9 cách để thoát khỏi trì trệ và tăng trưởng vũ bão

Người tóm tắt: TRƯƠNG HỒNG DŨNG (TGM Books)| 19/10/2012 06:55

Tại sao ngay lúc tin tức tồi tệ nhất, một số công ty lại có một năm kinh doanh thành công chưa từng có? Bạn có thể thành công như họ không? Bạn hoàn toàn có thể, và với quyển sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn chính xác bằng cách nào” - Jay Abraham nói.

9 cách để thoát khỏi trì trệ và tăng trưởng vũ bão

“Tại sao ngay lúc tin tức tồi tệ nhất, một số công ty lại có một năm kinh doanh thành công chưa từng có? Bạn có thể thành công như họ không? Bạn hoàn toàn có thể, và với quyển sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn chính xác bằng cách nào” - Jay Abraham nói.

Giải pháp đột phá - 9 cách đưa công việc kinh doanh của bạn thoát khỏi cảnh trì trệ để tăng trưởng như vũ bão trong thời điểm kinh tế khó khăn
Nguyên tác: The Sticking Point Solution - 9 ways to move your business from stagnation to stunning growth in tough economic times
Tác giả: Jay Abraham
Dịch giả: Trần Đăng Khoa - Uông Xuân Vy
Sách dày 260 trang, TGM Books thực hiện, NXB Phụ Nữ ấn hành năm 2012.
Giá bìa: 100.000 đồng

Download bản tóm tắt

Về tác giả

Jay Abraham là một trong những chuyên gia tiếp thị trực tuyến hàng đầu thế giới. Ông là tác giả của nhiều bài viết và sách về tiếp thị trực tuyến từng trở thành best-seller tại Mỹ. Ông thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến thu hút đông đảo người tham gia về đề tài tiếp thị trên mạng, và từng trực tiếp tư vấn giúp rất nhiều doanh nghiệp đạt được những thành quả lớn trên mạng Internet.

Là người thành lập và cũng là người điều hành cao nhất của tổ chức Abranham Group ở Los Angeles, California, Jay Abraham đã từng trải qua 25 năm trong việc giải quyết các vấn đề marketing. Người ta gọi ông là “Thầy phù thủy Marketing” của nước Mỹ.

Jay Abraham có lượng khách hàng lên đến trên 10.000 người cùng với hơn 400 cơ sở công nghiệp trên khắp thế giới. Tháng 6/2000, số báo của Forbes Magazine đã xếp Jay vào danh sách là một trong 5 người lãnh đạo bậc thầy của đất nước.

Nội dung chính

Tôi yêu khủng hoảng kinh tế. Khách hàng của tôi cũng vậy. Và sau khi đọc xong quyển sách này, bạn cũng sẽ giống như tôi.

Tại sao ngay lúc tin tức tồi tệ nhất, một số công ty lại có một năm kinh doanh thành công chưa từng có? Bạn có thể thành công như họ không? Bạn hoàn toàn có thể, và với quyển sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn chính xác bằng cách nào.

GIỚI THIỆU - CÔNG TY CỦA BẠN CÓ BỊ BẾ TẮC KHÔNG?

95% doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty mới thành lập không đạt được mục tiêu của họ. 95% - một con số khủng khiếp!

Phần lớn công ty không lập kế hoạch chi tiết dựa trên bốn yếu tố cần thiết: sản phẩm, thị trường, thu hút khách hàng và tiếp thị.

Câu châm ngôn “Hoặc là tăng trưởng hoặc là chết” áp dụng cho mọi thứ - bao gồm cả sự sống còn của doanh nghiệp. Một công ty phải tăng trưởng không ngừng. Bạn không thể sống lây lất, bạn phải phát triển bằng mọi giá. Tôi sẽ cho bạn thấy cần phải làm gì đầu tiên, làm gì tiếp theo và sau đó - làm như thế nào, áp dụng vào đâu, và tại sao lại làm như vậy.

Nếu có một thời điểm quan trọng nào đó để kiểm tra sự thay đổi trong cách bạn tư duy và làm kinh doanh thì đó chính là thời điểm kinh tế khó khăn. Bạn có toàn quyền thử nghiệm phương pháp kinh doanh mới, chương trình tiếp thị mới, quảng cáo mới… mà không phải mạo hiểm, và sau đó khám phá ra rằng cách thứ hai cải thiện được 20% vấn đề. Nhưng đừng dừng lại ở đó - biết đâu cách thứ ba có thể cải thiện tình hình đến 40%!

Tôi đã xác định được 9 loại hoàn cảnh chủ yếu mà công ty thường rơi vào bế tắc, trong thời điểm tốt lẫn xấu. Quan trọng hơn cả, tôi sẽ đề xuất những giải pháp cụ thể để bạn áp dụng ngay hôm nay cho doanh nghiệp của mình:

1 - BẠN BẾ TẮC VÌ THUA KÉM ĐỐI THỦ?

Điều mà không ai chối cãi được: đây là thế giới “cá lớn nuốt cá bé”. Thế giới kinh doanh cũng không khác gì - nếu có khác biệt thì chính là tính cạnh tranh thậm chí còn khốc liệt hơn. Vậy, bằng cách nào để bạn dẫn đầu? Làm sao bạn đảm bảo rằng sản phẩm và dịch vụ của bạn đánh bại những đối thủ còn lại?

Chính tiếp thị, đổi mới và chiến lược quan trọng hơn bất cứ điều gì một doanh nhân có thể làm cho công ty. Tiếp thị, đổi mới và chiến lược là những cách mang lại kết quả kinh doanh. Còn lại tất cả đều là chi phí. Đổi mới chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1 - Tìm cách sử dụng ở mức cao nhất, tốt nhất, đó là tối ưu hóa: chọn ra những gì đang hiệu quả và làm cho nó tốt hơn ở mức n lần; hoặc sửa đổi hay thay thế những gì không hữu hiệu.

Giai đoạn 2 - Đổi mới: tạo ra những đột phá, kiểm soát rủi ro và tìm những ý tưởng mới từ môi trường bên ngoài.

Khi bạn thay đổi phương thức tiếp thị, bạn sẽ thay đổi kết quả. Ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có tác dụng. Tôi từng thấy một cử chỉ hỏi thăm duy nhất, sau khi không bán được hàng, đã khiến 35% đối tượng được hỏi thăm quay lại mua hàng.

Thay vì tập trung vào sự thay đổi, hãy chú trọng vào những thay đổi. Đặt ra những câu hỏi đúng: Không hỏi “Tôi có xứng đáng với mục tiêu này không?” mà hãy hỏi “Mục tiêu này có xứng đáng với tôi không?”.

Xây dựng hình ảnh công ty thành một nhà tư vấn, một nguồn cung cấp đáng tin cậy nhất, có giá trị và cao cấp nhất trên thị trường.

2 - BẠN BẾ TẮC VÌ KHÔNG ĐỦ DOANH THU?

Hãy thay đổi phương thức làm việc của đội ngũ bán hàng bằng cách huấn luyện phương pháp tư vấn bán hàng cho họ. Đội ngũ bán hàng là tiền tuyến của bạn. Có đội ngũ bán hàng và nhân viên tiếp xúc với khách hàng không được huấn luyện về tư vấn bán hàng cũng giống như việc điều hành một hãng hàng không mà phi công chưa bao giờ xem sách hướng dẫn lái máy bay.

Jay Abraham - người được gọi là “Thầy phù thủy Marketing” của nước Mỹ

Khách hàng mua hàng vì họ đặt niềm tin vào mối quan hệ với bạn. Người tư vấn bán hàng là người nuôi dưỡng lòng tin đó.

Nền tảng của việc tư vấn bán hàng là cách tiếp cận “Cho và nhận”. Đầu tiên, đánh giá thông số giao dịch, sau đó chốt đơn hàng bằng cách đảm bảo khách hàng sẽ mua nếu bạn có thể thực hiện đơn hàng, cuối cùng là giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ của bạn.

Thay đổi quảng cáo sao cho chú trọng vào người xem. Trong quảng cáo của bạn: viết tiêu đề thật hay, tách biệt bản thân, xây dựng uy tín, giảm rủi ro của khách hàng, kèm lời kêu gọi hành động, cộng thêm lợi ích và cuối cùng là tóm tắt lời chào mời.

Bằng cách thay đổi bản chất quảng cáo và hướng người xem tới những hành động mong muốn ngay lập tức, bạn có thể tăng doanh thu lên rất nhanh mà không cần tăng chi phí quảng cáo. Ví dụ, thay vì nói “Hãy mua hàng của tôi”, tôi đổi thông điệp tới khách hàng thành “Hãy mua hàng của tôi ngay bây giờ bởi vì…”. Kết quả không chỉ tăng 30% - 40% doanh số mà còn tăng ngay tức thì.

Nếu bạn chưa có trang web, hãy tạo ra nó. Nếu bạn đã có, hãy tối ưu hóa nó. Trang web của bạn phải thiết thực: giúp khách mua hàng dễ dàng hơn. Vào năm 2006, một thượng nghị sĩ Mỹ ít được biết tới tung ra chiến dịch tranh cử tổng thống. Như một phần quan trọng của chiến dịch, ngài thượng nghị sĩ khai thác tối đa Internet với mức độ cao hơn nhiều so với những ứng cử viên khác. Kết quả ra sao? Thượng nghị sĩ Barack Obama trở thành tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Không thể xem thường sức mạnh của thế giới mạng!

Kết nối với những tổ chức và tạo ra các mối quan hệ mang tính sáng tạo để bán được nhiều hàng hơn. Nếu bạn không có đủ nguồn lực, hãy hợp tác với những người có sẵn. Mỗi người chúng ta đều bị giới hạn về thời gian, khả năng, nguồn lực và phương pháp tiếp cận. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng những nguồn lực xung quanh, bạn chỉ còn bị giới hạn bởi chính tầm nhìn của bạn và khả năng khai thác những nguồn lực đó mà thôi. Bạn có thể làm bất cứ thứ gì.

Làm cho lời chào mời của bạn trở nên khó cưỡng lại bằng cách không chừa kẽ hở cho khách hàng nói “Thì sao?”. Lúc nào cũng vậy, thay đổi cách tiếp cận của bạn – đó là cách duy nhất để thay đổi kết quả. Bruce Barton, huyền thoại về quảng cáo, đã nói: “Khi bạn ngừng thay đổi, bạn đã hết thời”.

3 - BẠN BẾ TẮC VÌ DOANH THU KHÔNG ỔN ĐỊNH?

Để giải quyết tình trạng doanh thu thất thường, bạn phải bắt đầu hành động một cách có chiến lược, có phân tích và có hệ thống. Luôn luôn thực hiện những hoạt động cải tiến và nâng cao hiệu quả của chiến lược kinh doanh lâu dài và chặt chẽ nhằm thu hút đối tượng tiềm năng, biến họ thành khách hàng, tạo mối quan hệ lâu dài và mua hàng thường xuyên với họ.

Bước quan trọng nhất của việc lập ra chiến lược chính là tự hỏi công ty bạn muốn thu hút dạng khách hàng nào và tại sao. Hãy làm một nghiên cứu thị trường để trả lời câu hỏi này. Phân tích những hoạt động kinh doanh trong quá khứ và hiện tại của bạn. Phân tích định lượng là cách duy nhất để biết phương án đầu tư nào mang lại lợi nhuận lâu dài và có chiến lược một cách tối ưu nhất. 20% khách hàng của bạn đáng giá 80% lợi nhuận. Hãy khám phá ra họ là ai và họ cần gì, rồi cung cấp cho họ.

Khi đặt nền tảng cho chiến lược của mình, bạn phải chú trọng vào việc thu thập đầy đủ thông tin nhằm tìm ra các vấn đề sau:
• Ai là khách hàng tiềm năng nhất?
• Họ cần gì, muốn gì, mong đợi gì?
• Họ có nhu cầu cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn không?
• Ai là đối thủ của bạn và họ làm ăn như thế nào?
Bạn nên cố gắng trả lời những câu hỏi cơ bản này thật chi tiết và cụ thể. Ví dụ, nếu bạn kinh doanh trong ngành bất động sản, bạn cần biết có bao nhiêu căn nhà được bán ra mỗi năm trong địa bàn của bạn, và trị giá bao nhiêu tiền. Hoặc nếu bạn bán đồng hồ cao cấp, hãy nghiên cứu những sản phẩm đồng hồ tương tự trên thị trường, và để ý xem doanh số của họ có tốt không. Tìm hiểu đặc điểm của đối tượng khách hàng bạn nhắm đến, để biết được họ cần gì; sau đó định vị thương hiệu của bạn là nhà cung cấp tốt nhất có thể thỏa mãn nhu cầu đó.

Tạo ra một hệ thống để thu hút và giữ chân khách hàng. Thường xuyên phân tích dữ liệu cũng như thử nghiệm và hoàn thiện hệ thống của bạn.

4 - BẠN BẾ TẮC VÌ THIẾU CHIẾN LƯỢC?

Việc lập chiến lược bắt đầu bằng việc quản lý thời gian thực thụ - xem xét lại mọi việc bạn làm với nguyên tắc “tận dụng tối đa”.

Thời gian, sức lực và chi phí cơ hội là ba thứ tài sản vô hình quý giá nhất mà bạn có. Đừng phí phạm chúng trong khi bạn có thể đầu tư chúng vào chiến lược của mình. Hãy đánh giá lại tất cả những việc phải làm của mình. Bất cứ việc gì không liên quan, hoặc bạn không có khả năng, hoặc bạn không hề đam mê, nên được giao cho người khác làm. Ủy thác là chuyển những gì bạn xem là công việc cho một ai đó chỉ xem chúng như trò chơi.

Nếu bạn không đủ tiền để trả cho trợ lý và nhân viên theo cách truyền thống, hãy sáng tạo ra những phương án trả công khác.

Lên lịch cụ thể và quy định quỹ thời gian dành cho e-mail, điện thoại và họp hành. Đừng để chúng kiểm soát lịch làm việc của bạn.

Thứ mà đa số mọi người xem là một trong những đột phá về công nghệ hiệu quả nhất trong lịch sử kinh doanh thật ra là một trong những thứ phí thời gian nhất. Email có vẻ là tốt, nhưng khi xét trên phương diện quản lý thời gian, nó là một tai họa. Trả lời email là một công việc, và cũng như mọi công việc khác, bạn nên sắp xếp thời gian để hoàn thành nó. Nhưng đa số mọi người email suốt ngày, bất chấp họ đang phải làm một dự án quan trọng, chỉ cần một tiếng “ping” trong hộp thư là họ buông mọi thứ đang làm để chú ý đến âm thanh đó. Cái mà nhiều người cho là sự kết nối liên tục và tức thời thật ra là thứ gây phân tán và xao lãng liên tục và tức thời. Đó là sự phí phạm thời gian - một trong những phương pháp sử dụng thời gian kém nhất và tồi tệ nhất.

Áp dụng “11 bí quyết làm chủ doanh nghiệp”, và đừng như con chuột bạch rối rít chạy trong bánh xe quay khi bạn làm chủ doanh nghiệp. Thành công của khách hàng cũng là của bạn. Hãy bày tỏ sự đồng cảm với khách hàng. Phải biết rõ mục đích của mình - Đâu là điều tốt đẹp mà bạn mang lại cho thị trường?

Hãy nghĩ về khả năng theo nhiều hướng khác nhau. Hãy yêu doanh nghiệp và cả thị trường mà doanh nghiệp bạn gây ảnh hưởng, cùng với đam mê.

5 - BẠN BẾ TẮC VÌ CHI PHÍ LẤN ÁT LỢI NHUẬN?

Khá nhiều công ty trì trệ không hề gặp khó khăn trong việc kiếm tiền – họ chỉ khổ sở trong việc ngăn tiền chảy ra khỏi túi. Các chi phí hoạt động như tiền lương, thiết bị, và cơ sở hạ tầng nhanh chóng hút hết lợi nhuận như miếng bọt biển khô háo nước. Bạn phải tính toán tỉ lệ hoàn vốn đầu tư ROI của hoạt động tiếp thị. Nếu không, bạn đang ném tiền vào cái túi không đáy.

Đánh giá hiệu quả của từng mục nhỏ trong việc xây dựng và giữ vững công ty: xác định đối tượng khách hàng, tìm đến khách hàng hoặc khuyến khích họ tìm đến bạn, hoàn tất giao dịch mua bán sao cho khách hàng hài lòng và quay lại lần sau.

Đánh giá mọi thứ bạn làm theo dạng hoạt động đầu tư sinh lợi, chứ không chỉ là chi phí. Tăng tỉ lệ hoàn vốn đầu tư bằng cách trao đổi hàng hóa: Tiết kiệm tiền mặt đầu tư vào cơ sở vật chất, tự in phiếu mua hàng, nhớ rằng đối tác của bạn có thể không dùng hết phiếu; chuyển sản phẩm được trao đổi thành tiền mặt; tạo ra trung tâm lợi nhuận, tăng trưởng tài chính nhanh chóng mà không dùng tiền, và làm cho tiền chi ra chảy ngược vào túi mình.

Cố gắng bán sản phẩm trọn gói một cách độc đáo. Tôi không bao giờ bán một món hàng bình thường. Thay vao đó, tôi luôn cố gắng thêm vào những thành tố khác, dù là vô hình hãy hữu hình, để sản phẩm trở nên độc đáo. Khi bạn bán trọn một bộ hàng độc đáo - với những món cộng thêm đầy giá trị mà chưa ai nghĩ tới - bất kỳ ai sáng suốt đều chọn mua từ bạn thay vì đối thủ.
Biết khi nào mình đang chi ra quá nhiều, và khi nào thì chi quá ít. Mặc dù có thể bạn rất muốn cắt giảm chi phí tiếp thị trong thời điểm khó khăn, nhưng hãy cắn răng và làm điều ngược lại.

6 - BẠN BẾ TẮC VÌ LÀM MÃI NHỮNG VIỆC KHÔNG HIỆU QUẢ?

Nếu bạn làm những việc mà ai cũng làm, bạn không tạo được sự khác biệt so với đối thủ - và nhiều khả năng là bạn bế tắc.

Hãy nghĩ xa hơn khuôn khổ ngành nghề của bạn. Nhìn vào những quy trình mà các ngành khác đang sử dụng để tạo ra doanh thu, rồi chia nhỏ chúng ra thành từng phần. Bạn có áp dụng chúng vào công ty của mình được không?

Biến đội ngũ bán hàng của bạn thành dây chuyền chuyên môn hóa. Hãy suy nghĩ thực tế, tối ưu hóa ưu điểm, và giảm thiểu khuyết điểm. Xác định những trở ngại trong công ty đang níu chân bạn, và đập tan chúng.

Khi bạn cần đổi mới, hãy áp dụng 5 bước đơn giản này: thu thập dữ liệu thô, phát triển ý tưởng, quên chúng đi trong một thời gian, viết ra tất cả ý tưởng mới, xem xét và cải tiến.

7 - BẠN BẾ TẮC VÌ BỊ THỊ TRƯỜNG ĐÀO THẢI?

Nếu bạn tin sản phẩm của mình là hàng hóa thông thường, bạn sẽ trở thành như vậy. Bị đào thải và biến thành hàng hóa thông thường là cặp đôi quái quỷ cản trở phần lớn các công ty đạt được sự phát triển vượt bậc.

Để trở nên ưu việt trên thị trường, hãy chứng minh bạn là nơi đầu tư tốt hơn bất kỳ ai khác. Bạn có thể trở thành nhà cố vấn đáng tin cậy nhất của khách hàng, luôn phục vụ khách với sự chính trực. Trở nên ưu việt nghĩa là bạn vượt trội hơn tất cả người khác bằng những giá trị cộng thêm và sự kết nối đầy cảm thông với khách hàng.

Bạn đoán trước được lý do tại sao khách hàng còn ngần ngại chưa mua hàng của bạn, và dẹp bỏ những lo ngại đó. Có ba bước để thực hiện việc này: Xóa đi những mối lo đang níu chân khách hàng, giải tỏa nỗi sợ của họ về kết quả, và cho khách hàng thấy được lợi thế khi chọn bạn.

Chiếm độc quyền bằng cách sở hữu thị trường. Tận dụng những khái niệm trong ngành khoa học thần kinh về Hệ lưới hoạt hóa (RAS) như một công cụ tiếp thị. Đảm bảo thông điệp của bạn sẽ được khách hàng đọc đầu tiên, lời chào mời của bạn sẽ được ưu tiên hơn, và danh tiếng của bạn sẽ được giữ vững và nâng cao.

Tận dụng hiệu ứng giả dược: nếu khách hàng nghĩ rằng bạn độc quyền, tức là bạn độc quyền. Hãy chú trọng vào việc tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng.

8 - BẠN BẾ TẮC VÌ NHỮNG HOẠT ĐỘNG TIẾP THỊ TẦM THƯỜNG?

Tự mình định nghĩa lại từ “tiếp thị” như một quy trình cho thị trường biết rằng công ty bạn có thể giải quyết được vấn đề, đáp ứng những nhu cầu còn bỏ ngỏ, đạt được những cơ hội và mục tiêu theo cách mà không một công ty nào khác có thể làm được.

Mục tiêu đầu tiên của tiếp thị là xác định, kết nối và thu hút những đối tượng có chất lượng tốt nhất càng nhiều càng tốt. Mục tiêu thứ hai là biến những đối tượng này thành khách mua hàng lần đầu tiên, nâng cấp họ thành khách mua nhiều loại sản phẩm, khiến họ phải quay lại nhiều lần khi cảm thấy cần thiết để đạt kết quả tối ưu. Mục tiêu thứ ba là khai thác họ một cách có đạo đức để tạo ra nguồn doanh thu thay thế, từ đó cải thiện chất lượng mối quan hệ của bạn và nâng cao đời sống của họ.

Hãy nghĩ đến tiếp thị như là một hình thức đầu tư, nhưng là một hình thức cực kỳ hiệu quả, có thể mang lại tỉ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI) hơn 100% rất đều đặn - và đôi khi thậm chí là bội số của 100%.

Bạn không thể đạt được mục tiêu trừ phi bạn xác định được nó. Bạn muốn đạt được điều gì? Và hãy làm theo chín bước của Mô Hình Bậc Thầy để đạt được điều đó: chiếm lòng tin của thị trường, tạo ra tính cách riêng, phát triển tầm nhìn thị trường, kể câu chuyện của bạn, trở thành hình tượng với quan điểm mạnh mẽ, chọn cách diễn đạt của riêng mình, sử dụng phương tiện truyền thông riêng biệt, tạo nên những khách hàng đẳng cấp, và làm việc với các chuyên gia.

9 - BẠN BẾ TẮC VÌ VẪN NÓI RẰNG "TÔI TỰ LÀM ĐƯỢC"?

Kinh doanh chính là tận dụng những nỗ lực cộng hưởng. Bạn giúp người khác đạt được cái họ muốn, rồi họ sẽ giúp bạn có được bất cứ thứ gì bạn muốn. Nếu bạn tin rằng mình phải tự làm mọi thứ, công ty của bạn sẽ không tồn tại được lâu. Hãy dẹp bỏ tư duy “tự mình làm mọi thứ”. Nó không còn là một giá trị trong thế giới kinh doanh ngày nay.

Tận dụng nguồn lực tốt là khi doanh nhân hành động với mục tiêu tạo ra ROI dự đoán được và tính toán được. Tận dụng nguồn lực không tốt là khi doanh nhân làm việc một cách mù quáng, không biết ROI của các hoạt động trên chính xác là bao nhiêu và chỉ biết hy vọng kết quả tốt nhất. Hãy chọn cách tận dụng nguồn lực tốt.

Biết khi nào nên bành trướng doanh nghiệp, và khi nào nên giữ nguyên hiện trạng. Hãy bắt đầu với việc tối ưu hóa - tận dụng hết mức những gì đang có - trước khi bắt đầu chuyển sang đổi mới. Khi đến thời điểm phải mở rộng và đề nghị hợp tác kinh doanh, hãy giữ vai trò chủ động. Trang bị kiến thức trước khi bước vào đàm phán.

Cách để đối phó với lời từ chối hợp tác chính là sự thông cảm. Khi hợp tác, tránh bị sa đà vào lý thuyết, đừng bắt đầu với mẻ cá quá lớn, hay cho phép bản thân mình nản chí.

Lợi ích của việc hợp tác kinh doanh là không kể xiết. Ví dụ như: Chúng giúp tăng doanh thu, mang đến những giá trị cộng thêm cho khách hàng; cho phép bạn thâm nhập vào thị trường mới ngay lập tức; cho bạn cơ hội san sẻ chi phí, giúp bạn hoạt động linh hoạt, ít rủi ro hơn; cho bạn tiếp cận nguồn kiến thức và chuyên môn ngoài giới hạn của bạn; mở rộng sản phẩm, tạo điều kiện tiếp thị và bán hàng tuyệt vời, và cho phép bạn chú trọng vào mục tiêu chính của công ty trong khi vẫn mở rộng doanh nghiệp thông qua hợp tác.

LỜI KẾT - LÀM SAO ĐỂ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN TRONG KHỦNG HOẢNG KINH TẾ?

Đánh giá ảnh hưởng tâm lý do thời kỳ suy thoái gây ra cho đối thủ.

Xây dựng hệ thống phòng thủ và tấn công. Để tấn công, tìm những điểm yếu và cơ hội tiềm ẩn. Để phòng thủ, ngừng làm những thứ không hiệu quả. Bắt đầu thử nghiệm những cách làm mới một cách an toàn và cẩn thận, như việc hợp tác kinh doanh.

Đo lường giá trị trọn đời. Một khi bạn đã xác định được một khách hàng mang lại giá trị lâu dài bao nhiêu, bạn sẽ biết mình cần đầu tư bao nhiêu để thu hút khách mua lần đầu và biến họ thành khách hàng thường xuyên.

Bây giờ là lúc thương lượng với giới truyền thông để quảng bá cho doanh nghiệp của bạn. Họ sẽ sẵn lòng dành cho bạn những quyền lợi đặc biệt, bởi họ cũng đang mất doanh thu.

Dành cho đội ngũ bán hàng của đối thủ một thỏa thuận hấp dẫn hơn, và lôi kéo họ vào công ty của bạn.

Thương lượng một cách hữu nghị việc tiếp quản công ty sao cho có lợi cho cả bạn và đối thủ. Nhưng hãy đảm bảo rằng bạn tiếp cận họ với sự cảm thông và tôn trọng.

Đưa ra những lời chào hàng khó cưỡng lại: chế độ bảo hành, dùng thử sản phẩm, sản phẩm kèm theo, và chương trình trả chậm. Hỗ trợ khách hàng nhiều hơn hẳn so với bình thường để họ cảm thấy thoải mái khi mua hàng.

Thâm nhập thị trường mới trong khi đối thủ của bạn đang bận rộn chú trọng vào thị trường hiện tại nhỏ hẹp.

Hãy nhớ rằng không phải mọi người đều ngừng mua sắm trong khủng hoảng, ngay cả khi mọi chuyện trở nên tệ hại nhất. Nếu bạn có thể tận dụng được những giao dịch vẫn đang diễn ra, bạn không chỉ tồn tại mà còn tăng trưởng.

CHÚC MỪNG! BẠN ĐÃ THOÁT KHỎI BẾ TẮC!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
9 cách để thoát khỏi trì trệ và tăng trưởng vũ bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO