loại dấu xanh dấu đỏ. Bạn chỉ cần một sản phẩm đặc thù sáng tạo, đủ khả năng để cạnh tranh trên bất cứ thị trường nào, và một kế hoạch kinh doanh bài bản làm các nhà đầu tư sửng sốt khi đọc.

Bạn có thể ở vào lứa tuổi 20 hay 30 hay 60 hay 70. Tuổi tác không quan trọng, nhưng sức khỏe, lòng đam mê và ý chí vượt bão phải thật đầy đủ.

5 điều kiện mấu chốt

1. Động lực, lòng tham và ngọn lửa trong người. Đi đến đích hay bỏ cuộc là do ngọn lửa này.

2. Lợi thế cạnh tranh. Sản phẩm kinh doanh phải mang tính sáng tạo, độc đáo và tạo một lợi thế cạnh tranh chắc chắn.

3. Sức khỏe để đối phó với áp lực. Nếu không có một thân thể khỏe mạnh để giữ tinh thần sáng suốt, bình tĩnh thì không thể hoàn tất công việc quản trị.

4. Liều lĩnh, dám làm, dám chấp nhận rủi ro. Tỷ lệ rủi ro trong kinh doanh quá cao. Một người giỏi về toán và thống kê sẽ không làm doanh nhân.

5. Kinh nghiệm, quan hệ, kiến thức. Nếu chưa có những yếu tố này thì phải lo tạo dựng cho đầy đủ trước khi ra trận mạc.

Với 5 yếu tố mấu chốt ở trên, bất cứ một hành trình kinh doanh nào cũng sẽ đến đích, không sớm thì muộn, tùy vào tầm cỡ của dự án. Tôi dùng công thức 5 năm cho một tài sản khoảng 1 triệu đô la vì tôi dựa trên một tỷ lệ P/E (giá/lợi nhuận) trung bình là 7; hay một dòng tiền lợi nhuận hàng năm khoảng 150 ngàn đô la.

Các rào cản và thử thách

Những doanh nhân Việt thường vấp phải các lỗi lầm phổ thông như đầu tư dàn trải (vì cơ hội làm ăn rất nhiều); hay che giấu những thất bại lầm lỡ; không có kỷ luật nghiêm minh về vấn đề chi tiêu tài chính; thiếu đạo đức và kiên nhẫn trong việc xây dựng thương hiệu và kỷ cương công ty; không tôn trọng khách hàng, đối tác, cổ đông hay địch thủ; sử dụng người theo tình cảm gia đình hay phe nhóm.

Vượt qua các rào cản này là bạn đã đi xa hơn 90% các đối thủ cạnh tranh và có ít nhất là 80% để đạt mục tiêu hay tiến xa hơn nữa.

Xác xuất thành công

Nhưng trên tất cả các thành quả và khó nhọc của cuộc chơi, phần thưởng lớn nhất cho các doanh nhân trẻ sẽ là một lòng tự trọng và hãnh diện vì sự đóng góp chân chính của bản thân cho xã hội. Mỗi sáng, khi soi gương, bạn sẽ không phải cúi đầu hổ thẹn cho mình hay gia đình.

Giải pháp nào cho việc tiếp cận nguồn vốn?

Tiếp cận nguồn vốn cần “biết mình, biết người”

Một lý do các doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận được với các nguồn vốn là doanh nghiệp không nhìn về phía nhà đầu tư, mà chỉ quan tâm đến mình, đến ý tưởng và dự án của mình.

Vì vậy, doanh nghiệp phải chứng tỏ cho nhà đầu tư thấy năng lực quản lý của người lãnh đạo và sản phẩm cạnh tranh như thế nào trong thị trường. Đây là hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành, bại của doanh nghiệp, cũng chính là yếu tố giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Nguồn vốn có ở khắp nơi

Khi cần vốn để khởi nghiệp, hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không nhất thiết cứ phải trông chờ vào nguồn vay ngân hàng. Vốn hiện hữu xung quanh doanh nghiệp. Có thể là một tài sản chưa cần dùng đến như nhà, đất, xe cộ, hàng tồn kho.

Những gì chưa thật cần thiết trong thời điểm huy động vốn có thể bán để tạo vốn. Vốn từ bạn bè, người thân, nhà cung cấp, đối tác chiến lược, hợp đồng nguyên liệu.

Quỹ đầu tư cũng là nơi khởi đầu tốt nhất cho việc huy động vốn, vì khi tiếp cận với quỹ đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tư vấn.

Thực ra khi một doanh nghiệp lập dự án cần đến 10 tỷ tiền vốn thì nhu cầu thực sự của doanh nghiệp có thể không đến phân nửa số đó. Chẳng hạn, việc đầu tư vốn cho mặt bằng, cơ sở hạ tầng thường là chiếm rất nhiều vốn, nhưng khoản đầu tư này lại đi thuê được. Hãng Nike bán nhiều hàng thể thao nhất thế giới nhưng không sở hữu một nhà máy sản xuất nào.

Doanh nghiệp cứ kêu thiếu vốn nhưng thực tế chưa chắc đã thiếu nhiều đến như vậy. Quan trọng là doanh nghiệp phải biết tận dụng tất cả mọi nguồn lực xung quanh mình để tạo vốn trước khi nghĩ đến vay ngân hàng với lãi suất không khả thi.

Phần 4: Góc nhỏ bình yên
Vài suy nghĩ khi rời Buôn Mê Thuột

Từ máy bay nhìn xuống những vườn cà phê của Buôn Mê Thuột, tôi lại nghĩ về cái đồn điền cà phê nhỏ tôi mua ở Costa Rica 22 năm trước. Dù chỉ có 6 hectares và 9 nhân viên, mỗi năm chúng tôi đã thu hoạch hơn 7 tấn mỗi hectare.

Tất cả các con đường phía trong đều được trải nhựa hay đá rất ngăn nắp, sạch sẽ. Cơ giới được sử dụng tối đa.

Hiện nay, nông dân Việt vẫn loay hoay với sản lượng hơn 2,5 tấn mỗi hectare, và cảnh quan của đồn điền cũng như phương thức canh tác vẫn không khác gì thời Pháp thuộc.

Anh Vũ Trung Nguyên và các chuyên gia Do thái đang khuyến khích việc tưới cây và cho phân bón nhỏ giọt vào từng gốc, nhưng chưa được đáp ứng. Trong khi đó, năm 1972, chúng tôi đã giới thiệu kỹ thuật này cho các nhà vườn trái cây quanh Biên Hòa.

Tôi cũng thắc mắc là dù với đất đai rộng rãi, người dân vẫn xây nhà sát nhau, không quy hoạch, ngay ngoài mặt lộ để “vui hưởng” khói bụi và tiếng ồn?

Nhưng nói chung, người dân và môi trường sinh thái của Buôn Mê Thuột vẫn gây nhiều ấn tượng. Cùng nhau, họ đang tự khám phá mình và tìm hướng phát triển hài hòa.
Tôi tin họ sẽ thành công. Bởi vì thiên nhiên và tuổi trẻ luôn luôn là kẻ chiến thắng sau cùng.

Phong cách hưởng thụ

Vấn nạn lớn của các đại gia là họ tiêu xài đồng tiền họ chưa kiếm được, để mua những đồ chơi họ không cần, để gây ấn tượng với những người họ không ưa.

Nguyên nhân chính mà văn minh nhân loại đạt đến đỉnh hiện nay là do sự thúc đẩy của lòng tham. Những quyền lực, danh vọng và của cải của nhân loại đều phát sinh từ dục vọng.

Dù đức Phật có phán là “dục vọng là cội rễ của mọi đau khổ”, hay đức Chúa Trời có đặt “tham lam” vào mười điều răn cấm, thì con người vẫn thoải mái theo đuổi dục vọng của mình.

Tôi cũng không dấu giếm là suốt 42 năm lăn lộn trên thương trường, lòng tham vô đáy là cú hích bắt tôi phải đứng dậy tiếp tục cuộc chơi cho đến mức thành công. Dĩ nhiên, nó cũng dẫn đến nhiều thất bại điên rồ.

Tôi rất thông cảm với những khoe khoang của người đang giàu có. Sĩ diện là một văn hóa lớn và lâu đời của các quốc gia Đông Á. Thực tình, đây là một hành xử rất quen thuộc với mọi đẳng cấp thượng lưu trên thế giới.

Vì ai có tham vọng và may mắn để sở hữu những chiến lợi phẩm đều có mong ước là mọi người phải chiêm ngưỡng và ghen tị với họ.

Tuy nhiên người Âu Mỹ giỏi hơn trong việc đè nén sự phô trương quá mức thường thấy ở các đại gia Á Châu, nhất là ở những nhân vật mới giàu của các xã hội mới nổi như
Trung Quốc và Việt Nam.

Các bạn hãy nhớ là cuộc chơi nào cũng kèm theo những hóa đơn khá đắt. Thời vàng son lúc nào cũng qua nhanh và mưa bão lúc nào cũng đến sớm hơn dự đoán.

Tuy nhiên, thất bại thực sự là người bạn tốt. Nó sẽ mang bạn về với thực tại và dạy dỗ uốn nắn những kỹ năng còn thiếu sót. Nó sẽ rèn luyện cho bạn đức tính kiên nhẫn, cần cù và lòng tha thứ, nhất là cho mình.

Tôi học được từ một người bạn già và may sẵn cho mình một bộ complet thật đẹp để mặc vào khi chết. Bộ áo quần này không có túi. Nó nhắc nhở tôi rằng tôi sẽ không đem đi được gì khi trở về với cát bụi.

Phần còn lại của mình

Tôi thấy bây giờ có nhiều người đàn ông đặt ra những tiêu chuẩn rất cao trong việc tìm kiếm bạn đời, và cả phụ nữ cũng thế. Những người này đã có cuộc sống vật chất ổn định, địa vị xã hội đoàng hoàng nên họ đòi hỏi nửa còn lại cũng phải tương đương như thế.

Ở tuổi của tôi bây giờ thì có một người phụ nữ có thể giúp cho mình cảm thấy thoải mái và vui vẻ trong mọi hoàn cảnh đã là một điều gì đó tuyệt vời rồi. Tôi không nghĩ có một người đàn ông hay đàn bà “lý tưởng”, vì sau một thời gian chung sống, chúng ta đều nhận ra những ảo vọng về nhau.

Dẫu không đòi hỏi nhiều ở bạn đời nhưng tôi cho rằng phụ nữ thời nay có thể và có quyền làm bất cứ điều gì người đàn ông làm.

Do đó, những đặc tính mà tôi kính nể đều áp dụng cho cả hai phái: có tâm, trí tuệ, thành tựu, khả năng tài chính, sức khỏe, tinh thần với xã hội… Thực ra, nếu hai người ngang bằng, một người phụ nữ chiếm ưu thế hơn, vì lúc nào họ cũng ưa nhìn hơn đấng mày râu.

Đặt ra tiêu chuẩn cao như vậy không bất công với nữ giới đâu. Chúng ta phải trả giá cho bất cứ thành tựu nào. Phụ nữ cũng như nam giới đều chịu chung rất nhiều áp lực trong hành trình “tìm chỗ đứng dưới mặt trời”.

Sự chia sẻ vẫn là cần thiết

Quay lại với riêng vấn đề gia đình, dù sao đi nữa, một nguyên tắc bất di bất dịch trong hạnh phúc gia đình là sự chia sẻ. Sự chia sẻ sẽ làm cho mối quan hệ trở nên hài hoà hơn trong suốt thời gian chung sống.

Tuy nhiên, mọi điều không chỉ đơn giản là giữa hai cá nhân. Chuyện hai người còn ảnh hưởng bởi văn hóa và ngay cả quyền lực, địa vị… chưa nói đến những can thiệp của gia đình, bạn bè.

Người phụ nữ dù ở phương Tây hay ở Việt Nam nhìn chung đều bị vướng vào sự mâu thuẫn giữa ba yếu tố: gia đình, sự nghiệp và bản thân.

Mỗi người đều hưởng nhận những may mắn đến từ cuộc sống, nhiều hay ít; nhưng cái may mắn lớn nhất là nhận diện ra được cái may mắn của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những câu chuyện cũ mà mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO