Start up

Hiện thực hóa khát vọng phát triển kinh tế quốc gia

Lê Hạnh 17/10/2023 11:00

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế cho rằng, mô hình đại học khởi nghiệp (ĐHKN) có ý nghĩa rất lớn với việc phát triển kinh tế đất nước giai đoạn mới, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng. ĐHKN là một cuộc cách mạng, góp phần thực hiện khát vọng phát triển của Việt Nam.

ntt-ht-dai-hoc-khoi-nghiep-11-1-scaled.jpg

* Thưa ông, ĐHKN có gì khác so với các trường đại học truyền thống?

- ĐHKN không hoàn toàn mới, nhiều nước phát triển trên thế giới đã có mô hình này. Những năm gần đây, cũng có nhiều công trình nghiên cứu về ĐHKN. Bản thân từ ĐHKN đã nói lên sự giống và khác đại học truyền thống. Khởi nghiệp tiếng Anh là Entrepreneurship có hai nghĩa, một là khởi nghiệp, hai là tinh thần kinh doanh.

Ở đây có hai điểm khác cơ bản. Đại học truyền thống là nơi đào tạo cho sinh viên kiến thức, kỹ năng làm việc, nghiên cứu. Còn ĐHKN cũng là đại học, là nơi đào tạo, nghiên cứu nhưng phải gắn với tinh thần kinh doanh, với khởi nghiệp. Tức là khi nói ĐHKN thì bản thân trường đại học ấy có thể ươm mầm, tạo ra những doanh nghiệp (DN) đặc biệt là DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup). Quan trọng hơn nữa là giúp sinh viên gắn với tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh để ngay trong nhà trường và sau này, dù có tạo ra DN hay làm một việc khác trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thì tinh thần ấy vẫn nhuốm vào kiến thức, vào trái tim cựu sinh viên.

Khác biệt thứ hai, quan niệm trước đây trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thì Nhà nước - nơi tạo không gian, hỗ trợ cho sáng tạo giữ vai trò trung tâm, chủ thể thứ hai là viện, trường, đặc biệt là trường đại học cơ bản là đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và nhân tố thứ ba là DN. Còn theo quan niệm hiện nay, DN là chủ thể, gắn với đổi mới sáng tạo nhưng cái đổi mới sáng tạo phải thương mại hóa được, phải trở thành hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, đưa ra thị trường phục vụ xã hội và tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia. Nhưng ĐHKN còn hơn thế, không chỉ dừng lại ở việc DN là chủ thể, có vai trò hỗ trợ của Nhà nước, của viện, trường mà bản thân trường ĐHKN có hệ sinh thái riêng, gắn với năng lực vốn có là đào tạo, đổi mới sáng tạo gắn với kinh doanh, thị trường, với DN. Tự nó có thể tạo ra một hệ sinh thái chứ không phải chỉ gắn kết với xã hội như nhìn nhận trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Thế nên, về ngôn từ chỉ là ĐHKN nhưng thật ra, nó là cuộc cách mạng thay đổi nhận thức, tư duy, nội dung, thay đổi cách dạy, học, cũng như cách thức tương tác với các bên liên quan.

* Như vậy, việc triển khai mô hình ĐHKN chính là cơ hội cho các trường đại học truyền thống?

vtt.jpg
TS. Võ Trí Thành

- Đúng vậy. Đó là một đòi hỏi nhưng cũng là cơ hội chuyển mình của các trường đại học. Việt Nam đang cần sự chuyển mình để thực hiện khát vọng đến năm 2030 là nước có thu nhập cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, tức là không chỉ thu nhập cao mà còn gắn với sống xanh, xử lý hài hòa những vấn đề xã hội, môi trường, bên cạnh tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Và ĐHKN là cách thức góp phần rất quan trọng để đạt được mục tiêu ấy.

Đất nước muốn phát triển thì cần DN, mà hiện số lượng DN ở Việt Nam vẫn chưa đủ. ĐHKN không chỉ đào tạo kiến thức, kỹ năng mà còn giúp tạo ra một lượng doanh nhân dồi dào gắn với yêu cầu trong giai đoạn mới, đó là công nghệ, năng suất, là sáng tạo…

* Khi triển khai ĐHKN, các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam sẽ gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

- Sự khác biệt giữa đại học truyền thống và ĐHKN đã nói lên rất nhiều thách thức khi triển khai. Đầu tiên là nhận thức. Dù thế giới đã có kinh nghiệm, một số trường đại học ở Việt Nam cũng bắt đầu hình thành những nhân tố tạo nền móng cho hệ sinh thái ĐHKN, tuy nhiên thách thức quan trọng nhất là có dám vào cuộc không. Vẫn chưa có mô hình ĐHKN nào hoàn chỉnh để học hỏi. Nếu có cũng chỉ là những bài học kinh nghiệm hay một số nguyên lý, nhưng xây dựng ĐHKN mỗi trường có cách thức khác nhau.

Một thách thức nữa, để tạo ra hệ sinh thái cho ĐHKN, phải kết nối với rất nhiều bên liên quan, do đó chỉ cải tổ trong nội bộ các trường thôi chưa đủ. Trong bối cảnh chính sách, thể chế chưa hoàn thiện thì những cá nhân, tổ chức liên quan có dám thay đổi không lại là chuyện khác. Thứ hai, phải vượt qua sức ỳ của chính mình. Đi theo con đường mới thì có khả năng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có tác động tốt cho sự phát triển xã hội, nhưng để đạt được điều ấy, mỗi trường đại học phải tái cấu trúc, thậm chí làm một cuộc cách mạng. Công cuộc tái cấu trúc của các trường đại học không đơn thuần chỉ là giáo trình, chương trình, cách dạy, cách học mà là cả hệ thống động lực cho giáo viên, sinh viên. Quan trọng là cần vào cuộc, dám “chơi” và dám tin, tất nhiên quá trình này đòi hỏi sự nỗ lực học hỏi và quyết tâm của các trường.

* Vậy theo nhận định của ông, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng có vai trò như thế nào trong việc ấy?

- Trong bất kỳ tổ chức nào, người lãnh đạo cũng có vai trò rất quan trọng. Họ là người có ý tưởng, khát vọng, là người truyền lửa, dẫn dắt, nếu họ không dám đương đầu với thách thức thì liệu còn ai dám đương đầu. Trong bối cảnh hiện nay, việc dám làm, dám “chơi” gắn với một ý tưởng đột phá như xây dựng ĐHKN thì vai trò của hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng rất quan trọng. Nhu cầu thực tế đang đòi hỏi cấp thiết, do đó muốn triển khai xây dựng ĐHKN thì hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng phải đi đầu.

* Ông có thể lý giải cụ thể, việc đi đầu ở đây là như thế nào?

- Nghĩa là phải cải tổ trường, kết nối tất cả các bên liên quan, cách dạy và đặc biệt là tạo động lực cho giáo viên, sinh viên, gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp của trường. Không phải ngẫu nhiên, ĐHKN là con đường thay đổi thế giới, góp phần thực hiện khát vọng phát triển của Việt Nam.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiện thực hóa khát vọng phát triển kinh tế quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO