Sự kiện doanh nghiệp

Gỡ khó cho "mía cây" được nhập qua cửa khẩu phụ

Bích Ngọc 08/09/2024 17:18

Vụ mía 2024 cận kề, người dân trồng mía khốn khổ không đưa được “mía cây” về nước.

Điều này không chỉ làm tăng áp lực lên các cửa khẩu chính mà còn gây chậm trễ trong quá trình lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng mía nguyên liệu và các sản phẩm nông nghiệp liên quan.

Thiếu thống nhất trong quy định

Tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 21-22/8, vấn đề nổi bật về việc tháo gỡ khó khăn cho việc nhập khẩu "mía cây" qua cửa khẩu phụ đã được đưa ra thảo luận. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hữu Hậu, đại diện cho tỉnh Tây Ninh, kiến nghị cần sớm có giải pháp trước khi mùa vụ mới bắt đầu vào tháng 11.

Ông Hậu cho biết các quy định hiện tại đang gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành mía đường và cá nhân đang trồng mía tại Campuchia theo thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.

Việc trồng mía ở Campuchia, sau đó nhập khẩu về Việt Nam, đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012, nhưng gặp trở ngại khi mía cây không được phép nhập qua cửa khẩu phụ. Điều này gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Tây Ninh và các tỉnh biên giới Campuchia.

d41caeb9bd481a164359(1).jpg
ĐBQH Trần Hữu Hậu chất vấn Bộ Trưởng Bộ Công Thương liên quan đến việc nhập khẩu mặt hàng "mía cây" theo chương trình hợp tác giữa Tây Ninh và các tỉnh giáp biên giới

Theo ông Hậu, đây không phải là hoạt động thương mại mua bán hàng hóa mà là hoạt động hợp tác sản xuất, và việc hạn chế nhập khẩu qua cửa khẩu phụ là không cần thiết khi đã được phép qua cửa khẩu chính.

“Về bản chất không phải là hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới theo hoạt động thương mại. Việc không cho mía cây qua cửa khẩu phụ là không có ý nghĩa khi vẫn được phép qua cửa khẩu chính và quốc tế. Chúng ta cần linh động để giảm bớt các quy định không phù hợp để bảo vệ nông dân trồng mía”, vị đại biểu nói.

Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn

ĐBQH Trần Hữu Hậu đã nhấn mạnh, mía cây nhập khẩu từ Campuchia vào Việt Nam không phải chịu bất kỳ loại thuế nào, đáp lại ý kiến của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) cho rằng đề xuất của UBND tỉnh Tây Ninh có dấu hiệu trốn thuế. Ông Hậu cũng trích dẫn ý kiến của Bộ Quốc phòng, khẳng định rằng các cửa khẩu phụ tại Tây Ninh như Vạc Sa, Vàm Trảng Trâu, và Long Phước đều đáp ứng đủ điều kiện kiểm tra, kiểm soát, cũng như có cơ sở hạ tầng phù hợp để quản lý.

Bộ Công Thương có thể xem xét cho phép vận chuyển mía qua các cửa khẩu phụ mà không cần chờ sửa đổi nghị định, theo quy định tại Thông tư 01/2018/TT-BCT. UBND tỉnh Tây Ninh có thể đề nghị và Bộ Công Thương có thẩm quyền cho phép hàng hóa không nằm trong danh mục được nhập khẩu qua cửa khẩu phụ trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là từ tháng 11 đến tháng 4 - thời điểm thu hoạch mía.

thong-tu-01-bo-cong-thuong(2).jpg
Thông tư số 01/2018/TT-BCT ngày 27 tháng 2/ 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đồng thuận với kiến nghị của UBND tỉnh Tây Ninh, qua văn bản số 4696/BTC-TCHQ vào tháng 5/2024, và đề xuất Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa nhập khẩu đối với mía cây. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng ủng hộ đề xuất này, cho rằng việc cho phép nhập khẩu mía cây sẽ đảm bảo cung ứng cho sản xuất trong nước, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy ngành sản xuất mía đường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía.

Bảo vệ quyền lợi nông dân

Theo dự báo của VSSA, niên vụ ép 2023-2024 sẽ còn 25 nhà máy đường hoạt động với công suất thiết kế trên 122.200 tấn mía/ ngày, tương đương nhu cầu nguyên liệu khoảng 18 triệu tấn mía mỗi vụ. Tuy nhiên, diện tích trồng mía của cả nước chỉ đạt 175.000 ha, với sản lượng dự kiến gần 12 triệu tấn, thiếu hụt khoảng 6,5 triệu tấn, tức 1/3 công suất chế biến.

ad39d69cc56d62333b7c.jpg
Sản lượng đường dù tăng trong niên vụ 2023-2024 nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước (Nguồn số liệu: VSSA, Kirin Capital tổng hợp)

Trong bối cảnh này, mía từ Campuchia dự kiến đóng góp khoảng 350.000 tấn trong niên vụ 2024-2025, chỉ giải quyết được 5,4% nhu cầu nguyên liệu thiếu hụt. Thiếu hụt nguyên liệu dẫn đến sự mất cân đối cung cầu đường trong nước, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm từ tháng 8 đến tháng 12, khi nhu cầu đường tăng 30% do các lễ hội lớn như Trung thu và Tết Nguyên đán. Theo số liệu từ VSSA và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng mía đường của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 chỉ đáp ứng khoảng 43% nhu cầu tiêu thụ, tạo ra áp lực lớn cho ngành.

95e68e439db23aec63a3.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn, tiếp tục xem xét giải pháp đảm bảo bình ổn thị trường và nguyên liệu trước vụ thu hoạch mía 2024-2025

Sự giảm sút vùng nguyên liệu mía, kết hợp với các thách thức từ biến đổi khí hậu, áp lực cạnh tranh từ đường nhập lậu, và nhu cầu ngày càng tăng của các ngành công nghiệp sản xuất nước giải khát và thực phẩm, đã khiến tình trạng thiếu nguyên liệu trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, việc cho phép nhập khẩu mía cây qua cửa khẩu phụ là một giải pháp cấp bách. Chính sách này sẽ không chỉ giúp đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy, mà còn bảo vệ quyền lợi của nông dân trồng mía và ổn định chuỗi cung ứng.

Đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh rằng việc "nhanh chóng cho phép thông quan mía qua các cửa khẩu phụ, hỗ trợ tối ưu hóa quá trình vận chuyển, đảm bảo chất lượng nguyên liệu và giảm chi phí" là vô cùng quan trọng. Ông cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm cho phép nhập khẩu nguyên liệu mía trong ngắn hạn để sản xuất đường, nhằm duy trì hoạt động sản xuất trong nước. Giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn bảo vệ quyền lợi của người nông dân, góp phần ổn định và phát triển bền vững ngành mía đường.

Bài toán “gỡ khó” cho mía cây nhập khẩu về nước đang cần lời giải cấp bách hơn bao giờ hết để đảm bảo sự ổn định cho chuỗi cung ứng nông sản và sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống cho hàng nghìn hộ nông dân trồng mía trên cả nước.

Nổi bật
Đọc nhiều
Gỡ khó cho "mía cây" được nhập qua cửa khẩu phụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO