Ngành gỗ mở thị trường bằng O2O

Lữ Ý Nhi| 26/03/2020 06:00

Mô hình O2O - nền tảng kinh doanh số trực tuyến (online) kết hợp cách thức bán hàng truyền thống (offline) mở ra cho ngành chế biến gỗ tăng khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường và cơ hội bán hàng.

Ngành gỗ mở thị trường bằng O2O

Kết hợp online và offline

Ngành chế biến gỗ đã được Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 20 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, có rất nhiều khó khăn để đạt mục tiêu đó, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 còn có thể kéo dài. 

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tác động của dịch Covid-19 đã khiến sản xuất đồ gỗ tại Trung Quốc bị đình trệ, hầu hết nhà máy chưa hoặc sản xuất cầm chừng. Hiện nay, khách hàng lớn tại Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến thị trường đồ gỗ ngoài Trung Quốc, do đó Đông Nam Á là nơi thay thế lý tưởng, trong đó Việt Nam là “ứng viên” sáng giá nhất trong khu vực. Thêm vào đó, các hiệp định CPTPP và EVFTA đi vào thực thi càng tăng khả năng kết nối cũng như các ưu đãi thuế quan giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều thị trường mới, trong đó có đồ gỗ được mở ra. 

Phương thức tiêu dùng thay đổi buộc doanh nghiệp (DN) gỗ phải đổi mới từ mẫu mã đến sản xuất, thương mại, trong đó chuyển đổi số là cốt lõi. Một trong những thách thức lớn nhất của DN gỗ Việt Nam là việc tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới còn hạn chế và giá trị gia tăng mang lại cho DN trong ngành chưa cao. 

Ngành chế biến gỗ, nhất là đồ gỗ nội thất là ngành đòi hỏi kỹ thuật cao. Theo ông Shawn Xu - Phó chủ tịch Silversea Media Group (Singapore), nếu chuyển đổi số phù hợp, DN ít gặp khó khăn từ thiết kế đến phân phối, đặc biệt việc bán hàng online sẽ giúp DN sớm xây dựng được thương hiệu. 

Link bài viết

Cũng theo ông Shawn Xu, trong khi thế giới đang khủng hoảng nguồn cung đồ gỗ vì dịch Covid-19, DN gỗ Việt Nam vẫn đủ nguồn lực sản xuất và đây là thời điểm tiếp cận thị trường online để đón cơ hội. Ở chiều ngược lại, mô hình kinh doanh cửa hàng truyền thống gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí vận hành quá lớn, kém năng động, một điển hình gần đây là việc phá sản của Peer 1 Import - hệ thống kinh doanh đồ nội thất rất lớn tại Mỹ, buộc họ phải cải tổ để đi tiếp.

Ông Shawn Xu nhấn mạnh: “Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu đồ gỗ nội thất nhưng chủ yếu là hàng gia công, nên lợi nhuận không nhiều và không có thương hiệu riêng. Do đó, DN Việt Nam không chỉ bán hàng theo hình thức truyền thống với những khách hàng lâu năm mà phải kết hợp giữa trực tiếp (offline) và qua công nghệ (online) để tiếp cận nhiều khách hàng hơn”.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khẳng định: “Thương mại điện tử (TMĐT) chính là giải pháp tốt nhất cho ngành chế biến gỗ, nhất là trong bối cảnh Covid-19 đang "cản đường", các đơn vị mua hàng không thể tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại, tham quan nhà máy và người mua hàng ngại đến showroom”.

Ứng dụng O2O: Phải đủ điều kiện

Áp dụng mô hình O2O, DN sử dụng công cụ trực tuyến để tiếp cận và từ đó tác động vào hành vi mua sắm của khách hàng để tăng doanh thu. Dựa vào các kênh trực tuyến, DN sẽ tiếp cận và truyền tải những thông điệp đến người mua thông tin về nhà máy, quy trình sản xuất, thiết kế, sản phẩm. Những thông điệp này sẽ thúc đẩy động cơ mua hàng và khách hàng sẽ có xu hướng đi đến cửa hàng offline, liên hệ trực tiếp đơn vị sản xuất và tiến hành đặt mua sản phẩm.

Chia  sẻ thành công khi chuyển sang hình thức bán hàng O2O, ông Trần Quý Hiến - Công ty CP Ecomstone Vietnam cho biết, hiện nay trên trang TMĐT Amazon có 300 triệu khách hàng và đặt một gian hàng trên Amazon, DN chỉ đóng 39 USD/tháng tiền phí. Sau khi mở gian hàng trên Amazon, Ecomstone Vietnam đạt doanh thu xuất khẩu 200.000 USD/tháng. 

Tương tự, Công ty  PJWood của Thái Lan đã tăng trưởng rất nhanh khi áp dụng mô hình O2O. Trước đây, công ty  xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ theo cách truyền thống thường bị ép giá và gặp rất nhiều rủi ro, sau khi chuyển sang kinh doanh O2O đã đạt doanh thu 1 triệu USD/năm, tăng trưởng trên 30%/năm. 

Một trong những đặc thù của ngành đồ gỗ là không gian phải đủ rộng để trưng bày sản phẩm và phục vụ thói quen “sờ tận tay, thấy tận mắt” của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Shawn Xu cho rằng, hiện nay khách hàng trẻ tuổi thường tìm hiểu thông tin sản phẩm trên Internet trước khi quyết định mua tại cửa hàng hay mua trực tuyến. Công nghệ VR (virtual reality), 3D giúp khách hàng tham quan showroom, nhà máy từ xa. Công cụ TMĐT, nền tảng số giúp giải quyết khâu tiếp cận khách hàng nhanh chóng mà không cần đến mặt bằng rộng và nhiều nhân lực, hoạt động 24/24 giờ, khách hàng lại tiếp cận và hiểu nhà sản xuất ở mức tốt nhất có thể, rút ngắn thời gian đặt hàng. Vì vậy, mô hình O2O đang là nền tảng kinh doanh giúp DN đồ gỗ tăng trưởng bền vững.

Điển hình như “ông trùm nội thất” IKEA, khi ứng dụng thực tế ảo vào kinh doanh đồ gỗ đã mở rộng tầm kết nối khách hàng trên không gian mạng, tiết kiệm được tối đa chi phí mặt bằng, kiểm soát hàng tồn kho, thay đổi mẫu thiết kế tức thì khi có yêu cầu từ khách hàng.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT chia sẻ: “DN gỗ Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để có được những kết quả đột phá trong thời gian ngắn. Mặc dù ngành gỗ Việt Nam đang phát triển hai con số mỗi năm nhưng giá trị tăng trưởng thương mại chưa đạt mục tiêu. Quan trọng là tạo được giá trị tăng trưởng trên giá trị gia tăng. Và chỉ công nghệ số mới mang lại giá trị này. Minh chứng là trước đây FPT chỉ sản xuất phần mềm cho DN nhưng bây giờ 1/3 doanh thu đến từ chuyển đổi số. Hiện nay doanh số FPT là 1,2 tỷ USD, tăng 20%/năm, đúng bằng tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ”.

Tuy nhiên, Chủ tịch FPT cũng cho rằng, khi bắt đầu thay đổi cách kinh doanh, DN phải lường trước những khó khăn. Bởi theo thống kê, cứ 10 chủ DN trên thế giới thì 9 DN bắt đầu chiến lược chuyển đổi số và trong 9 người triển khai mô hình kinh doanh mới thì có 7 người thất bại. Tỷ lệ thất bại trong chuyển đổi số hiện nay đang ở mức 70%. Theo ông Bình, cần xem xét trước khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ là sự đổi mới các công đoạn, đặc biệt là liên công đoạn, do đó phải đào tạo để cho người trong công ty biết rõ mục tiêu chung.

Theo thống kê, cứ 10 chủ DN trên thế giới thì 9 DN bắt đầu chiến lược chuyển đổi số và trong 9 người triển khai mô hình kinh doanh mới thì có 7 người thất bại. Tỷ lệ thất bại trong chuyển đổi số hiện nay đang ở mức 70%.

Ông Shawn Xu cho biết, để ứng dụng O2O, đòi hỏi DN phải đầu tư nhân lực lẫn tài chính, hạ tầng kỹ thuật. Công nghệ 3D, thực tế ảo hiện nay giúp người mua thấy được sản phẩm, kéo gần khoảng cách giữa nơi sản xuất đến người tiêu dùng hay nhà bán lẻ. Khách hàng tiếp cận thực tế mô hình nhà xưởng, sản phẩm là trải nghiệm tốt và đó là đối tác tiềm năng. Tuy nhiên, giá thành cũng như nhân lực để vận hành, tổ chức showroom ảo cũng không ít chi phí. 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch HAWA chia sẻ, nếu bắt tay vào chuyển đổi số ngay từ bây giờ, DN sẽ cần 3-6 tháng để mở một website bán hàng hoặc phân phối qua một trang TMĐT. Và việc chuyển đổi số hoàn toàn đòi hỏi lộ trình ít nhất ba năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành gỗ mở thị trường bằng O2O
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO