Doanh nghiệp TP.HCM "khát" lao động có tay nghề

Dương Nguyễn| 25/07/2020 01:00

Khát khao có đủ nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhưng khi tuyển dụng doanh nghiệp (DN) đều phải đào tạo lại. Và khi đã có tay nghề vững vàng, nhiều người lập tức nhảy việc khiến DN hụt hẫng.

APT-Bo-KHDT-2038-1595576584.jpg

Phải đào tạo lại nhưng khó giữ nhân tài

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh khi tiếp đoàn làm việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây. Đoàn do PGS-TS. Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương dẫn đầu, để tìm hiểu về thực tế nguồn nhân lực tại một số doanh nghiệp ở TP.HCM.

Khi chuyển nhà máy về Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Bình Chánh, TP.HCM), Tân Quang Minh đã có sẵn nhân sự. Để tuyển thêm lao động từ công nhân đến cấp quản lý, ông Hiến cho biết chủ yếu tuyển trực tiếp tại công ty, ngoài ra cũng tuyển thông qua website và quan hệ cá nhân.

Hầu hết nhân sự sau khi tuyển đều phải đào tạo lại. "Đối với lao động phổ thông, công ty có chế độ đào tạo theo quy trình khoảng 1-2 tuần. Với lao động quản lý thì lâu hơn, khoảng 6 tháng đến 1,5 năm", ông Hiến nói.

Đối với sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm làm việc, ông Hiến cho biết hạn chế tuyển. Do kiến thức tại trường họ học không đáp ứng nhu cầu công việc tại doanh nghiệp. Đồng thời, sau thời gian được đào tạo chuyên ngành tại công ty, những nhân sự này thường không trụ lâu. "Một phần do bạn bè lôi kéo đến chỗ khác lương cao hơn, hoặc họ muốn tìm công ty khác có vị trí làm việc cao hơn", ông Hiến cho biết tình trạng này xảy ra ngày một nhiều hơn và khiến doanh nghiệp rất hụt hẫng.

Một nguyên nhân khác đến từ việc người lao động không cố gắng thích ứng với văn hóa doanh nghiệp. Tại Công ty Tân Quang Minh có tổ sửa chữa (xe và máy móc thiết bị). Mỗi khi muốn sửa chữa buộc phải lên kế hoạch và có phương án rõ ràng, để tránh ảnh hưởng đến sản xuất. "Nhiều lao động quen với cách làm khi cần sửa là tháo ra sửa ngay, nên không thích ứng được cách làm việc tại công ty. Số này cũng không trụ lâu sau khi được đào tạo", ông Hiến lý giải.

Tuy nhiên, một khi đã thích ứng được thì nhân sự gắn bó rất lâu với công ty. Phần lớn trong số hơn 320 nhân sự tại nhà máy đều gắn bó hơn 3 năm, không ít người đã gắn bó 10-20 năm.

Còn đối với những người đã đi làm nhiều năm, một số khi hỏi đến kiến thức chuyên ngành thì không biết gì cả. "Chẳng hạn có những kỹ sư điện đã đi làm 3 năm nhưng chỉ làm xây dựng hoặc kéo dây điện, còn kinh nghiệm về máy móc thiết bị thì không biết gì”, ông Hiến dẫn chứng.

6775756-3709-1595576585.jpg

Tại Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT), tình trạng tuyển dụng nhân sự cũng gặp khó khăn tương tự. Sau khi tuyển, công ty cũng đào tạo lại trong khoảng 2-4 tuần. APT hiện có gần 400 nhân sự, trong đó có hơn 200 lao động ở tỉnh. Công ty tìm lao động chủ yếu qua các kênh trực tiếp (dán thông báo tại công ty, đăng trên website, nhân viên cũ giới thiệu), do nhu cầu nhiều nhất là lao động phổ thông.

Ông Nguyễn Thành Vinh - Phó tổng giám đốc APT cho biết, đối với ngành thủy sản, thị trường lao động TP.HCM khó đáp ứng được. Nguyên nhân là ngành này có tính đặc thù vùng miền, chỉ thích hợp nằm ở những vùng gần sông nước và ven biển các tỉnh. APT chỉ tuyển được số rất nhỏ lao động từ thị trường TP.HCM. "Khác với công nhân ngành điện tử hay may mặc, công nhân ngành thủy sản sau ca làm thì chỉ có đi về nhà, vì quần áo ám mùi tanh tôm cá nên không thể đi chơi được", ông Vinh chia sẻ.

Đối với ngành thủy sản, do cần nhiều lao động phổ thông nên sẽ không hiệu quả nếu tìm công nhân qua các sàn giao dịch việc làm. Các sàn này chỉ cung cấp lao động từ cấp trung trở lên.

Nằm gần trung tâm TP.HCM và có kho bãi lớn, lợi thế của APT là vận chuyển hàng hóa cũng như xuất khẩu dễ dàng. Tuy nhiên, mức sống cao hơn ở tỉnh nên cũng khó tuyển công nhân hơn. Mặt khác, nhân sự ngành thủy sản đang trong tình trạng khan hiếm trong 5 năm trở lại đây.

Cần hỗ trợ để tự đào tạo

Đối với nguồn nhân lực chung tại TP.HCM, ông Hiến cho rằng tình trạng tuyển dụng khá tương đồng giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào cũng khát khao có đủ nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu sản xuất. "Nhiều đơn vị từng có ý tưởng lập viện đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực", ông Hiến nói.

Bidrico-8143-1595576585.jpg

Ông Nguyễn Mạnh Tuệ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và vừa (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - HUBA) cho biết, về chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp hiện có Thông tư liên bộ số 05. Tuy nhiên, nội dung thông tư này và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thiết thực nên chưa hấp dẫn các tổ chức đào tạo nguồn nhân lực.

Khó khăn chủ yếu là thủ tục để nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo rất phức tạp, hầu như không lấy được. Ngoài ra, chương trình khởi sự doanh nghiệp cũng làm khó người muốn khởi nghiệp. Cụ thể, chương trình này đòi hỏi người khởi nghiệp phải có giấy giới thiệu và thông tin hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp người đó đang làm. Ông Tuệ cho rằng, những quy định này rất vô lý và không thực tế. "Người khởi nghiệp thường không đi làm thuê nữa. Nếu có, doanh nghiệp nơi họ làm cũng không muốn công khai thông tin kinh doanh", ông Tuệ lý giải.

Để sinh viên ra trường có thể làm việc được cho doanh nghiệp ngay cũng không phải dễ. Theo ông Hiến, các trường và trung tâm đào tạo còn vướng nhiều khó khăn, lớn nhất là thiếu ngân sách. Chẳng hạn, nhiều trường dạy chuyên ngành kỹ thuật nhưng dùng máy móc cũ từ vài chục năm trước, do không đủ tiền mua máy mới. Do đó, cơ hội tiếp cận thực tế của sinh viên rất thấp.

Để cải thiện năng lực sinh viên sau khi ra trường, theo ông Hiến, các trường nên cải thiện nội dung thực tập. "Cần cải thiện tình trạng thực tập kiểu cưỡi ngựa xem hoa và kéo dài thời gian thực tập", ông Hiến đề xuất. Tùy ngành nghề, sinh viên nên thực tập tối thiểu hai tháng. Đồng thời, trong thời gian thực tập, sinh viên phải làm việc như một người quản lý trung cấp để biết công nhân làm những gì.

Ngoài ra, các hiệp hội ngành nghề nên phối hợp với các trường, đưa sinh viên đến những doanh nghiệp có năng lực và muốn cho sinh viên thực tập. Các trường cũng nên phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, lắng nghe và chia sẻ quan điểm từ doanh nghiệp để giúp sinh viên có cái nhìn thực tế hơn.

Ông Hiến cho biết, hiện nay khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là khó giữ nhân sự có tay nghề cao. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tự đào tạo lao động có trình độ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp TP.HCM "khát" lao động có tay nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO