Huy động mọi nguồn lực để phục hồi kinh tế

Tuỳ Phong| 12/11/2021 06:00

Trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt lẫn lâu dài, và tiềm ẩn rủi ro cũng như sức ép lạm phát tăng, cần thiết chính sách hiệu quả, huy động được mọi nguồn lực để giúp nền kinh tế phục hồi.

Ngày 12/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu trả lời chất vấn trên cương vị người đứng đầu Chính phủ tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Thủ tướng đã lần lượt giải đáp câu hỏi của các đại biểu về công tác phòng, chống dịch; phục hồi kinh tế - xã hội; các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...

Toàn cảnh

Toàn cảnh phiên chất vấn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, như nhiều đại biểu Quốc hội đã trình bày, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình lao động, việc làm trong nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ lao động thiếu việc, thất nghiệp tăng cao và một lượng lớn người lao động trở về quê dẫn đến nhiều vấn đề xã hội và tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, nhất là tại các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Thế nên, với việc tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt lẫn lâu dài, và tiềm ẩn rủi ro cũng như sức ép lạm phát tăng, cần thiết chính sách hiệu quả, huy động được mọi nguồn lực để giúp nền kinh tế phục hồi.

Trong đó, có 3 nội dung giải pháp đáng chú ý được Thủ tướng nêu ra tại phiên chất vấn, với phương châm là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Phục hồi thị trường lao động

Thời gian tới, Chính phủ sẽ chủ động, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại chỗ cũng như có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho người lao động đối với các khoản chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian đầu.

Link bài viết

"Về lâu dài, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động. Đẩy mạnh, xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động", Thủ tướng phát biểu.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Đồng thời, Chính phủ sẽ đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, và xác định đây là "một trong những nhiệm vụ trọng tâm", nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Chính phủ cũng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Đồng thời, các bên tháo gỡ ngay vướng mắc trong việc đền bù, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu; rà soát, kiên quyết điều chuyển vốn, không để tình trạng dàn trải, lãng phí.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm; báo cáo cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội Đề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Đề án thí điểm tách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.

Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành để góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nghiên cứu lập quỹ phòng chống dịch và an sinh xã hội

Thủ tướng cho biết, quý III/2021 tăng trưởng âm vì phải thực hiện biện pháp hành chính chống dịch. "Vì vậy, trong chương trình phục hồi kinh tế thì đầu tiên phải nâng cao năng lực y tế, gồm hai việc quan trọng là nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở", Thủ tướng nói.

Hai tháng cuối năm, phải có chương trình phục hồi kinh tế, coi đây là đột phá; trong đó định hướng đầu tiên là phải nâng cao năng lực y tế. Hơn nữa, Thủ tướng cũng đề cập đến việc xây dựng quỹ phòng chống dịch và quỹ an sinh xã hội để chủ động hơn nữa trong sử dụng nguồn lực.

Hiện, dù Chính phủ đã có Nghị quyết 30, nhưng theo quy định, mỗi lần xuất tiền còn nhiều thủ tục hành chính. "Lập quỹ phải theo luật pháp nhưng sẽ được chủ động hơn trong sử dụng. Đây là định hướng, song phải bàn, thống nhất", Thủ tướng nói.

Song song đó, phải tập trung cho con người, nhất là an sinh xã hội bởi con người là vốn quý nhất cũng như tập trung hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đại dịch cho thấy, các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cơ bản phục hồi rất nhanh. Ví dụ như Bắc Ninh, Bắc Giang sau chống dịch đã có biện pháp phục hồi rất nhanh. Nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ cá thể chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp, thì cần tính toán để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Huy động mọi nguồn lực để phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO