Trong báo cáo thường niên có tên gọi "Viễn cảnh năng lượng thế giới" công bố ngày 10/11, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán khoảng 5 năm tới, giá dầu thô thế giới sẽ dần được cải thiện, tăng lên mức 80 USD/thùng.
Trong khi đó, nhu cầu về mặt hàng này cũng sẽ tăng lên mức 900.000 thùng/ngày vào năm 2020 và tăng dần lên 103,5 triệu thùng/ngày đến năm 2040.
Báo cáo của IEA cho rằng trong hai thập kỷ tới, nhu cầu về dầu thô dường như ổn định hơn trong khi chính phủ nhiều nước tiếp tục chính sách cắt giảm trợ giá đối với mặt hàng này song song với việc thúc đẩy tính hiệu quả về năng lượng và các nguồn năng lượng thay thế.
Từ tháng 6/2014 cho đến nay, giá dầu thô đã giảm nhanh chóng, từ mức hơn 100 USD/thùng xuống còn khoảng 50 USD/thùng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu dầu thô chủ chốt mà còn tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Theo nhận định của IEA, trong năm 2015, mức đầu tư vào công nghiệp khai thác dầu thô sẽ giảm hơn 20% và viễn cảnh này vẫn tiếp tục trong năm tới.
Cũng trong báo cáo, IEA dự đoán trong 25 năm tới mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 25%, trong số này các nền kinh tế mới nổi chiếm phần lớn lượng sử dụng.
Trong báo cáo thường niên có tên gọi "Viễn cảnh năng lượng thế giới" công bố ngày 10/11, IEA nhận định Ấn Độ, Trung Quốc, các nước châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á là những khu vực có mức tiêu thụ năng lượng lớn.
Tuy nhiên, các quốc gia phát triển lại không theo xu hướng này. Cụ thể, đến năm 2040, mức tiêu thụ năng lượng tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm khoảng 15%, trong khi tỷ lệ này tại Nhật Bản sẽ giảm khoảng 12% và tại Mỹ là 3%.
Theo báo cáo của IEA, trong tương lai các nước sẽ chú trọng đến sử dụng nhiên liệu ít carbon hơn. Tỷ lệ nhiên liệu phi hóa thạch chiếm trong tổng số các loại nhiên liệu được dự đoán tăng từ 19% ở thời điểm hiện tại lên mức 25% đến năm 2040.
Tương tự như nhiên liệu phi hóa thạch, IEA nhận định khí gas tự nhiên - nhiên liệu sản sinh ít khí carbon nhất trong các nhiên liệu hóa thạch - sẽ chiếm ưu thế và dần thay thế các loại nhiên liệu có lượng khí thải carbon lớn hơn.
Trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp), nhiều quốc gia đã đưa ra các cam kết nhằm đẩy mạnh hệ thống năng lượng hiệu quả hơn và tăng cường sử dụng các nhiêu liệu ít carbon.
Tuy nhiên, IEA cho rằng điều này lại không đồng nghĩa với việc giảm nhu cầu về năng lượng đang gia tăng trên toàn cầu.