![]() |
Cả 100 cabin trong toilet công ty chúng tôi cũng treo đầy thông điệp trích từ sách. |
Sếp tôi là một nữ doanh nhân ở TP.HCM. Gõ tên sếp trên Google có hàng loạt bài báo do phóng viên phỏng vấn sếp hoặc do sếp tự viết. Ấy vậy mà bình thường, nhân viên chỉ thấy sếp lo chuyện kinh doanh, phát triển sản phẩm mới. Việc xây dựng đội ngũ kế thừa cho công ty, sếp cũng rất quan tâm và dành lịch làm việc để trực tiếp đứng lớp, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm nhiều năm tích lũy trong kinh doanh. Nhưng chưa từng nghe sếp nhắc đến chuyện viết sách.
Đùng một cái, sếp tuyên bố cuối năm ra sách. Cầm trên tay cuốn sách bìa màu xanh có hình tượng cách điệu cánh diều ước mơ, chợt thấy ấm lòng. Bởi "bọn trẻ" ở công ty chúng tôi hiểu ngay ẩn ý bên trong, đó là món quà gửi tặng thế hệ tiếp nối, chắc là vì e rằng những bài giảng đầy tâm huyết của sếp có thể từ “tai này qua tai kia” rồi một đi không trở lại, ai còn nhớ để kế thừa, để phát huy. Có sách rồi, bài nào sếp giảng, chuyện nào sếp kể mà lỡ quên thì cứ mở ra, đọc lại, từ từ chiêm nghiệm, học hỏi, tiếp thu rồi cống hiến cho sự phát triển của công ty.
Đến nay đã ba năm kể từ ngày sếp tôi ra mắt cuốn sách đầu tay. Cuốn sách sếp tặng, tôi đã lật mòn gáy, giấy cũng đã ngả màu. Thi thoảng lần giở một chương, vẫn bắt gặp điều gì đó để học hỏi, để ứng dụng.
Hơn thế, từ ngày sếp ra sách, có một sự đổi thay ngấm ngầm nhưng tích cực ở nơi làm việc của chúng tôi. Trước đây, các cuộc thi hay đào tạo kỹ năng nội bộ, phần thưởng hầu hết là sản phẩm của công ty hay bánh kẹo, bây giờ có thêm sách. Được tặng sách của sếp đã mừng, chúng tôi còn được tặng cả sách của nhiều tác giả khác. Nhớ cách đây vài tháng, khi dịch Covid-19 đợt 1 tạm lắng, để cảm ơn ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của công ty đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, sếp tặng mỗi thành viên 4 cuốn sách làm quà, mà toàn sách hay!
Rồi thì chương trình phát thanh buổi trưa ở công ty cũng có thêm chuyên mục Đọc sách giùm bạn. Là những câu chuyện trong “hạt giống tâm hồn”, hoặc một chương hấp dẫn trong quyển sách kỹ năng sống nào đó. Bữa ăn trưa thêm phần rôm rả vì chúng tôi có thể vừa ăn, vừa nghe sách, vừa thảo luận nội dung của nó.
Cả 100 cabin trong toilet công ty chúng tôi cũng treo đầy thông điệp trích từ sách của nhiều doanh nhân và cả của sếp. Có lần, tôi bạo miệng hỏi sếp: "Sếp có buồn không khi câu hay nhất trong sách được treo ở nơi... “giải tỏa nỗi buồn” của mọi người?". Sếp cười tươi rói, nói: "Ủa, sao buồn được em! Nơi ấy ai cũng phải vào một ngày ít nhất vài ba lần, tức là những điều chị viết được đọc nhiều hơn”.
Và cứ thế, văn hóa đọc sách len lỏi vào đời sống công sở của nhân viên chúng tôi. Sách, hơn là một món quà, mà là giá trị mang tính trao truyền, để người trẻ chúng tôi tiếp nhận kinh nghiệm tích lũy nhiều năm "chinh chiến" của các sếp, để đến lượt mình, chúng tôi phát huy và sáng tạo cái mới trên nền tảng kinh nghiệm quý báu được trao truyền qua sách.
Vậy nên, tôi nghĩ, giá mà công ty nào cũng có sếp viết sách thì hay biết mấy. Lúc ấy, bọn trẻ chúng tôi sẽ "giàu có" hơn vì được học hỏi từ thành công của người đi trước. Mà một khi đã có văn hóa đọc thì văn hóa nói cũng tốt lên, môi trường làm việc sẽ vui vẻ, cởi mở hơn, vì “người bạn sách” chẳng dạy ai cư xử xấu hay làm điều tiêu cực bao giờ.
Cuối cùng, để xác tín điều tôi kể trên đây là thật, xin giới thiệu sếp tôi để bạn đọc dễ tìm kiếm trên Google, đó là chị Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food, tác giả cuốn sách Người thả diều - những câu chuyện chắp cánh ước mơ tuổi trẻ.