Câu chuyện phim ảnh: Phim lịch sử có cần phải chính xác?

PHÚC NHƯ THỦY| 20/02/2019 07:00

Từ "Green Book" cho đến "The Favourite", nhiều phim ứng viên sáng giá của giải Oscar năm nay đã bị chỉ trích là sai lệch lịch sử. Nhưng phim ảnh vẫn thường không tuân theo sự thật..., The Guardian nhận định.

Câu chuyện phim ảnh: Phim lịch sử có cần phải chính xác?

Từ trái qua: Cảnh trong các phim Mary Queen of Scots, Green Book, Bohemian Rhapsody, The Favourite và Black Klansman

Sau khi giành giải thưởng lớn nhất tại liên hoan phim Toronto vào năm ngoái, Green Book đã trở thành tác phẩm tạm thời dẫn đầu trên đường đến giải Oscar năm nay. Trong đó, Green Book được dự đoán có khả năng thắng giải Phim xuất sắc nhất - chỉ xếp sau Roma của Alfonso Cuarón, mặc cho từng dính líu vào rất nhiều thảm họa PR và bị cáo buộc sai lệch lịch sử.

Chuyện phim kể về nghệ sĩ piano lão luyện người Mỹ gốc Phi là Donald Shirley (Mahershala Ali đóng) và tài xế Tony Vallelonga, khi họ đi chơi ở Deep South (Mỹ) vào năm 1962. Tuy được đánh giá cao, song gia đình của Donald Shirley ở ngoài đời đã tỏ ra tức giận, khẳng định rằng giữa 2 người này không có tình bạn gần gũi như thế và chỉ trích đoàn làm phim đã không tham khảo ý kiến của họ. Người anh của Donald cho rằng, bộ phim là "một khúc nhạc dối trá".

Trên thực tế, trừ RomaCold War - các ứng cử viên Oscar thể loại lịch sử - chưa bị chỉ trích vì chỉ là bán tự truyện, chưa làm phật lòng gia đình nhân vật nguyên mẫu, còn thì Mary Queen of Scots, Bohemian Rhapsody, Vice hay cả The Favourite Black Klansman đều đã bị các nhà phê bình, nhà sử học... phản ứng.

Link bài viết

Simon Jenkins - người phản đối gay gắt Vice, The Favourite Mary Queen of Scots, đã thắc mắc tại sao vào thời điểm mà mọi người cảm thấy vô cùng bất an với những thông tin giả hiện nay, thì những "giai đoạn lịch sử sai lệch" này lại được tán thưởng: "Đạo diễn của The Favourite thường lưu ý rằng một số chi tiết trong phim là chính xác và rất nhiều chi tiết khác thì không? Vậy thì một học sinh khi tìm hiểu về lịch sử sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?".

Dù thắc mắc này đã bị nhiều người khác vặn lại, nhưng vẫn còn đó những câu hỏi xung quanh cách sử dụng và tìm hiểu lịch sử của công chúng thông qua các bộ phim; hay các nhà làm phim có trách nhiệm như thế nào với lịch sử, công chúng được định hướng ra sao giữa thời thông tin thật - giả đang lẫn lộn?

Quay lại gần 30 năm trước, rất nhiều nhà sử học đã lo lắng về sự bóp méo lịch sử của JFK (1991) do Oliver Stone đạo diễn, khi bộ phim sáng tạo ra cả một âm mưu đằng sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy. Nghĩa là Lee Harvey Oswald (hung thủ sát hại tổng thống) là thành viên của một âm mưu, chứ không phải là một kẻ hành động đơn lẻ.

Từ năm 1963 đến 2001, Công ty Gallup đã tiến hành khảo sát, và kết quả cho thấy: năm 1983 có 74% người Mỹ tin rằng có tồn tại một âm mưu; sau khi JFK ra mắt năm 1992 con số này tăng nhẹ lên 77%; nhưng sau đó giảm xuống còn 75%.

Tuy nhiên, phim của Oliver vẫn có sức ảnh hưởng nhất định. Năm 1992, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật yêu cầu Chính phủ công bố toàn bộ những tài liệu còn lại liên quan đến vụ ám sát trước năm 2017. Song chúng không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào chứng tỏ có một âm mưu.

Năm 2017, số lượng người Mỹ tin vào sự tồn tại của một âm mưu đã giảm xuống 61%. Có thể thấy rằng, người Mỹ chịu ảnh hưởng của các nhà chính trị và sử học nhiều hơn là bởi phim ảnh.

Thực sự rất khó để xác định hư cấu đến mức độ nào là vẫn có thể chấp nhận được. Một số quốc gia đã có những nỗ lực trong việc áp dụng những giới hạn hợp pháp về cách các nhà làm phim đối xử với lịch sử. Chẳng hạn, Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia Ấn Độ (CBFC) dự tính chiếu phim có chứa yếu tố lịch sử cho các nhà sử học xem và để họ kiểm duyệt cho phù hợp.

Nhưng sẽ rất không công bằng khi buộc các nhà làm phim phải nghe lời các nhà sử học, vì ngay cả giới sử học cũng thường bất đồng quan điểm. Gần đây, có tranh luận gay gắt về việc nữ diễn viên Saoirse Ronan nên nói giọng điệu Scotland khi hóa thân vào nữ hoàng Mary I của Scotland trong phim Mary Queen of Scots hay nên nói giọng điệu Pháp. Chuyện này không thể giải quyết được trừ khi có cỗ máy thời gian. Nhưng biết đâu giọng điệu Scotland và Pháp của thế kỷ XVI lại hoàn toàn khác so với bây giờ?

Nếu không thể làm rõ những giới hạn cho phép trong hư cấu lịch sử và nhà nước không thiết lập những cơ quan thi hành luật cấm, thì tình trạng sai lệch lịch sử vẫn sẽ tiếp diễn. Các nhà làm phim sẽ sản xuất ra bất kỳ bộ phim lịch sử nào họ nhận được tài trợ. Một số quan tâm sâu sắc đến lịch sử và cảm thấy cần có trách nhiệm với nó, nhưng họ được các hãng phim và nhà đầu tư trả tiền không phải để làm công việc của một nhà sử học.

Nếu muốn các nhà làm phim ưu tiên lịch sử hay nghệ thuật thì họ sẽ cần nhiều nguồn tài trợ cộng đồng hơn. Nói chung, phim vốn dĩ là những sản phẩm thương mại. Và hư cấu trong phim Green Book chỉ nhằm lôi kéo khán giả chứ không phải là "hiểm họa" đối với lịch sử.

Greg Jenner - cố vấn lịch sử của Horrible Histories, từng chia sẻ: "Những bộ phim lịch sử rất có ích trong việc kích thích sự hứng thú của công chúng đối với quá khứ". Trên thực tế, ngay cả những phim lịch sử thiếu tính chính xác nhất cũng có thể gợi câu hỏi, khuấy động các cuộc tranh luận, mài giũa khả năng đánh giá và phân tích của công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Câu chuyện phim ảnh: Phim lịch sử có cần phải chính xác?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO