Tháo gỡ một số “nút thắt” để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Ý Nhi| 25/03/2022 07:00

Bên cạnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chiến sự Nga - Ukraine thì một số “nút thắt” trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng trong nước đang cản trở tăng chỉ số năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).

Tháo gỡ một số “nút thắt” để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Nút thắt đối với DN 

Theo Sách trắng DN Việt Nam công bố năm 2020, khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 95% tổng số DN đăng ký, tạo ra khoảng 60% GDP, tạo ra hơn 90% việc làm cho người lao động. Điều này khẳng định, DNNVV đang là trụ cột chính trong nền kinh tế đất nước.

Thế nhưng, DNNVV lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, và nhiều điểm nghẽn ảnh hưởng đến hiệu quả, sức cạnh tranh. Điều đó cũng làm giảm chỉ số năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và TP.HCM.

Tại buổi tọa đàm về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) TPHCM do UBND TPHCM tổ chức vào cuối năm 2021, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: “Để cải thiện năng lực cạnh tranh cho TPHCM, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển , TPHCM cần có nhiều chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các nguồn lực sản xuất vốn, đồng thời tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính“.

Suốt hơn hai năm qua, DN trên toàn cầu nói chung, DN Việt Nam nói riêng đã gặp vô vàn khó khăn, cả khách quan và chủ quan. Vì vậy, năng lực cạnh tranh của DN bị tác động lớn”, TS. Từ Minh Thiện - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ. Theo ông, có 4 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN, bao gồm chuỗi cung ứng thay đổi, giá cước vận chuyển tăng, nhất là vận chuyển bằng container, dòng tiền đầu tư dịch chuyển mạnh giữa các nước, xu hướng đầu tư, tiêu dùng thay đổi, các nhà đầu tư, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến sống xanh và môi trường sinh thái.

Trước tình hình chung ấy, Chính phủ nước ta đã có những giải pháp kịp thời, tháo gỡ phần nào khó khăn cho DN. Song với góc độ chủ DN, ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM bày tỏ: “Với DN, sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ luôn cần thiết nhưng đó chưa phải là vấn đề then chốt. Chúng tôi cần nhất là môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh. Do tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế biến động mạnh, lạm phát tăng. Vì vậy, làm sao để kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế mới là cách tháo nút thắt đối với DN”.

Cởi nút thắt trong quá trình cải cách hành chính, đầu tư xây dựng là hai vấn đề mà cả DN và chuyên gia kinh tế quan tâm nhất. Bởi việc giải quyết thủ tục hành chính, cấp các loại giấy chứng nhận, giấy phép hoạt động... tại riêng TP.HCM vẫn còn quá rườm rà, gây khó cho DN. Mặt khác, quy hoạch của thành phố chưa rõ ràng, chưa hoàn thiện, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Đây là vấn đề chung của thành phố cần được quan tâm tháo gỡ triệt để để DN có cơ hội phát triển tốt hơn.

Nâng cao các chỉ số cơ bản

Muốn phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, trước hết cần giải quyết những vấn đề cơ bản. Theo ông Đinh Hồng Kỳ, có một số yếu tố mà Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành có liên quan cần quan tâm. Thứ nhất là nâng cao chỉ số về tuân thủ pháp luật trong xã hội nói chung và trong DN nói riêng. Thứ hai là kiểm soát tốt vấn đề tham nhũng. Thứ ba là có những giải pháp cụ thể hướng đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản lành mạnh, tránh sự tác động của giới môi giới. Thứ tư là tăng chỉ số tăng trưởng về DN đổi mới sáng tạo, bắt kịp xu hướng thế giới nhưng vẫn mang những nét đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam.

Cùng quan điểm, ông Từ Minh Thiện chia sẻ: “Mặc dù có nhiều thách thức, nút thắt, nhưng trong giai đoạn vừa qua lực lượng DN vẫn có nhiều điểm sáng. DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin  tăng trưởng hơn 30%. DN sản xuất lương thực, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao, tạo ra năng suất lớn phục vụ tốt cho xã hội. Vấn đề đặt ra là làm sao để đẩy mạnh, tạo điều kiện cho DN các lĩnh vực này phát triển hơn nữa”.

Đa dạng hóa, mở rộng thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, hiện đại hóa quy trình để cắt giảm chi phí và thâm nhập các thị trường ngách là những giải pháp mà TS. Từ Minh Thiện đề ra, giúp DN có thể thích ứng và phát triển hơn trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.

Hội, hiệp hội cần phát huy vai trò kết nối

Mỗi ngành nghề, mỗi địa phương thường có một hội, hiệp hội đại diện cho DN hoạt động trong lĩnh vực đó hoặc tại địa phương đó. Trong giai đoạn nhiều biến động này, hội, hiệp hội càng phải phát huy và thể hiện đúng vai trò, vị thế để kết nối và hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hội, hiệp hội cần tăng cường làm cầu nối giữa DN và các cơ quan quản lý nhà nước để vừa cung cấp thông tin vừa giải quyết các kiến nghị, tranh chấp (nếu có) cho DN.

Ông Đinh Hồng Kỳ cho biết: “Với các tổ chức hội, hiệp hội nói chung, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM nói riêng, chúng tôi luôn đề cao vấn đề kết nối DN để cùng tăng cường sức mạnh. Đồng thời, chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ thành viên trong hiệp hội kết nối với những tổ chức kinh tế, tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước để có thể hợp tác đầu tư, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ cho nhau”. 

Trong giai đoạn nhiều biến động này, hội, hiệp hội càng phải phát huy và thể hiện đúng vai trò, vị thế để kết nối và hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hội, hiệp hội cần tăng cường làm cầu nối giữa DN và các cơ quan quản lý nhà nước để vừa cung cấp thông tin vừa giải quyết các kiến nghị, tranh chấp (nếu có) cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tháo gỡ một số “nút thắt” để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO