Doanh nghiệp mía đường trước cơ hội hồi sinh

Dương Nguyễn| 28/04/2021 05:13

Việc áp thuế phòng vệ thương mại với đường Thái Lan được đánh giá sẽ giúp giá đường trong nước tăng lên, kéo theo giá mua mía tăng theo. Trong khoảng 2-3 năm tới, diện tích trồng mía và sản lượng đường sẽ tăng trở lại thời hoàng kim của ngành mía đường vào thời điểm 5-6 năm trước.

Miaduong-9760-1619506759.jpg

Nắng hạn gặp mưa rào

Niên vụ 2019-2020 quả là thời điểm thê thảm chưa từng có của ngành mía đường. Trong khi đường nhập khẩu từ Thái Lan tăng 40% so với năm trước thì tình hình sản xuất trong nước lại khá bi đát. 

Trước niên vụ này, cả nước có khoảng 40 nhà máy đường. Đến niên vụ 2020-2021, hàng loạt nhà máy đóng cửa do hoạt động không hiệu quả và thiếu nguyên liệu, khiến số nhà máy giảm về con số 25. Vùng nguyên liệu và sản lượng đường sụt giảm gần 20% nên trong niên vụ 2019-2020, cả nước chỉ sản xuất được gần 800.000 tấn đường mía với hơn 180.000ha nguyên liệu. Đây là những con số thấp nhất 20 năm qua của ngành này, kể từ niên vụ 1999-2000. 

Đường mía cộng với đường tinh luyện từ đường thô nhập khẩu trong niên vụ 2019-2020 chưa tới 1 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước tới hơn 2 triệu tấn. Đây là cơ hội để đường nhập khẩu lấn át đường sản xuất trong nước. Trong năm 2020, Việt Nam nhập gần 1,5 triệu tấn, riêng từ Thái Lan là gần 1,3 triệu tấn. 

Khó khăn này còn kéo dài sang kế hoạch sản xuất của niên vụ mới 2020-2021. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cả nước dự kiến sản xuất trên 760.000 tấn đường mía với gần 130.000ha nguyên liệu, chưa tính đường luyện từ đường thô nhập khẩu. Kết quả này còn thấp hơn cả niên vụ 2019-2020. 

Những khó khăn trên được VSSA xác định là do đường Thái Lan phá giá. Hiện tượng này đã tồn tại nhiều năm, khiến giá đường của Việt Nam bắt buộc phải hạ xuống thấp để cạnh tranh. Theo đó, nông dân vì bán mía với giá thấp nên đành bỏ mía chuyển qua cây trồng khác để tìm mức sinh lời tốt hơn. 

Đáng nói, đường Thái Lan phá giá không chỉ qua con đường nhập chính ngạch vào Việt Nam, mà còn qua nhiều nước khác như Campuchia, Malaysia hay Indonesia. Trong khi đó, Malaysia là nước không sản xuất đường, còn Indonesia và Campuchia là các nước phải nhập khẩu đường.

Trước tình trạng này, sau thời gian dài điều tra, Bộ Công Thương đã áp dụng tạm thời mức thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá ở mức 48,88% với đường tinh luyện và 33,88% với đường thô nhập khẩu từ Thái Lan, có hiệu lực trong vòng 120 ngày kể từ ngày 17/2/2021.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng thư ký VSSA đánh giá, việc áp thuế phòng vệ với đường Thái Lan vừa qua dựa trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại của ngành đường trong nước. Mức thuế này là hợp lý và cũng cho thấy, Thái Lan đã chơi xấu trên thị trường đường Việt Nam 5-6 năm qua. Ông Lộc cho rằng, sau quyết định kịp thời của Bộ Công Thương, nông dân trồng mía và doanh nghiệp mía đường Việt Nam đã có cơ hội cạnh tranh công bằng với đường Thái Lan. 

Sugar-2-9865-1619506759.jpg

Cơ hội hồi sinh 

Theo đánh giá của VSSA, việc áp thuế phòng vệ thương mại sẽ giúp giá đường phục hồi, diện tích trồng mía có thể tăng nhanh trở lại, kéo theo sản lượng đường sản xuất trong nước cũng tăng theo. "Chuyện hồi sinh ngành mía đường là trong tầm tay, vì trước đây chúng ta đã từng làm được rồi", ông Lộc khẳng định. Sau khi có quyết định áp thuế, theo ông Lộc, có thể sẽ cần 2-3 năm để ngành mía đường trở lại thời huy hoàng như trước đây. 

Còn nhớ, giai đoạn 2013-2016, ngành mía đường trong nước phát triển rất mạnh mẽ. Sản lượng đường mía sản xuất mỗi niên vụ khi đó đạt 1,3-1,6 triệu tấn, vượt nhu cầu tiêu thụ ở mức 1-1,2 triệu tấn. Vùng nguyên liệu trồng mía khi đó cũng ngang ngửa với Thái Lan, đạt khoảng 300.000ha. Sau vài năm bị Thái Lan phá giá, nhất là khi Việt Nam tham gia ATIGA (Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN) giảm thuế nhập đường từ mức 80-85% về mức 5%, ngành đường rơi vào cảnh lao đao. Diện tích trồng mía và sản lượng đường mía đều chỉ còn một nửa thời hoàng kim của ngành này. 

Hiện nay, quyết định áp thuế đường Thái Lan mới chỉ là tạm thời. Để ngành mía đường trong nước phục hồi bền vững cần Bộ Công Thương ra quyết định chính thức (mức thuế cụ thể và thời hạn lâu dài). Khi đó, giá đường tăng và các nhà máy mới yên tâm tăng giá mua mía, giúp nông dân mạnh dạn tăng sản lượng trồng mía. 

Vậy doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định phòng vệ thương mại này? Ông Lộc cho rằng, người được lợi lớn nhất và trước hết không phải doanh nghiệp, mà là nông dân trồng mía. "Theo thông lệ quốc tế, thuế phòng vệ thương mại là để bảo vệ nông dân. Doanh nghiệp nào phát triển được vùng nguyên liệu vững chắc (tự làm hoặc liên kết với nông dân) sẽ được hưởng lợi theo. Doanh nghiệp mà tinh luyện đường từ đường thô nhập khẩu cũng không phải là đối tượng bảo vệ của chính sách phòng vệ thương mại", ông chia sẻ. 

Bởi vậy, quyết định áp thuế phòng vệ vừa qua cũng không quyết định đến sự hồi sinh của các nhà máy đường đã đóng cửa. Ông Lộc cho rằng, số nhà máy đường cũng khó tăng trở lại. Nguyên nhân là các nhà máy này hoạt động kém hiệu quả, vùng nguyên liệu nhỏ. Việc tăng thêm số lượng các nhà máy đường không quan trọng bằng việc có thêm vùng nguyên liệu mía. Các nhà máy cũ hiện vẫn còn dư công suất chế biến, nếu có nguyên liệu thì vẫn đủ sức tăng mạnh sản lượng. 

Cũng phải nói thêm rằng, việc áp thuế phòng vệ thương mại không có nghĩa sẽ khiến Thái Lan giảm nhập đường vào Việt Nam, cũng không khiến nguồn cung đường trong nước bị thiếu. "Giá đường Thái Lan nhập vào Việt Nam sẽ cao hơn, không có nghĩa họ không nhập vào nữa. Bởi vì sau khi tính thuế, giá đường họ nhập vào Việt Nam vẫn thấp hơn giá họ bán tại nước họ", ông Lộc nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp mía đường trước cơ hội hồi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO