Doanh nhân và sách

Hành trình từ người điều hành đến tác giả

Trâm Bi 02/04/2025 07:00

Trong thế giới kinh doanh, viết sách không chỉ là cách chia sẻ kiến thức mà còn là hành trình chiêm nghiệm, định vị bản thân và tạo giá trị cho cộng đồng. Ngày càng nhiều doanh nhân Việt Nam chọn viết sách để hệ thống hóa trải nghiệm, truyền cảm hứng và mở rộng tầm ảnh hưởng.

Khi doanh nhân cầm bút

Mức độ quan tâm của doanh nhân Việt Nam đến việc viết sách đang gia tăng - theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa sách Sài Gòn (Saigon Books). Một số doanh nhân người đã nhận ra giá trị của việc ghi chép và chia sẻ kinh nghiệm qua sách, xem đó là cách khẳng định dấu ấn cá nhân và đóng góp tri thức cho xã hội.

Saigon Books là một trong những đơn vị tích cực phát hành sách của doanh nhân, như Nguyễn Phi Vân, Lê Thị Thanh Lâm, Nhan Húc Quân, Nguyễn Trần Quang, Nguyễn Thanh Mỹ, Hồ Văn Trung, Trần Tiến Công… Chính ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng là tác giả của nhiều tựa sách như “Sống ở thể chủ động”, “Tin vào chính mình”, “Cứ bay rồi sẽ cao”, “Chào ngày mới”. Để duy trì khả năng viết, ông không ngừng rèn luyện bằng cách viết báo và chia sẻ trạng thái trên Facebook mỗi ngày. Chính sự kiên trì đó đã giúp ông luôn có sẵn chất liệu cho những cuốn sách tiếp theo.

den-sahara-mo-quan-tra-da-3.jpg

Từ ý tưởng đến trang sách đầu tiên

Một trong những doanh nhân dấn thân vào con đường viết sách là ông Phan Thanh Minh - người sáng lập và CEO Công ty CP Site Plus. Năm 2022, ông xuất bản cuốn sách “Đến Sahara mở quán trà đá - Bí quyết tìm kiếm mặt bằng kinh doanh” dưới bút danh Minh Phan. Tác phẩm đã lọt vào Top 10 sách do doanh nhân Việt viết năm 2024. Với 10 năm kinh nghiệm trong ngành phát triển mặt bằng bán lẻ, ông Minh Phan cũng đã tư vấn Việt hóa nội dung cuốn sách “Thiết kế và bài trí cửa hàng bán lẻ” của Mark Muller.

Năm 2021, khi TP.HCM giãn cách vì Covid-19, ông Minh Phan mới có thời gian viết sách. Ban đầu, ông chỉ định viết một ebook ngắn gọn để chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh. Tuy nhiên, càng viết ông càng nhận ra có quá nhiều điều cần chia sẻ. Nhờ sự hỗ trợ của Giver Books - công ty chuyên giúp tác giả viết sách, ebook của ông dần hoàn thiện thành một cuốn sách thực thụ sau 9 tháng miệt mài viết. Đó chính là cuốn sách “Đến Sahara mở quán trà đá - Bí quyết tìm kiếm mặt bằng kinh doanh”.

Với ông Ngô Mưu Tiến - Giám đốc điều hành OEM Group, cuốn “Chiến lược sản phẩm - 4 cách tư duy để tạo sản phẩm kinh doanh hiệu quả và có lợi nhuận bền vững” ra đời từ ba động lực chính. Thứ nhất, ông muốn hỗ trợ thế hệ trẻ, đặc biệt là nhân viên và sinh viên thiếu định hướng. Thứ hai, bạn bè khuyến khích ông viết sách như một di sản cá nhân để lại cho con cái. Thứ ba, ông mong muốn định vị bản thân trong ngành merchandise (buôn bán) đối với các thương hiệu có bản quyền (Intellectual Property - IP), một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Viết sách và điều hành doanh nghiệp: Giống mà không giống

Với Ngô Mưu Tiến, viết sách cũng giống như ra mắt một sản phẩm kinh doanh. Cả hai đều đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định nhu cầu thị trường và tạo ra giá trị thực sự. Một cuốn sách hay cần có điểm độc đáo, giống như một sản phẩm phải có lợi thế cạnh tranh.

Đồng quan điểm, ông Minh Phan cho rằng, dù viết sách hay điều hành doanh nghiệp, điều quan trọng nhất vẫn là thấu hiểu đối tượng phục vụ. Trước khi viết sách, phải xác định độc giả của mình là ai, họ quan tâm điều gì, từ đó mới xây dựng nội dung phù hợp - tương tự như cách doanh nghiệp nghiên cứu thị trường trước khi ra sản phẩm.

Tuy nhiên, hai công việc này vẫn có khác biệt lớn. Điều hành doanh nghiệp đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ phận, trong khi viết sách là một hành trình cá nhân đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỷ luật. Hơn nữa, sai sót trong sách có thể chỉnh sửa được, nhưng quyết định sai trong kinh doanh có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.

Viết sách là hành trình chiêm nghiệm và đúc kết

Quá trình viết sách giúp doanh nhân hệ thống hóa kiến thức. Trước đây, nhiều kinh nghiệm chỉ mang tính trực giác, nhưng khi viết, họ phải nghiên cứu sâu hơn để lý giải một cách logic.

Ông Minh Phan chia sẻ về trải nghiệm này: “Khi viết về cách giúp cửa hàng lọt vào tầm mắt khách hàng, tôi phải tìm hiểu về cách mắt người tiếp nhận hình ảnh, tỷ lệ chữ trên bảng hiệu… Nhờ đó, kiến thức của tôi không chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân mà còn có cơ sở khoa học vững chắc”.

Khi bắt đầu viết sách, Minh Phan vẫn làm việc toàn thời gian tại một tập đoàn nước ngoài. Nhưng đến khi bước vào giai đoạn hiệu đính và xuất bản, ông đã thành lập Site Plus - công ty chuyên tư vấn phát triển mặt bằng bán lẻ. Điều này khiến ông phải học cách cân bằng giữa công việc và đam mê viết lách bằng cách lên kế hoạch rõ ràng, chia nhỏ công việc và đặt thời hạn cụ thể.

Viết sách cũng giúp Ngô Mưu Tiến nhìn lại hành trình của mình. Nhờ viết sách, doanh nhân có dịp hệ thống lại những gì đã trải qua, chọn lọc và ghi chép những giá trị tinh túy nhất.

“Khi lý do đủ lớn, doanh nhân sẽ bước qua được rào cản tâm lý rằng mình chưa đủ thành công để viết sách” - Ngô Mưu Tiến nhận định. Nếu là chuyên viên, bạn có thể viết sách cho sinh viên hoặc người mới vào nghề. Nếu là giám đốc điều hành công ty doanh thu 100 triệu đô, bạn vẫn có thể chia sẻ kinh nghiệm với doanh nhân mới khởi nghiệp. Quan trọng là câu chuyện của bạn có giá trị”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành trình từ người điều hành đến tác giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO